Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 02 năm 2025,
“Mỏ neo” mới của nền tảng quản lý nhân sự Deel tại Việt Nam
Anh Hoa - 21/02/2025 10:19
 
“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, trong chiến lược mở rộng thị trường, Deel - nền tảng quản lý nhân sự và trả lương trên quy mô toàn cầu - đã thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường lao động có tay nghề cao tại đây.
Deel cung cấp giải pháp nhân sự toàn diện, tích hợp nhiều tính năng trên một hệ thống thống nhất tại 150 quốc gia trên thế giới
Deel cung cấp giải pháp nhân sự toàn diện, tích hợp nhiều tính năng trên một hệ thống thống nhất tại 150 quốc gia trên thế giới

Kỳ vọng một năm bùng nổ

Ông Alex Bouaziz, Đồng sáng lập, kiêm CEO của Deel - tự hào đã chèo lái, dẫn dắt Công ty trải qua một năm rực rỡ về tốc độ tăng trưởng kinh doanh, phát triển hạ tầng cũng như cải tiến sản phẩm. Ông cùng các cộng sự đang nỗ lực hết mình cho một năm 2025 kỳ vọng bùng nổ hơn nữa và mong chờ hợp tác cùng các nhà đầu tư chiến lược mới để tiếp tục duy trì đà phát triển trong những năm tới.

Lý do khiến Deel được dự báo phát triển bùng nổ hơn là công ty này vừa có thêm các nhà đầu tư “mỏ neo” (anchor investor) mới. Nhà đầu tư “mỏ neo” là những nhà đầu tư dài hạn, cam kết lượng vốn đầu tư đáng kể. Họ thường đầu tư mua cổ phần với giá thỏa thuận, trước khi một doanh nghiệp bắt đầu IPO, nhằm tăng cường tính ổn định của đợt chào bán cổ phiếu lần đầu, tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Cụ thể, Công ty Đầu tư mạo hiểm General Catalyst và một quỹ đầu tư quốc gia đã mua gần 300 triệu USD cổ phần thứ cấp từ các nhà đầu tư ban đầu của Deel. Khoản đầu tư này không chỉ khẳng định tốc độ phát triển mạnh mẽ của Deel, mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư đối với Công ty. General Catalyst đã hỗ trợ hơn 800 doanh nghiệp có tên tuổi, bao gồm Airbnb, Stripe, Snap, HubSpot, Ramp, Samsara và nhiều công ty công nghệ có uy tín khác.

Khảo sát của Anphabe vào năm 2020 đã ghi nhận một tỷ lệ đáng kể nguồn nhân lực tham gia nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do). Đến năm 2021, mặc dù người đi làm ưu tiên sự ổn định, nhưng con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, tỷ lệ lao động tự do bán thời gian đã tăng từ 39% (năm 2020), lên 44% (năm 2021), lao động tự do toàn thời gian có giảm, nhưng không đáng kể. Tổng cộng, đã có khoảng 57% nguồn nhân lực trí thức tại Việt Nam tham gia nền kinh tế Gig, cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong quan niệm của người lao động về sự ổn định trong công việc.

Deel cũng công bố, Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 800 triệu USD

vào tháng 12/2024, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Deel vẫn duy trì lợi nhuận trong hơn 2 năm liên tiếp.

Từ khi được Y Combinator rót vốn đầu tư vào năm 2019, Deel đã phát triển từ một giải pháp tuyển dụng chỉ có 2 sản phẩm thành một bộ công cụ quản lý toàn diện, giúp đơn giản hóa hoàn toàn việc quản lý nhân sự toàn cầu. Nền tảng của Deel là một giải pháp nhân sự toàn diện, tích hợp hệ thống quản trị nguồn nhân lực, bảng lương, quy định, phúc lợi, quản lý hiệu suất và nhiều tính năng khác trên một hệ thống thống nhất tại 150 quốc gia.

Bà Jeannette zu Fürstenberg, Giám đốc điều hành General Catalyst, kiêm Cổ đông sáng lập Quỹ đầu tư La Famiglia cho hay, từ một khoản đầu tư hạt giống tại La Famiglia, Deel đã phát triển thành một doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với triết lý của General Catalyst Famiglia - giúp nhiều người tìm được việc làm hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

“Việc Deel tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp lớn trong quản lý lực lượng lao động toàn cầu hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của Quỹ nhằm hỗ trợ những ý tưởng táo bạo tạo ra giá trị bền vững”, bà  Fürstenberg chia sẻ.

Năm ngoái, Deel bổ nhiệm 2 thành viên Hội đồng Quản trị độc lập mới, gồm ông Francis deSouza, cựu CEO Illumina, cựu thành viên Hội đồng Quản trị Walt Disney Corporation; và ông Todd Ford, thành viên Hội đồng Quản trị kỳ cựu, đồng Chủ tịch, kiêm Giám đốc tài chính Coupa Software.

Thời điểm Deel được thành lập (năm 2019), đã xuất hiện nhiều công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa tiên tiến, như nền tảng DingTalk, Feishu, Tencent Meeting. Tuy nhiên, nhóm Nhà sáng lập của Deel hiểu rằng, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt khi tuyển dụng nhân sự từ xa không nằm ở công nghệ, mà là vấn đề tuân thủ pháp luật.

Do đó, thay vì tập trung phát triển công nghệ làm việc từ xa, Deel còn cung cấp giải pháp giúp các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp lý và quy trình tuyển dụng, quản lý nhân viên. Tháng 4/2019, lần đầu tiên, Deel cho ra mắt công cụ giải quyết vấn đề thanh toán cho 2 bên khi làm việc từ xa.

Cuối năm 2019, do dịch Covid-19 bùng phát, làm việc tại nhà trở nên phổ biến. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ xa cũng tăng lên, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm đến công nghệ của Deel.

Trong quá trình này, Deel liên tục cải tiến sản phẩm, không còn bị giới hạn ở các dịch vụ thanh toán cho nhân viên làm việc từ xa. Deel trở thành công ty tuyển dụng nhân sự quốc tế, cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp muốn nhanh chóng mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Để hỗ trợ cho việc mở rộng toàn cầu, Deel đã thuê ít nhất một nửa trong số hàng ngàn nhân viên làm người lao động độc lập đảm nhiệm các công việc từ bán hàng đến quản lý cấp cao. Chiến lược này cho phép Công ty tuyển dụng nhanh chóng ở các quốc gia, khi chưa có đại diện pháp lý.

Xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến
Xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến

Việt Nam dần trở thành “sân chơi” tuyển dụng

Phần lớn doanh nghiệp hiện vẫn tuyển dụng theo cách cũ và còn rất nhiều dư địa để các nền tảng tuyển dụng từ xa như Deel và các đối thủ cạnh tranh phát triển.

Deel khép lại năm 2024 với nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, việc mở rộng phạm vi dịch vụ với những thương vụ mua lại chiến lược đã giúp Deel mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Deel đã hoàn tất thành công 3 thương vụ mua lại quan trọng trong năm qua.

Cụ thể, sau thương vụ sáp nhập Deel Global Payroll, Deel có thể cung cấp dịch vụ tính lương toàn cầu tại hơn 100 quốc gia, với hơn 50 công cụ quản lý tiền lương toàn cầu. Còn thương vụ Deel Engage - Zavvy, giờ đã tích hợp hoàn toàn thành Deel Engage, giúp bổ sung các công cụ quản trị nhân tài vào nền tảng Deel sẵn có. Từ đó, Deel có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo và giữ chân những nhân viên xuất sắc nhất.

Trong khi đó, Deel IT - Hofy, hiện đã tích hợp hoàn toàn thành Deel IT, cung cấp hàng chục ngàn thiết bị cho người lao động làm việc từ xa tại 125 quốc gia, đảm bảo họ có được những công cụ cần thiết cho công việc.

Nhờ đó, Deel ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm hàng ngàn khách hàng mới như Instacart, TIME,

OpenAI, Doordash cùng các đối tác chiến lược như AWS, SAP, Station F. Mặc dù vậy, hành trình chỉ vừa mới bắt đầu và Deel còn rất nhiều mục tiêu cần chinh phục.

Năm ngoái, Deel thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Dù chưa có nhiều hoạt động rầm rộ, nhưng tiềm năng thị trường lao động có tay nghề cao tại Việt Nam đang ngày một rõ ràng hơn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các nền tảng nhận thấy, ngày càng có nhiều lao động Việt Nam và khu vực Đông Nam Á “săn” các công việc từ xa của công ty quốc tế. Trên thực tế, người lao động có kỹ năng đặc thù đang được tuyển dụng trên phạm vi quốc tế.

Kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam và trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam có thể biến thị trường Việt Nam dần trở thành “sân chơi” để tuyển dụng những nhân viên có kiến thức cao với những kỹ năng độc đáo về sản phẩm, tăng trưởng và bán hàng. Một số công việc từ xa tuyển dụng phổ biến nhất của các công ty quốc tế trên nền tảng Deel là nghiên cứu, bán hàng, công nghệ phần mềm, phát triển nội dung và sản phẩm.

Sharon Koifman, Nhà sáng lập, Chủ tịch DistantJob (công ty tuyển dụng từ xa cho các doanh nghiệp của Mỹ) cho biết, các doanh nghiệp có thể tuyển dụng những nhân tài tốt hơn vì họ không còn bị giới hạn ở một khu vực, có thể tìm kiếm ứng viên ở nhiều tiểu bang và quốc gia khác nhau với tất cả các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể giảm đáng kể chi phí, vì việc tuyển dụng từ xa tiếp cận được với những ứng viên sống ở những nơi có chi phí sinh hoạt thấp hơn. Đại dịch Covid-19 đã tác động đến tư duy và lối sống của mọi người. Người lao động không còn muốn những đặc quyền cơ bản như làm việc trong một tòa nhà sang trọng nữa, thay vào đó, họ muốn sự linh hoạt.

Liên quan vấn đề này, đại diện Anphabe cũng chia sẻ, tiêu chí làm việc linh hoạt không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới. Mặc dù xu hướng này có phần “hạ nhiệt” sau đại dịch Covid-19, nhưng sự mong đợi về một môi trường làm việc linh hoạt vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với thế hệ Gen Z. Cụ thể, khoảng 30% Gen Z kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt, khoảng 70% Gen Z sẽ cân nhắc công việc khác nếu công ty không có chế độ này.

Theo đại diện Anphabe, sự “ổn định” giờ đây không chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc, mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động, thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc, hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.

Tăng tốc nguồn cung bất động sản công nghiệp
Thị trường bất động sản công nghiệp chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nguồn cung bất động sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư