Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một doanh nghiệp đưa Sữa Mộc Châu vào tầm ngắm thâu tóm
Minh Sơn (Vnexpress) - 27/11/2016 20:40
 
Công ty GTNFoods đã công bố kế hoạch nâng sở hữu tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - công ty mẹ của Công ty Giống bò sữa Mộc Châu - lên tối đa 65%.
 GTNFoods đặt kế hoạch nâng sở hữu tại Vilico, công ty mẹ sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu lên 65%.
GTNFoods đặt kế hoạch nâng sở hữu tại Vilico, công ty mẹ sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu lên 65%.

Theo nghị quyết mới công bố, Hội đồng quản trị của Công ty GTNFoods (Mã CK: GTN) đã thống nhất thông qua việc đầu tư giai đoạn 2 vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (Mã CK: VLC). Theo đó, GTNFoods muốn nâng sở hữu tại tổng công ty này từ 7,7% lên 65%. 

Vilico còn được biết đến là công ty mẹ của Công ty Giống bò sữa Mộc Châu với sở hữu 51% vốn, đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu đang được lưu hành trên thị trường. Doanh thu mặt hàng sữa trong doanh thu thuần của Vilico duy trì ở mức xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu lợi nhuận gộp của các sản phẩm sữa chiếm tỷ trọng từ 84-98% kể từ thời điểm cổ phần hóa đến nay.

Là một doanh nghiệp sở hữu hàng loạt công ty con và công ty liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có cả thương hiệu Sữa Mộc Châu, tuy nhiên phải đến đầu năm nay khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo thoái vốn, Vilico mới thực sự thu hút được sự chú ý với các nhà đầu tư. Theo đó, Bộ Nông nghiệp công bố sẽ thoái toàn bộ 77,59% vốn đang sở hữu tại Vilico thông qua đấu giá công khai và chào bán cho cổ đông chiến lược.

Cuối tháng 4, 37,59% vốn của Vilico đã được đấu giá thành công thu về gần 395 tỷ đồng. Sau đó hai tháng, việc chuyển nhượng số cổ phần còn lại cho cổ đông chiến lược được lựa chọn - Công ty Việt Xuân Mới bắt đầu được thực hiện.

Tuy nhiên, chưa tới nửa năm đầu tư vào Vilico, Việt Xuân Mới mặc dù là cổ đông chiến lược đã thoái gần hết phần vốn sở hữu tại tổng công ty này. Tính đến 18/11, sở hữu của cổ đông chiến lược này tại Vilico chỉ còn 1,67 triệu cổ phiếu (2,65%), trong khi trước đó đã nhận chuyển nhượng gần 27 triệu cổ phiếu, tương đương 40% từ Bộ Nông nghiệp.

Về phía GTNFoods, đây là công ty được thành lập từ cách đây 5 năm và hiện đang hoạt động với mô hình tổng công ty sở hữu các công ty con hoạt động trong từng ngành nghề nhất định. Định hướng của công ty thực tế đã liên tục thay đổi trong quá trình mở rộng quy mô.

Trong đó, từ lĩnh vực khai khoáng sau khi GTNFoods mới thành lập đến thời kỳ năm 2013 - 2014 đã chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đặc biệt là tre công nghiệp và các sản phẩm nhựa xây dựng. Đến những năm gần đây, ban lãnh đạo của công ty quyết định chuyển hướng sang các mặt hàng tiêu dùng và nông nghiệp. Nằm trong định hướng phát triển, trước khi có quyết định thâu tóm Sữa Mộc Châu, GTNFoods cũng trở thành công ty mẹ của Tổng công ty Chè Việt Nam với sở hữu tính đến cuối quý II là 95%.

Hàng loạt kế hoạch thâu tóm các tổng công ty nhưng kết quả thực tế đem lại cho GTNFoods không quá ấn tượng, thậm chí còn giảm mạnh so với cùng kỳ. Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt gần 1.350 tỷ và 8 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa tới 20% so cùng kỳ năm trước. 

Trong khi ngay từ đầu năm, Đại hội đồng cổ đông của GTNFoods đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận 100 tỷ đồng. Tính ra sau 9 tháng, GTNFoods mới hoàn thành gần 8% chỉ tiêu lợi nhuận.

Lộ dần bức tranh thâu tóm đất khi cổ phần hóa DNNN
Hàng loạt tồn tại trong việc xác định giá trị doanh nghiệp mà Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra đòi hỏi phải sớm được khắc phục để không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư