Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
"Màn so găng" giữa hai ông lớn bán lẻ MWG và FPT Retail
Thanh Vũ - 02/11/2023 08:24
 
Hai ông lớn trong ngành bán lẻ điện tử là MWG và FPT Retail vừa trải qua một quý III/2023 đáng quên. Một bên giảm tới 96% lợi nhuận, một bên thậm chí còn lỗ 13 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động "hụt hơi"

"Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế Giới Di Động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng. Sắp tới hiện tượng này sẽ chấm dứt. MWG sẽ không để chênh lệch giá này trở thành điểm để đối thủ lợi dụng", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), khẳng định trong một cuộc họp vào tháng 4/2023.

Thế Giới Di Động đã xoay trọng tâm về giá bán để chiếm lại thị phần. Ảnh: TGDĐ

Ngay sau tuyên bố trên, Thế Giới Di Động đã điều chỉnh giá bán các sản phẩm iPhone của mình. Không dừng lại ở đó, TopZone, chuỗi bán lẻ thuộc Thế Giới Di Động, còn tuyên bố sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng, nếu nơi khác bán các sản phẩm của Apple với giá thấp hơn.

Tuy nhiên, sau khi tung ra hàng loạt các “đòn cước” về giá bán, chính bản thân của MWG cũng lao đao trước bối cảnh đi xuống chung của thị trường. Thậm chí, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài còn chấp nhận làm việc không lương trong quý III/2023.

Cụ thể, trong quý vừa qua, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 30.290 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ ở mức 38,8 tỷ đồng, giảm gần 96% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng của năm 2023, MWG có doanh thu dừng ở mức 86.858 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế chỉ rơi vào khoảng 77 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đáng nói là phần lớn số tiền trên lại đến từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng.

Xét lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của hai chuỗi bán lẻ là Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chỉ ở mức 62.400 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, dòng sản phẩm iPhone 15 chính là “cứu cánh” của hai chuỗi bán lẻ trên. Chỉ tính riêng trong tháng 9, mặt hàng này đã đóng góp gần 600 tỷ đồng đồng từ hơn 18.000 sản phẩm bán ra.

Điểm sáng hiếm hoi của MWG đến từ Bách hóa Xanh. Chuỗi bán lẻ này ghi nhận doanh thu đạt 22.323 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng. Tuy nhiên, tâm lý đã trở nên dè dặt, cẩn trọng hơn, khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.

Dẫu vậy, trong bối cảnh đó, MWG vẫn liên tục đưa ra nhiều khuyến mại. Điều này đồng nghĩa với việc công ty chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng, duy trì doanh thu.

Đối với các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất là hàng thiết yếu nên MWG cho rằng kết quả kinh doanh của các ngành hàng này vẫn ổn định.

FPT Retail "xây xẩm mặt mày"

Phía bên kia chiến tuyến, một ông lớn khác trong ngành bán lẻ ICT là FPT Retail (FRT) cũng có tình trạng không khá khẩm hơn. Trong quý III/2023, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế khoảng 13 tỷ đồng. Trong khi vào cùng kỳ năm ngoái, công ty vẫn còn lãi 85 tỷ đồng.

Nhu cầu về các sản phẩm công nghệ giảm xuống khiến FPT Retail vẫn gặp khó trong quý III. Ảnh: FPT Shop

Xét luỹ kế 9 tháng qua, FRT có doanh thu đạt 23.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước những vẫn lỗ sau thuế 225 tỷ đồng. Theo đó, việc tổng quan thị trường bán lẻ trong quý III/2023 vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của công ty không khả quan.

Về tình hình các chuỗi bán lẻ trong 9 tháng qua, FPT Shop có doanh thu rơi vào khoảng 12.222 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với “quân bài” dược phẩm FPT Long Châu, doanh thu của đơn vị này đạt tới 11.088 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo về thị trường, Công ty chứng khoán ACBS kỳ vọng nhu cầu mảng ICT và điện thoại di động sẽ phục hồi mạnh trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lưu ý rằng nhu cầu hiện tại của người dân vẫn đang ở mức rất thấp, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu như các sản phẩm công nghệ.

Nhận định chung về toàn ngành bán lẻ, phía Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường sẽ phục hồi nhẹ vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện rõ ràng hơn vào năm 2024.

Trong dài hạn, VDSC đánh giá hai mảng dự kiến có mức tăng trưởng doanh thu bán hàng mạnh mẽ nhất là bán lẻ dược phẩm và bách hóa. Đây là hai thị trường mà cả hai ông lớn là MWG và FRT đều có mặt với Bách hóa Xanh và FPT Long Châu.

Doanh thu quý III/2023 cải thiện, lợi nhuận của FPT Retail vẫn âm 197 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh 9 tháng 2023 của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) phản ánh đúng "nốt trầm" của thị trường bán lẻ công nghệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư