Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Mách nước cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu gạo vào thị trường ASEAN
Thế Hải - 04/05/2022 11:14
 
Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN sẽ diễn ra vào 5/5/2022, trực tiếp từ An Giang, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom.
ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam.
ASEAN là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nhà nhập khẩu mới và tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng tại thị trường ASEAN, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN vào 5/5/2022, trực tiếp từ An Giang, vựa sản xuất lúa gạo lớn của cả nước, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Phiên tư vấn sẽ dành thời gian để tư vấn trực tiếp các vấn đề cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang các nước ASEAN.

ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, với nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó có mặt hàng gạo.

Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN, với các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia, Malaysia....

Số liệu của Bộ Công thương, năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Quý I/2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Theo Thương vụ Việt Nam tại các thị trường ASEAN, gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn.

Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…

Ngoài gia tăng xuất khẩu nhờ nhu cầu gạo tăng cao tại ASEAN, ngành lúa gạo cũng có thêm cơ hội  tận dụng tối đa những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022 tạo cho các doanh nghiệp có thêm lựa chọn sử dụng FTA nào để có ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu tốt nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu năm 2021 đạt gần 6,24 triệu tấn, trị giá gần 3,3 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 526,9 USD/tấn. So với năm 2020, xuất khẩu gạo giảm 0,2% về lượng, tăng 5,3% về trị giá nhưng tăng 5,5% (tương đương 27,47 USD/ tấn) về giá xuất khẩu bình quân.

Châu Á là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 4,3 triệu tấn, chiếm 68,62% trong tổng lượng xuất khẩu. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt khoảng 2,46 triệu tấn, chiếm 39,33% trong tổng lượng xuất khẩu; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt 1,06 triệu tấn, chiếm 16,9% trong tổng lượng xuất khẩu.

Mục tiêu của xuất khẩu lúa gạo trong năm 2022 ở mức 63-6,5 triệu tấn, tập trung vào các loại gạo chất lượng cao để tăng. 

4 tháng, xuất khẩu nhóm hàng trên chục tỷ USD tăng trưởng mạnh
4 tháng 2022, cả nước có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, các nhóm hàng trên chục tỷ USD như điện thoại, dệt may, giày dép đều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư