Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Môi trường kinh doanh bước vào cuộc đua thứ hạng mới
Khánh An - 17/07/2016 15:48
 
Tư duy nhà nước kiến tạo đang tạo nên làn sóng thay đổi lớn trong hành động của cả các cơ quan quản lý nhà nước và giới công chức. Một cuộc đua vì sự phát triển của doanh nghiệp đang được khởi động.

Áp lực với công chức…

Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình hồi đầu tuần này có lúc tưởng như bế tắc bởi hai luồng ý kiến đan chéo nhau. Điểm đáng nói là sự khác biệt này đều đến từ các công chức của các cơ quan chính quyền địa phương.

Luồng ý kiến thứ nhất, chủ yếu từ lãnh đạo tỉnh, yêu cầu các sở, ngành giải trình những than phiền của doanh nghiệp về các khó khăn khi làm việc với các công chức. Nhóm ý kiến ngược lại, nằm ở chính những người phải giải trình, cho rằng, không phải doanh nghiệp cứ kêu ca là công chức phải “vắt chân lên cổ” để báo cáo.

doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư khi nhìn thấy sự thân thiện của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T
Doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư khi nhìn thấy sự thân thiện của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T

Cũng phải nói thêm, các than phiền của doanh nghiệp được tập hợp từ các cuộc cà phê doanh nhân, nơi các vị lãnh đạo đầu tỉnh và doanh nghiệp đặt mục tiêu trao đổi không giới hạn, từ khen, chê đến góp ý. Đặc biệt, với các kiến nghị có địa chỉ được đề nghị “bỏ hòm phiếu kín”, trên cơ sở đó, Văn phòng UBND tỉnh phân loại, gửi các địa chỉ được nhắc tên yêu cầu làm rõ.

Cuối cùng, tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã được đưa ra để giải tỏa các cuộc tranh luận, đó là “chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp”. Theo Nghị quyết, chủ tịch UBND các tỉnh phải công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tất nhiên, người đứng đầu các đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

“Các doanh nghiệp thực sự hài lòng với cách làm việc này. Họ đã chia sẻ với tôi, chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp tác động nhanh và mạnh đến như vậy tới các cơ quan của địa phương. Tất nhiên, công việc của công chức cũng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Nhưng đã đến lúc, các công chức phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một vài ý kiến phản đối của doanh nghiệp có thể chưa đúng, nhưng khi nhiều người có ý kiến thì mọi việc buộc phải thay đổi”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người chứng kiến khá nhiều câu chuyện tương tự trong nội bộ các cơ quan của chính quyền địa phương sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành vào giữa tháng 5/2016, đúng 16 ngày sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ.

… và sự thay đổi về bản chất trong quan hệ Chính phủ - doanh nghiệp

Tới đây, công chức phải chấp nhận bảng điểm từ người dân, doanh nghiệp sẽ không phải là lựa chọn muốn hay không từ chính quyền địa phương và các bộ, ngành.

Trong Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ sẽ cùng VCCI xây dựng và công bố Bộ chỉ số Đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2017. Khi đó, các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển doanh nghiệp sẽ nhìn thấy thứ hạng của mình trong bảng tổng sắp.

Có nghĩa, sẽ có sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa từng công chức thực thi với các doanh nghiệp cụ thể. Sự thay đổi này được xác định rõ hướng, đó là quản lý nhà nước trên cơ sở lòng tin, quản trị rủi ro thay vì cơ chế tiền kiểm, quản lý dựa trên sự nghi ngờ tất cả doanh nghiệp.

Trong cuộc đối thoại chính sách với giới đầu tư - kinh doanh cuối tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gọi đây là “sự xích lại gần nhau hơn trong mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp”.

“Rào cản lớn nhất trong môi trường kinh doanh Việt Nam lâu nay chính là khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp. Lâu nay, các cơ quan chính quyền có tư duy coi doanh nghiệp là những người làm ăn chưa tốt, cần phải quản lý chặt chẽ, nên chính sách đưa ra đôi khi gây khó khăn, thậm chí nhũng nhiễu doanh nghiệp. Khi mối quan hệ này thay đổi, dựa trên sự thân thiện, thì cơ chế chính sách cũng sẽ thay đổi theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm với giới đầu tư - kinh doanh.

Nỗ lực rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh, bãi bỏ toàn bộ các loại giấy phép con - các điều kiện có trong các thông tư, quyết định của các bộ, ngành đang được coi là thành công bước đầu. Tiếp theo, các kế hoạch rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đang được tiếp tục. Một văn bản luật sửa nhiều luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, ngay cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nếu thấy không phù hợp cũng sẽ phải sửa đổi, đảm bảo môi trường kinh doanh Việt Nam thực sự hấp dẫn, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cũng như đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ bên ngoài.

Điều quan trọng của sự thay đổi này, đúng như Bộ trưởng đã nói, đó là doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư, kinh doanh khi thực sự nhìn thấy sự thân thiện của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trở lại các nội dung của Nghị quyết 35 đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ, có thể nhìn thấy, mọi nhiệm vụ, yêu cầu đang đổ dồn vào một mục tiêu chính, đó là Việt Nam sẽ có được 1 triệu doanh nghiệp năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững vào năm 2020. Trong số này, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 48-49% GDP, 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Công việc đang rất nhiều, từ các cơ quan hoạch định chính sách đến các cấp thực thi. Giới doanh nghiệp thì kỳ vọng sẽ có một cuộc đua thứ hạng giữa các bộ, ngành, địa phương vì sự phát triển doanh nghiệp. Đương nhiên, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam, từng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Vingroup, Xuân Thành đua nhau đầu tư vào tỉnh Hòa Bình
Ngày 30/6, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, hàng loạt dự án trong danh mục 137 dự án mời gọi đầu tư của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư