Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 11 năm 2024,
Mỗi năm, lao động Việt Nam tại nước ngoài gửi về nước khoảng 3 tỷ USD
Hải Đăng - 20/06/2018 15:34
 
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng gửi về Việt Nam khoảng 3 tỷ USD.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Số tiền tương đương 68.490 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 20/6/2018.

Trả lời chất vấn liên quan đến những vấn đề về thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Tính đến 29/5/2018 có 328 doanh nghiệp được cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Các doanh nghiệp phần lớn có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại TP.HCM (chiếm khoảng 20%) và 20% là doanh nghiệp có trụ sở chính tại các địa phương khác.

 Số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Năm 2017, cả nước có gần 135.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó lao động nữ chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và tăng 6,7% so với năm 2016

Năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trong đó lao động nữ chiếm 40%).

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề lao động, tăng cường kỷ luật làm việc để không đánh mất các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam tiềm năng.

Trước đó, vào cuối năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trên cơ sở thông tư, doanh nghiệp thực hiện công tác xuất khẩu lao động phải cập nhật danh sách các đơn vị của mình vào cơ sở dữ liệu, để cơ quan chính quyền quản lý lao động địa phương kiểm soát. Cơ sở dữ liệu này sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm, như lợi dụng uy tín của những doanh nghiệp lớn để tuyển lao động, lừa đảo thu tiền hoặc dùng số lao động này giao cho doanh nghiệp khác để thu tiền chênh lệch, như đã từng xảy ra trước đây.

Trong thời gian  tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sửa đổi Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho phù hợp tình hình thực tế.

30 năm thu hút FDI, góc nhìn từ lao động
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn Việt Nam qua lợi thế lớn nhất là nhân công giá rẻ. Thách thức của giai đoạn tới là thay đổi cách nhìn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư