Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Mạng xã hội sẽ đóng vai trò lớn trong "cuộc chiến" thương mại điện tử 2020
Thị Hồng - 24/12/2019 20:57
 
Nghiên cứu của iPrice Group và YouNet Media cho thấy, mức độ tương tác của khách hàng trên mạng xã hội với các sàn thương mại điện tử đang tăng rất nhanh, với mức tăng hơn 2.100% từ năm 2016 đến nay.

Thảo luận trên mạng xã hội tăng mạnh

Cụ thể, nếu trong năm 2016, các sàn thương mại điện tử chỉ nhận trung bình 135.000 thảo luận/tháng trên các mạng xã hội thì tới năm nay, con số này đã lên đến 2,9 triệu thảo luận/tháng.

Các sàn trong năm 2019 cũng đã có những phản ứng tích cực để tận dụng ngay kênh này.

Nổi bật trong số đó là các hoạt động livestream trên Facebook và Youtube khi đồng loạt trong năm nay, bốn sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam đều giới thiệu các chương trình livestream với sự tham gia của các ngôi sao giải trí hàng đầu.

Kết quả là riêng trong hai tháng 10 và 11, thời gian diễn ra các đợt giảm giá lớn của các sàn, mạng xã hội tại Việt Nam xuất hiện đến 7 triệu lượt thảo luận về thương mại điện tử, cao hơn 30% so với bình thường. 

Bên cạnh sự đầu tư vào mạng xã hội hội của các sàn để hỗ trợ cho các chiến dịch bán hàng, theo iPrice Group và YouNet Media chắc chắn, sẽ không khó để thấy vì sao việc có một kế hoạch truyền thông mạnh trên mạng xã hội sẽ là một phần quan trọng cho chiến lược cạnh tranh của các sàn thời gian tới.

Mạng xã hội tác động trực tiếp đến lượng truy cập

Nghiên cứu sử dụng công cụ SocialHeat của YouNet Media, với 4 công ty được chọn phân tích bao gồm Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.

Đây cũng là bốn sàn thương mại có lượng truy cập hàng tháng cao nhất Việt Nam theo Bản đồ Thương mại Điện tử của iPrice Group.

.
.

Kết quả cho thấy, mạng xã hội tác động trực tiếp đến lượng truy cập vào website. Trong 3 quý đầu năm 2019, gần như sàn nào đạt hiệu quả cao về các chỉ số trên mạng xã hội thì cũng sẽ xếp trên các đối thủ về lượng truy cập website hàng tháng. 

Riêng trong quý 2, xếp hạng về hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội hoàn toàn trùng khớp với xếp hạng về lượng truy cập website.

Cụ thể như trường hợp của Shopee và Tiki, số liệu cho thấy hai sàn này liên tiếp đạt kết quả tốt trong các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội với lượng người theo dõi cao và thường xuyên được đánh giá tích cực trong các thảo luận. 

Điều đó góp phần giúp hai sàn này dẫn đầu cả nước về lượng truy cập website trong 6 tháng đầu năm. 

Ở chiều ngược lại, Lazada Việt Nam đạt hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội kém hơn đồng thời lượng truy cập vào website của họ trong 3 quý đầu năm 2019 cũng có chiều hướng giảm sút. 

Giải thích vấn đề này, đại diện YouNet Media, đơn vị chuyên đo lường và phân tích hoạt động mạng xã hội cho biết, do mạng xã hội có khả năng tác động đến mọi giai đoạn trong hành trình mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng, từ lúc tìm kiếm thông tin, đến lúc lựa chọn mua hàng và cuối cùng là phản hồi sau khi mua hàng.

Theo báo cáo mới đây nhất của Facebook, có đến 48% người mua hàng tại Việt Nam tìm kiếm sản phẩm mới thông qua Facebook. 53% người Việt Nam sẽ sẵn sàng mua hàng từ các thương hiệu thương mại điện tử mới.

Tại Việt Nam nói riêng, vai trò của mạng xã hội đặc biệt lớn trong giai đoạn khách hàng tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định. 

Trả lời phỏng vấn với Facebook, ông Trần Hải Linh, Giám đốc Điều hành của Sendo cho rằng, khi một khách hàng vào Facebook hay Instagram, họ thấy quảng cáo tương tác với các nhà bán hàng thì đó thường sẽ là lúc họ nảy sinh ý định mua hàng. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với Sendo.

Thị trường thương mại điện tử: Không phải cứ “đốt tiền” là thắng
Sự tuột dốc của Lazada và sự trỗi dậy của Shopee, Sen Đỏ, Thế giới Di động, Tiki, cho thấy, với thị trường thương mại điện tử, không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư