Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
10 doanh nghiệp lớn ký cam kết nói không với hàng giả trên thương mại điện tử
Thế Hải - 18/12/2019 15:07
 
Các doanh nghiệp lớn có kinh doanh thương mại điện tử như: Thegioididong.com, Fptshop.com.vn, Hc.com.vn, Mediamart.vn và Pico.vn; Rongbay.com/Enbac.vn, Vatgia.com, Fado.vn, Joolux.com và Sapo.vn đã cùng ký cam kết với Bộ Công Thương về nói không với hàng giả hàng nhái trên nền tảng số.
Thêm 10 doanh nghiệp lớn ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử
Thêm 10 doanh nghiệp lớn như Fptshop, Thế Giới Di Động, HC....ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử".

Sáng 18/12/2019, Bộ Công Thương và 10 doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số đã ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2. Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, 5 sàn thương mại điện tử, gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn cũng đã cam kết chặn hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử.

Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 có sự tham gia của 10 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm, gồm: các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ bao gồm: Thegioididong.com, Fptshop.com.vn, Hc.com.vn, Mediamart.vn và Pico.vn.

Các doanh nghiệp vận hành sàn thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, như:  Rongbay.com/Enbac.vn, Vatgia.com, Fado.vn, Joolux.com và Sapo.vn.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, cũng trong sáng 18/12, Bộ Công Thương đã khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử”.
Đây là Cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu và phối hợp quản lý, giám sát thực thi và hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương..

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25 % -30%/năm. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 30% với Tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ USD.

Tuy nhiên, song hành với tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử thì cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc qua mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng, hàng giả/hàng nhái đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến.

"Việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường Internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới", ông Đặng Hoàng Hải nêu thực tế.

Do đó, việc ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tiếp sẽ giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử và các nhãn hàng/hãng trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Theo dự báo của Google và Temasek (19/11/2018), nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025. Nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo đóng góp vào con số trên 33 tỷ USD.

Chặng đường 5 năm sôi động của “ông lớn” thương mại điện tử Việt Nam
Từ năm 2012, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có nhiều dấu mốc quan trọng, đặc biệt là sự có mặt của Lazada - ông lớn thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư