Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mong đô-mi-nô trong dự án năng lượng tái tạo
Hoàng Nam - 26/06/2018 14:30
 
Thành công của Dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) qua thực tế 19 dự án thuỷ điện được tài trợ khiến cơ hội nhân rộng mô hình này cho phát triển các loại hình như điện gió, điện mặt trời rất được quan tâm.

Kết quả ngoài mong đợi

Được triển khai trong giai đoạn 2009 - 2018, Dự án REDP có nguồn vốn vay IDA từ ngân hàng Thế giới (WB) là 202 triệu USD, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của SECO (Thuỵ Sỹ) là 2,272 triệu USD và vốn đối ứng từ các ngân hàng thương mại trong nước và các chủ đầu tư là 1.300 tỷ đồng.

Ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia cao cấp của WB cho hay, 19 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa thuộc chương trình REDP có tổng công suất lắp đặt 320,4 MW, ngoài việc có sản lượng điện phát cao, đạt 1.115 GWh/năm so với mục tiêu 960 GWh/năm, cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng mừng.

Không dễ đưa mô hình ở Dự án REDP vào điện gió, điện mặt trời. Ảnh: Đ.T
Không dễ đưa mô hình ở Dự án REDP vào điện gió, điện mặt trời. Ảnh: Đ.T

“Trong chuyến thăm mới đây của WB tới các dự án thuộc REDP, chúng tôi nhận thấy, gần như toàn bộ các dự án thuỷ điện nhỏ đã vận hành an toàn. Doanh thu từ bán điện đã đủ để trả lãi ngân hàng, khiến các chủ đầu tư khác thấy hấp dẫn, ngân hàng tự tin hơn khi cho các dự án khác vay”, ông Kỳ nói. 

Giá bán điện tính theo chi phí tránh được của các dự án thủy điện nhỏ này là khoảng 1.100 - 1.300 đồng/kWh, cao hơn tương đối so với mức hơn 700 đồng/kWh của Dự án Thủy điện Trung Sơn cũng được WB cũng tài trợ 85% vốn. 

Bảy ngân hàng thương mại tham gia chương trình gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, SHB, Sacombank, Techcombank và ACB đã thực hiện cho vay lại trên cơ sở thương mại, tuân thủ khung chính sách an toàn của REDP với thời gian cho vay từ 12 đến 15 năm, ân hạn tối đa bằng thời gian xây dựng.

Theo ông Kỳ, nhiều ngân hàng khi mới tham gia dự án không có ý tưởng gì về thủy điện, về môi trường - xã hội, nhưng sau một thời gian thực hiện, đã trở nên am hiểu, tiến tới sẵn sàng cho vay với dự án năng lượng tái tạo. 

Thực tế trên được cho là những nhân tố tích cực để mở rộng đầu tư cho năng lượng tái tạo lẫn kêu gọi vốn đầu tư từ tư nhân. Tuy nhiên, để REDP có được kết quả khích lệ, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, thông qua cơ chế vay và cho vay lại với các dự án thành phần theo mô hình tín dụng hai cấp, cũng đóng góp không nhỏ.

Bà Lan Anh, Phó trưởng phòng Đa phương, Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính) cho hay, ở thời điểm ban đầu, Việt Nam được hưởng mức lãi suất vay thấp, chỉ 0,75%/năm với thời gian dài là ưu điểm mà không phải dự án thuỷ điện nào cũng được hưởng. 

Mặc dù cơ chế tín dụng hai cấp được xây dựng cho riêng REDP được chính Bộ Tài chính thừa nhận là rất phức tạp trong quá trình theo dõi bù trừ sau đó, nhưng đã mở ra được cơ chế đưa vốn ODA đến thẳng các nhà đầu tư tư nhân, thông qua sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại.

“Sự đột phá về cơ chế tín dụng hay chuyện đi vay bằng USD tuy có lãi suất thấp ban đầu, nhưng phải chịu biến động về tỷ giá và chấp nhận các chênh lệch này để cho vay lại bằng VND cũng là những hỗ trợ không nhỏ của Chính phủ trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại REDP”, bà Lan Anh nói.

Khó thành đô-mi-nô

Đại diện WB tại Việt Nam cho hay, cơ quan này đang hỗ trợ Bộ Công thương phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại TP.HCM và Đà Nẵng, xây dựng cơ chế tài chính để huy động vốn cho phát triển năng lượng tái tạo từ khu vực tư nhân. Song việc có lặp lại mô hình ở Dự án REDP vào điện gió, điện mặt trời hay không lại không dễ trả lời.

Chia sẻ thực tế này, bà Lan Anh nhận xét, Việt Nam đã “tốt nghiệp” vốn vay IDA từ tháng 7/2017 và giờ chỉ được vay vốn IBRD có lãi suất bằng lãi suất thị trường, nên không còn nguồn vốn vay như cách đây 9 năm. Nếu Chính phủ đi vay nước ngoài về và cho ngân hàng cho doanh nghiệp vay lại thì phải chịu thêm một số mức phí nữa. Đơn cử, với lãi suất vay tầm 4,9% hiện nay, cộng thêm 1,5% cho dự phòng rủi ro và 2,5% phí cho vay lại cùng 6% dự phòng tỷ giá thì lãi suất tới doanh nghiệp có thể vay được là quá cao. 

“Theo Luật Quản lý nợ công 2017, không còn hình thức tín dụng như đã áp dụng trong Dự án REDP, nên không có cơ sở để thực hiện tiếp mô hình này”, bà Lan Anh nói và nhấn mạnh, ngành điện hiện cũng không nằm trong danh sách được vay lại từ vốn vay nước ngoài.

Kỳ vọng tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái tạo
Hai dự án điện gió có tổng công suất 172 MW vừa khởi công tại Bạc Liêu và Sóc Trăng, làm dấy lên kỳ vọng gia tăng nhanh tỷ trọng năng lượng tái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư