Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
“Mở hàng” sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân
Thế Hoàng - 27/01/2021 09:16
 
Những container hàng xuất khẩu chính ngạch nối tiếp nhau sang Trung Quốc ngay trong những ngày đầu năm 2021, báo hiệu một khởi đầu thuận lợi.
Vinamilk đã ký được đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc
Vinamilk đã ký được đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc

“Mở hàng” thuận lợi

10 container sản phẩm sữa hạt cao cấp vừa được Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu sang Trung Quốc, “mở hàng” cho năm 2021.

Một lô hàng khác gồm 5 container sản phẩm sữa đặc có đường cũng đang được Vinamilk đẩy mạnh sản xuất để kịp cập cảng quốc gia đông dân nhất thế giới này trước Tết Tân Sửu, sau lô hàng sữa đặc có đường đầu tiên thâm nhập vào thị trường này tháng 4/2020.

Đại diện Vinamilk cho biết, sau khi đơn hàng sữa hạt được xuất khẩu “thăm dò” sang Trung Quốc vào cuối năm 2020, đối tác đã có những phản hồi rất tích cực và quyết định ký đơn hàng với số lượng lớn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, giá trị trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2020 đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019 (tương ứng 16 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,9%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019.


Với những con số kể trên, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. 

Tuy nhiên, sữa không phải ngành hàng có đơn hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc trong những tháng đầu năm. Dự kiến, trong quý I/2021, lô hàng yến sào của Việt Nam sẽ được xuất khẩu vào thị trường này theo đường chính ngạch. Đáng lẽ, lô hàng này đã được xuất sang Trung Quốc trong năm 2020, nhưng do yếu tố khách quan là Covid-19 bùng phát, nên việc hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu bị chậm lại.

Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Quảng bá và Phát triển thị trường yến sào Việt Nam (Tập đoàn Yến Việt) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu yến sào với Công ty Đông Nam Yến Đô Hạ Môn (Trung Quốc) với sản lượng khoảng 100 tấn yến/năm, bao gồm yến sào và yến thô, trị giá khoảng 150 triệu USD. Đây cũng là hợp đồng xuất khẩu yến chính ngạch vào Trung Quốc đầu tiên của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, sau một năm đình trệ vì ảnh hưởng bởi Covid-19, hiện phía Trung Quốc đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá rủi ro cũng như các điều kiện kỹ thuật để yến sào xuất sang Trung Quốc. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yến sào là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có cơ hội xuất khẩu tốt. Mỗi năm, Việt Nam thu hoạch khoảng 120 tấn yến sào, giá trị tương đương 450 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng), trong đó xuất khẩu được khoảng 100 - 125 triệu USD/năm.

Ngoài sữa, yến sào, trong kế hoạch phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán, trao đổi với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản sang thị trường này, ưu tiên sầu riêng, khoai lang, tổ yến, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; tôm sú/thẻ ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô…

Nâng chuẩn chất lượng

Năm 2020 là một năm nhiều khó khăn đối với kinh tế thương mại khu vực và thế giới nói chung, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, nhưng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng gần 18%, đạt gần 49 tỷ USD. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trung bình 20%/năm.

Theo Bộ Công thương, Trung Quốc ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, đồ uống và thực phẩm chế biến.

Trước đây, những nhóm hàng này chủ yếu được xuất tiểu ngạch, giá trị thấp, rủi ro cao. Nhưng nay, tình hình đang được cải thiện, khi các địa phương, doanh nghiệp đã ý thức về việc tổ chức lại sản xuất, đáp ứng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, bao bì theo yêu cầu của nhà nhập khẩu…

Nhờ sự thay đổi tích cực đó, ngày càng có thêm nhiều mặt hàng nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đơn cử, với ngành hàng sữa, sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, cuối năm 2019, Trung Quốc đã cấp “visa” cho sản phẩm sữa từ Việt Nam, trong đó Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk là 5 doanh nghiệp đầu tiên có sản phẩm được chấp thuận để xuất chính ngạch. Liên tiếp từ đó đến nay, Trung Quốc đã cấp mã giao dịch cho 7 công ty/nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu hơn chục sản phẩm sữa vào thị trường này.

Có thể nói, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, thay đổi để thích ứng là yêu cầu đặt ra hàng đầu đối với các doanh nghiệp. Đơn cử, với ngành rau quả, các doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi sản xuất theo chuỗi giá trị để đáp ứng yêu cầu cao từ các nhà nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải Quan, năm 2020 mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,83 tỷ USD, giảm mạnh tới 27% so với năm 2019. Sự sụt giảm này, bên cạnh nguyên nhân do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, còn do phía nhập khẩu đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group nhấn mạnh, nếu vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, thì doanh nghiệp đang tự đánh mất cơ hội tăng xuất khẩu của chính mình. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định rằng, chất lượng hàng xuất sang Trung Quốc phải đáp ứng tiêu chuẩn không khác gì các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…, như vậy, sẽ  không lo hàng sản xuất ra không tiêu thụ được.

“Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết và đang chờ phê chuẩn từ các nước thành viên sẽ tạo dư địa lớn cho rau quả thẳng tiến sang Trung Quốc, thay vì chỉ có 10 loại quả đang được xuất chính ngạch như hiện nay”, ông Tùng kỳ vọng.

Nhưng, cần phải nói thêm rằng, trong năm 2021 và thời gian tiếp theo, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt xuất khẩu chính ngạch bằng việc tiến hành nghiêm quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấm xuất khẩu tiểu ngạch, tăng kiểm tra kiểm dịch với các lô hàng xuất chính ngạch, cộng với ảnh hưởng của Covid-19, nên giá trị xuất khẩu có thể giảm nếu doanh nghiệp trong ngành không tuân thủ các điều kiện, quy định.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) lưu ý, Trung Quốc là thị trường quan trọng với hầu hết các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản. Để không bị lỡ nhịp, chỉ còn con đường duy nhất là làm ăn bài bản, thận trọng, có tư vấn cụ thể từ đối tác.

3 năm bán rơm hữu cơ cho Vinamilk, Hoa Nắng có thể thu về 1 triệu USD
Sau khi sản phẩm gạo hữu cơ được phân phối tại 400 cửa hàng, siêu thị trong nước, Công ty TNHH Nông Sản Hoa Nắng đã ký hợp đồng cung cấp rơm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư