Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Mở rộng đầu tư nước ngoài trong ngành y tế
Chí Tín - 04/05/2013 06:34
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Paul Ténière, Tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, tại Việt Nam, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đang tăng dần, vì thế, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đang có những dự án nhằm đón đầu xu hướng đó.
TIN LIÊN QUAN
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sẽ nâng công suất dịch vụ lên gấp 3 lần hiện nay trong năm 2013. Ảnh: Internet

Cụ thể, ngay trong năm 2013 này, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sẽ nâng công suất dịch vụ lên gấp 3 lần hiện nay. Theo kỳ vọng, đến cuối 2014, Bệnh viện sẽ hoạt động với 100% công suất sau mở rộng.

Dự án Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp Hà Nội là dự án bệnh viện quốc tế đầu tiên thành lập tại Hà Nội, với mô hình bệnh viện đa khoa gồm 68 giường bệnh, cung cấp các dịch vụ y tế nội khoa và phẫu thuật cho các đối tượng bệnh nhân người Việt Nam và người nước ngoài.

Ngoài các dự án về khám chữa bệnh, đầu tư trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm cũng là lĩnh vực được các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc - xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) cũng vừa công bố Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella”. Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 5/2013 và kéo dài trong 4 năm 11 tháng, với tổng ngân sách dự kiến khoảng 707 triệu yên (7,51 triệu USD).

Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, trong hợp tác ODA của Nhật Bản với Việt Nam, lĩnh vực y tế luôn được ưu tiên. Trong lĩnh vực y tế, JICA từng có nhiều năm hỗ trợ POLYVAC sản xuất vắc - xin bại liệt và thông qua hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giúp xây dựng nhà máy vắc - xin sởi. Thành quả của hợp tác là, POLYVAC đã tự sản xuất được vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đóng góp phần không nhỏ vào việc thanh toán bệnh bại liệt và kiểm soát dịch sởi tại Việt Nam.

Theo dự kiến, trung tuần tháng 5 này, JICA sẽ cử chuyên gia Nhật Bản sang công tác dài hạn tại Việt Nam và trong trung tuần tháng 6 sẽ tiếp nhận khoảng 13 nhân viên kỹ thuật của Việt Nam sang Nhật để đào tạo về công nghệ sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella.

Các chương trình, dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế đang tiếp tục mở rộng hơn. Hiện nay, Bộ Y tế đang quản lý 56 chương trình, dự án ODA và 61 dự án viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Trong số đó có 33 dự án viện trợ không hoàn lại, 10 dự án vốn vay, còn lại là các dự án hỗn hợp. Tổng kinh phí thuộc các dự án, chương trình này lên đến gần 26.500 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD), trong đó, các dự án ODA chiếm 92,9% tổng kinh phí các chương trình và trong các dự án ODA, phần vốn ODA viện trợ không hoàn lại chiếm hơn 11.500 tỷ đồng.

Theo Bộ Y tế, lĩnh vực y tế sẽ tiếp tục hội nhập sâu trong các hoạt động hợp tác quốc tế như tiếp nhận đầu tư trực tiếp, gián tiếp, mở cửa cho các doanh nghiệp ngành y tế hướng ra thị trường nước ngoài.

Theo ông Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại và khu vực (Học Viện ngoại giao, Bộ Ngoại giao), trong thời gian tới ngành y tế cần có chiến lược hội nhập cụ thể.

“Ví dụ trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, khi sản phẩm của Việt Nam bắt đầu tiếp cận thị trường quốc tế, cần phải chuẩn bị để ứng phó với các mối đe dọa nhằm làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam”, ông Thái nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư