Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
MasterCard đẩy mạnh công nghệ thanh toán điện tử tại Việt Nam
Thùy Nhi - 14/01/2014 10:30
 
MasterCard vừa đưa vào áp dụng công nghệ mPOS (mobile Point of Sales) trong thanh toán tiêu dùng tại Việt Nam. Tài khoản ngân hàng của bạn có nguy cơ bị hack không?

Phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn trao đổi với ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, về công nghệ thanh toán này cũng như những giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Ông Arn Vogels, Tổng giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương

Ông có thể cho biết tiện ích của việc áp dụng công nghệ mPOS trong thanh toán tiêu dùng và kế hoạch của MasterCard trong việc triển khai công nghệ này tại Việt Nam?

Chúng tôi nhìn nhận mPOS là một giải pháp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả trước thực trạng số lượng điểm chấp nhận thẻ còn hạn chế ở Việt Nam. Trong thời gian qua, MasterCard đã chủ động làm việc với các ngân hàng để triển khai công nghệ này.

Chiếc máy mPOS nhỏ gọn, tiện lợi và tiết kiệm (chỉ 60 USD/máy) đầu tiên do MasterCard tài trợ vừa được áp dụng tại hệ thống siêu thị điện máy PICO hồi cuối tháng 12/2013 và sắp tới sẽ được mở rộng tại Việt Nam trong năm 2014.

Tuy nhiên, có hai nhân tố quan trọng quyết định mPOS có được triển khai tốt ở Việt Nam hay không.

Thứ nhất, về phía ngân hàng phải chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ để đảm bảo khi mPOS được đưa vào sử dụng, trải nghiệm của người tiêu dùng phải tốt hơn khi sử dụng trên một máy POS thông thường.

Thứ hai, các cửa hàng hay các địa điểm chấp nhận thẻ phải nhận thấy được lợi ích lâu dài của mPOS và chấp nhận sử dụng nó trong các giao dịch thanh toán thường ngày với khách hàng.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam cao là nền tảng rất thuận lợi để áp dụng công nghệ mPOS. Nhưng theo ông, thách thức của MasterCard trong việc phát triển dịch vụ thanh toán qua điện thoại ở Việt Nam là gì? Việt Nam có phù hợp để triển khai công nghệ thanh toán không tiếp xúc này không, thưa ông?

Tôi nhận thấy hạ tầng Internet ở Việt Nam rất phát triển và số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh rất lớn. Đây sẽ là nền tảng rất thuận lợi để chúng tôi triển khai các giải pháp thanh toán điện tử. Thách thức của chúng tôi chính là việc xác định dịch vụ nào phù hợp với hạ tầng và nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam.

Ở Anh, trong các giải pháp thanh toán qua di động thì thanh toán không tiếp xúc (contactless service) là phổ biến nhất vì hạ tầng của họ cực kỳ phát triển, người dân chỉ cần lướt thẻ để thanh toán khi đi xe buýt, giải trí ở bar hay mua sắm ở siêu thị.

Hiện tại, ngân hàng Eximbank đã triển khai dịch vụ thanh toán không tiếp xúc vào 12/2012 nhưng mới chỉ là thí điểm. Theo tôi, ở Việt Nam có thể tập trung phát triển thanh toán hình thức từ người đến người (person-to-person payment) vì yêu cầu này cấp thiết hơn.

Người tiêu dùng sở hữu thẻ quốc tế MasterCard có thể mua xăng dầu bằng cách cà thẻ tại 15 đại lý xăng dầu của SFC ở TP. HCM

Ông có thể cho biết rõ hơn về công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động - Mobile MasterCard Paypass mà MasterCard đang triển khai tại một số nước phát triển trên thế giới?

Trong quý I năm 2014, MasterCard toàn cầu cùng với Samsung phối hợp cùng các tổ chức tài chính và các nhà khai thác viễn thông lên kế hoạch triển khai công nghệ này đến khách hàng trên toàn cầu, mở đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine.

Cụ thể, các chủ thẻ Commonwealth MasterCard của ngân hàng Commonwealth của Úc có thể tải về và lưu trữ các thông tin thanh toán của mình trên một số dòng thiết bị di động của Samsung như Samsung Galaxy S4, Samsung Note 3 hay máy tính bảng của Samsung sử dụng công nghệ NFC hàng đầu để tiến hành thanh toán không tiếp xúc tại hơn 1,6 triệu điểm thanh toán không tiếp xúc MasterCard Paypass trên toàn thế giới.

Đối với người tiêu dùng, công nghệ di động không tiếp xúc của MasterCard giúp việc thanh toán và mua sắm hằng ngày trở nên nhanh chóng, dễ dàng và an toàn hơn. Đối với các đơn vị kinh doanh, nó còn giúp các khâu thanh toán và kiểm kê trở nên dễ dàng, đảm bảo an ninh tiền mặt và giảm đáng kể chi phí vận hành.

Theo số liệu thống kê gần đây, hơn 97% các giao dịch được tiến hành qua tiền mặt ở Việt Nam. Vậy theo ông, giải pháp nào để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam trong thời gian tới?

Để gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, theo tôi, có ba yếu tố cần quan tâm.

Thứ nhất, cần phát triển cơ sở hạ tầng, gia tăng số lượng địa điểm chấp nhận thẻ.

Thứ hai là vai trò đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong việc ban hành các quy định và chính sách phát triển thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, an toàn, thuận tiện; trong đó, trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ.

Bên cạnh việc hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển, Chính phủ cần đi đầu “làm gương”, tiên phong giao dịch qua hình thức thanh toán điện tử để thuyết phục người tiêu dùng và các hộ kinh doanh khác làm theo.

Thứ ba, chính là sự quan tâm và hiểu biết của các chủ cửa hàng và đại lý về lợi ích của việc sử dụng thẻ để từ đó tạo ra nhiều tiện lợi hơn cho khách hàng trong các giao dịch thanh toán hằng ngày.

Định hướng phát triển của MasterCard trong thời gian sắp tới như thế nào, thưa ông?

Trong năm 2014, chúng tôi sẽ phát triển thêm một số thành viên mới và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với các đối tác như ngân hàng, siêu thị, cửa hàng để đưa nhiều ưu đãi cho chủ thẻ, khuyến khích họ sử dụng thẻ thay vì tiền mặt.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn có mục tiêu chung với các ngân hàng là phải phát hành được các dòng thẻ có nhiều tính năng và lợi ích cho khách hàng. Việc xây dựng mối quan hệ lâu bền với ngân hàng Nhà nước cũng là một mục tiêu rất quan trọng của MasterCard.

Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam là một thách thức rất lớn. Làm thế nào để người tiêu dùng chuyển từ thẻ ATM, vốn chỉ để rút tiền sang sử dụng thẻ giao dịch mua bán hàng ngày là một chặng đường đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhất là trong thị trường thanh toán điện tử, bởi trong đó có rất nhiều thành phần cùng tham gia.

Một ví dụ là ngày 20/12 vừa qua, chủ sở hữu thẻ MasterCard do Vietinbank phát hành đã có thể mua xăng dầu bằng cách cà thẻ một cách nhanh chóng, an toàn và tiện lợi mà không phải sử dụng tiền mặt. Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng là làm sao cho người tiêu dùng thấy rõ lợi ích của việc thanh toán điện tử trong cuộc sống hằng ngày.

VPBank đạt chứng nhận bảo mật giao dịch thẻ
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã nhận chứng nhận PCI DSS (Payment Card Industry Data Security Standard) - chứng nhận chuẩn mực về an ninh, đảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư