Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Minh bạch hóa nền nông nghiệp
Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hóa thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hóa sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động “giải cứu”, hỗ trợ tiêu thụ nông sản đang lan tỏa từ Bắc vào Nam và nhận được sự quan tâm trên các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội. Nhiều hình thức phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức. Điều này cho thấy, truyền thống nhân ái, tinh thần thiện nguyện của người Việt luôn chung tay chia sẻ với bà con nông dân khi lâm vào tình cảnh khó khăn.

Từ trước khi xuất hiện virus corona, câu chuyện “giải cứu” nông sản lâu lâu lại gây xôn xao vào những đợt chính vụ. Hình như thực trạng đáng buồn này có tính chu kỳ, từ cây trồng này đến vật nuôi khác! Từ đó, có nhận định rằng, nông nghiệp xứ mình là nông nghiệp “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện”. Có người còn nói vừa hài hước vừa sâu sắc: đã đến lúc phải giải cứu luôn hai từ “giải cứu”. Vậy là nhiều người bắt đầu đi tìm nguyên nhân vì sao nên nỗi phải giải cứu như vậy? Tại trời, tại đất, hay tại chính chúng ta? Mà nếu tại chúng ta thì chúng ta là ai đây?

Có ý kiến quả quyết là do nông dân xứ mình có tâm lý chạy theo đám đông, “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Một loại nông sản nào đó được giá vào vụ trước, thì chắc chắn vụ sau mọi người sẽ đua nhau trồng, dẫn đến dư thừa, rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”. Mà nếu mùa sau mất giá sâu, thì lại đốn bỏ, để trồng loại cây khác. Loay hoay một“điệp khúc buồn”. Vậy là cứ phải giải cứu!

Có ý kiến nhận định là do cơ quan chuyên ngành các cấp chưa làm hết trách nhiệm của mình. Cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất còn nhiều hạn chế trong quy hoạch và thực thi quy hoạch, nên cung dễ vượt cầu. Trong lúc phát triển “nóng” diễn ra ồ ạt, các biện pháp điều chỉnh, cân đối cung - cầu, thậm chí chế tài, chưa được triển khai kịp thời, hiệu quả. Cơ quan chịu trách nhiệm phát triển thị trường, xúc tiến thương mại thiếu khả năng dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vậy là phải giải cứu!

Có ý kiến lại cho rằng, chung quy chỉ vì “mù mờ” thông tin, mà gây ra bao hệ lụy. “Mù” là hoàn toàn không nhìn thấy được gì, trong khi “mù mờ” hay “tù mù” là thấy mà không rõ. Người nông dân “mù mờ” về nhu cầu thị trường, từ nơi tiêu thụ, sản lượng cho đến quy chuẩn chất lượng. Việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản “mù mờ” về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng “mù mờ” về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ “mù mờ” về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp “mù mờ” về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường. Vậy là phải giải cứu!

Câu chuyện “mù mờ” thông tin dẫn đến hệ lụy “giải cứu” có nút thắt nằm ở sự phân mảnh, chia cắt chuỗi cung ứng ngành hàng trong kết nối cung - cầu. Khâu nuôi trồng cứ gói gọn trong nuôi trồng, khâu mua bán cứ mải miết mua bán. Tính gắn kết, hỗ trợ, đồng bộ giữa các khâu gần như không có. Câu hỏi về sản lượng, cách thức nuôi trồng, thời điểm thu hoạch, hầu như các cơ quan quản lý chuyên ngành không thể cập nhật đầy đủ thông tin. Đến khi lúa vàng đầy đồng, trái chín đầy cây, cá thả đầy ao, thì mới tất bật tìm cách “giải cứu”. Quản lý mà thiếu thông tin chính xác, cập nhật thì dựa trên cơ sở gì để quản lý? Nguyên lý kinh tế học “sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai” không chỉ dừng lại ở lý thuyết học thuật, mà cần đi vào thực tế sản xuất.

Có ý kiến quan ngại, “giải cứu” là giải pháp tình thế, là bị động, là hạ sách. Còn phải “giải cứu”, nền nông nghiệp cứ còn mãi bấp bênh. Nông dân mãi thấp thỏm nỗi lo giá cả, mùa vụ. Thị trường nay thừa mai thiếu, vốn dĩ đấy là quy luật. Vấn đề ở chỗ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nói mãi mà không hành động, thì vẫn còn khổ lắm. Nói mãi mà cứ chạy theo con số, thành tích nhất thời, thì vẫn còn khổ lắm. Nói mãi mà còn đùn đẩy, biện minh, thoái thác thì vẫn còn khổ lắm.

Để hạn chế rủi ro do đứt khúc cung - cầu thì phải làm bằng được việc ghi nhận, tích hợp đầy đủ thông tin, cập nhật thường xuyên và chuyển tải kịp thời từ “đầu cung” đến cơ quan chuyên ngành, rồi từ cơ quan chuyên môn đến “đầu cầu”. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang có tính cấp bách hơn lúc nào hết, nhằm tạo nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng nông sản và cả cơ quan quản lý chuyên ngành. Tích hợp dữ liệu, phân tích, đánh giá để chuyển hóa thành thông tin hữu ích, rồi minh bạch hóa sẽ giúp khắc phục tình trạng “mù mờ” trong ngành nông nghiệp hiện nay. Minh bạch hóa nền nông nghiệp sẽ là giải pháp hữu hiệu, để nông nghiệp “giải cứu”, nông nghiệp “từ thiện” chỉ còn là câu chuyện một thời đã xa.

Một chương trình hành động cụ thể, thiết thực cần được triển khai ngay để hướng đến nền nông nghiệp minh bạch! Hãy nhắc nhở nhau rằng, điều gì người khác làm được, nhất định chúng ta cũng phải làm được; điều gì người khác không làm được, chúng ta sẽ làm và làm được. Không cứ mãi dừng lại ở “ý định”, mà phải “hành động”!

Tập đoàn Mavin đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao 650 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa chấp thuận Dự án Tổ hợp chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm xuất khẩu của Công ty cổ phần Tập đoàn Mavin với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư