Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần:
Masan lãi đậm từ mì, thịt, trà; Vietjet dẫn đầu lượng khách quốc tế; Năm 2024 Thaco làm gì
Khánh An tổng hợp - 03/02/2024 08:02
 
TNG có tháng 1 thành công nhất trong vòng 5 năm; Becamex có lãi kỷ lục trong quý IV/2023; Kế hoạch 2024 của Thaco có những gì; Doanh thu Vietjet tăng mạnh; Masan lãi đậm từ mì gói, siêu thị, thịt heo, trà sữa.

Masan lãi đậm từ mì gói, siêu thị, thịt heo, trà sữa

Tập đoàn Masan ghi nhận gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận hoạt động kinh doanh từ hàng tiêu dùng, chuỗi Winmart, Meatdeli và Phúc Long trong năm 2023, tăng 40%.

Cả năm 2023, Masan Consumer Holdings ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng doanh thu thuần

Tập đoàn Masan (MSN) cho biết các thương hiệu Masan Consumer Holdings (MCH), WinComerce (WCM), Masan Meatlife (MML) và Phúc Long ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) khoảng 4.877 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2022.

Đây được xem là mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của doanh nghiệp này từ khi tái cấu trúc.

Kết quả trên đến từ lợi nhuận kỷ lục của Masan Consumer Holdings và khả năng sinh lời tốt của WinCommerce dù tiêu dùng suy yếu.

Cả năm 2023, Masan Consumer Holdings ghi nhận hơn 29.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 7.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA), lần lượt tăng 3% và 13%.

Chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, WCM ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022 nhờ tác động của việc mở cửa hàng mới, chuyển đổi và nâng cấp mô hình cho hơn 1.600 điểm bán sẵn có.

Masan Meatlife báo doanh thu tăng 46% lên gần 7.000 tỷ đồng trong năm 2023.

"Em út" Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, giảm gần 3% do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài. Chuỗi trà và trà sữa này nâng khả năng sinh lời bằng cách tối ưu hóa số lượng ki-ốt.

Tổng lại, Masan có hơn 78.250 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng nhẹ gần 3% so với năm 2022. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số giảm đến gần một nửa, về còn 1.950 tỷ đồng do phần đóng góp sụt giảm của mảng khai khoáng Masan High-Tech Materials và Techcombank.

Năm nay, Masan dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng l7-15% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290-4.020 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 17% và gấp đôi so với năm 2023. Doanh nghiệp này lập các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô và kế hoạch đưa ra sẽ dựa trên từng kịch bản.

Vietjet dẫn đầu lượng khách vận chuyển quốc tế, doanh thu tăng mạnh 60%

Trong năm 2023, Vietjet đã khai thác an toàn 133 nghìn chuyến bay, vận chuyển 25,3 triệu lượt hành khách (chưa bao gồm Vietjet Thái Lan), trong đó hơn 7,6 triệu khách quốc tế, tăng tới 183% so với năm 2022.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84,6 nghìn tỷ đồng

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách ngày càng tăng và mở rộng thị trường hàng không, năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt trọng tâm phát triển mạng bay với 33 đường bay quốc tế và quốc nội được mở mới, nâng tổng số đường bay lên 125 đường bay, trong đó 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay quốc nội.

Nổi bật là các đường bay TP.HCM - Thượng Hải (Trung Quốc), TP.HCM - Viêng Chăn (Lào), Hà Nội - Siem Reap (Campuchia), Hà Nội - Hong Kong (Trung Quốc), Phú Quốc - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Phú Quốc - Busan (Hàn Quốc) …

Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất của Australia, gồm Sydney, Melbourne, Perth, Adelaide, Brisbane. Hãng cũng là hãng bay khai thác nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam và Ấn Độ, gồm các đường bay từ Việt Nam tới các thành phố Dehli, Mumbai, Ahmedabad, Kochi và Tiruchirappalli.

Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân tới 87% và độ tin cậy kỹ thuật 99,72%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 81,5 nghìn tấn, tăng 73% so với cùng kỳ.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Vietjet ghi nhận doanh thu 53,6 nghìn tỷ đồng (riêng lẻ) và 62,5 nghìn tỷ đồng (hợp nhất), tăng lần lượt 62% và 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 đạt lần lượt 697 tỷ đồng và 344 tỷ đồng.

Riêng trong quý IV/2023, doanh thu riêng lẻ và hợp nhất lần lượt đạt 14,9 và 18,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 89% và 49% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và hợp nhất đạt lần lượt 70 tỷ đồng và 152 tỷ đồng.

Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 46% so với năm 2022, đóng góp 40% tổng doanh thu vận chuyển hàng không.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 84,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm, do Vietjet đầu tư tàu bay với 3 tàu A321 NEO thế hệ mới

Kế hoạch 2024 của Thaco có những gì

Thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024, CTCP Tập đoàn Trường Hải cho biết trong năm 2024 sẽ tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và khu đô thị tại Chu Lai.

Các dự án gồm khu công nghiệp cơ khí – ô tô hiện hữu 243 ha; khu công nghiệp cơ khí – ô tô mở rộng 115 ha; khu công nghiệp nông nghiệp 451 ha; khu cảng, logistics và phi thuế quan 173 ha; nạo vét luồng hàng hải Kỳ Hà; khu phi thuế quan, bến cảng Tam Hòa, tuyến luồng Cửa Lở; khu đô thị Chu Lai giai đoạn 1 diện tích 195 ha.

Năm 2024, Tập đoàn Thaco dự kiến nộp ngân sách khoảng 23.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với năm 2023

Theo kế hoạch trên, Tập đoàn dự kiến nộp ngân sách khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó nộp tại tỉnh Quảng Nam hơn 20.000 tỷ đồng, thuế nội địa 13,8 ngàn tỷ đồng và 6,3 ngàn tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Mức đóng ngân sách dự tính của Thaco trong năm 2024 tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng so với năm 2023 bởi trong năm qua Thaco Chu Lai đã đóng 20,1 ngàn tỷ đồng, riêng tại tỉnh Quảng Nam 16.000 tỷ đồng với hơn 11.000 tỷ đồng tiền thuế nội địa, hơn 4,7 ngàn tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu.

Năm 2023, ở mảng sản xuất và lắp ráp xe ô tô, doanh số bán ra của Thaco Auto đạt hơn 81 ngàn xe ô tô các loại trong năm 2023. Ở mảng cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Thaco Industries mang về gần 8.7 ngàn tỷ đồng doanh thu với gần 6.2 ngàn tỷ đồng trong nước, phần còn lại đến từ nước ngoài.

Trong năm 2024, THISO sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của trung tâm thương mại Thiso Mall Trường Chinh – Phan Huy Ích (tháng 04/2024); hoàn thành công tác cải tạo Thiso Mall Phan Văn Trị (tháng 04/2024) và Trung tâm hội nghị tiệc cưới THISKYHALL Sala. Kế hoạch tổng doanh thu 2024 là 5.211 tỷ đồng.

TNG có tháng 1 thành công nhất trong vòng 5 năm

Sau khi xác lập doanh thu cao kỷ lục 3 năm liên tiếp, TNG tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan khi doanh thu tháng 1/2024 ước đạt 523 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Đây cũng là tháng 1 có doanh thu cao nhất của doanh nghiệp trong 5 năm qua, từ năm 2020.

TNG tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan khi doanh thu tháng 1/2024 ước đạt 523 tỷ đồng

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, TNG đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…

Thực tế cho thấy, TNG duy trì được quy mô doanh thu, với tốc độ tăng trưởng khả quan ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất. Năm ngoái, Công ty “ngược dòng” về đích trước thời hạn 16 ngày so với kế hoạch doanh thu. Nhiều đơn vị thành viên của Công ty đã hoàn thành sớm kế hoạch năm.

Cụ thể, kết thúc năm 2023, doanh thu TNG đạt 7.096 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022 và là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Nhưng giá vốn tăng cao, cộng thêm gánh nặng từ các chi phí, khiến lãi ròng Công ty đi lùi 23% xuống còn 226 tỷ đồng và chỉ đạt 76% kế hoạch lợi nhuận năm.

Riêng quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 1.654 tỷ đồng và lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và giảm 5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đi ngang mức 15%.

Hiện, TNG đang tích cực đẩy nhanh thực hiện dự án nhà máy in và nhà máy công nghệ tại Khu công nghiệp Sơn Cẩm 1, hướng đến thực hiện đơn hàng ODM.

Becamex có lãi kỷ lục trong quý IV/2023

Quý IV/2023, mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư đem về doanh thu hơn 4.670 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ và chiếm 90% trong doanh thu thuần của Becamex. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp Becamex IDC báo lãi kỷ lục.

Mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư chiếm 90% cơ cấu doanh thu của Becamex IDC

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023 với lãi ròng 2.051 tỷ đồng, gấp 36,4 lần cùng kỳ, là quý có lợi nhuận ròng cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên HOSE vào năm 2020 đến nay

Kết quả ấn tượng trên phần lớn do BCM ghi nhận doanh thu thuần quý IV tăng trưởng 476% so với cùng kỳ, đạt gần 5.060 tỷ đồng. Sau khấu trừ, lãi gộp hơn 2.590 tỷ đồng, tăng 749%. Qua đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 35% lên 51%.

Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh bất động sản, bất động sản đầu tư đóng góp 4.670 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ và chiếm 90%.

Vào cuối năm 2023, Becamex IDC chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị - nhà ở phức hợp Tân Thành Bình Dương, phường Hoà Phú, TP. Thủ Dầu Một cho Công ty TNHH Sycamore, thuộc CapitaLand. Dự án có quy mô gần 20ha, giá trị chuyển nhượng là 5.085 tỷ đồng.

Thương vụ chuyển nhượng dự án trên từng được Becamex IDC tiết lộ vào cuối năm 2021. Trên bảng cân đối kế toán vào ngày 31/12/2023, Becamex IDC còn khoản thu ngắn hạn của Sycamore gần 2.776 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, Becamex IDC đạt doanh thu thuần 8.072 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước đó. Lãi ròng hơn 2.441 tỷ đồng, tăng 44%. Đây cũng là năm có lợi nhuận cao nhất từ khi niêm yết.

Tiên phong mở các đường bay mới, Vietjet dẫn đầu lượng khách vận chuyển quốc tế, doanh thu tăng mạnh 60%
Tiên phong mở rộng mạng bay quốc tế, thúc đẩy hồi phục và phát triển du lịch, đầu tư, giao thương trong nước và khu vực, Công ty Cổ phần Hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư