Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
M&A và nỗi lo bị thâu tóm
Nhã Nam - 10/09/2016 08:35
 
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp vẫn đang rất sôi động, với giá trị các thương vụ chỉ trong nửa đầu năm nay lên tới 3 tỷ USD. Tuy nhiên, cùng với các thương vụ M&A thì nỗi lo bị thâu tóm cũng hiện hữu. Giải bài toán này như thế nào là câu chuyện không đơn giản.
TIN LIÊN QUAN

Ngày càng nhiều thương vụ M&A được thực hiện. Từ Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD, đến chuyện Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan sau khi bỏ ra tới 1,1 tỷ USD để mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery… Rồi chuyện Vingroup chi một số tiền rất đáng kể để mua lại hệ thống siêu thị Maximark, hay chuyện hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài nhăm nhe các tên tuổi lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk…

Chưa kể, còn là TCC hoàn tất mua Metro, là các ông lớn địa ốc Singapore như Keppel Land, Mapletree và Capita Land cũng đã “ra tay” mua lại các dự án bất động sản lớn ở Việt Nam, là các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư chiến lược vào Vietnam Airlines và Petrolimex...

Ông Hoàng Đình Trọng ngồi ở vị trí CEO kỳ này.
Ông Hoàng Đình Trọng ngồi ở vị trí CEO kỳ này.

Tuy nhiên, cùng với làn sóng này, nỗi lo thâu tóm và tập trung kinh tế cũng đã bắt đầu xuất hiện, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ. Nỗi lo lớn đến nỗi chính ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, còn phải “than” về “nguy cơ bị nhà bán lẻ nước ngoài thôn tính, chiếm lĩnh thị trường”.

Đây là một câu chuyện có thật và không chỉ bây giờ mới có. Trước đây, dư luận đã nhắc rất nhiều đến thương vụ giữa Lotte với Bibica, mà sau đó, Bibica chẳng những không được lợi gì mà còn bị Lotte nhăm nhe thâu tóm, đổi tên thương hiệu…

Thực tế trên thị trường M&A hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã “nhẹ dạ” để rồi cho sói gửi chân. Nhưng vấn đề là, trong một cuộc hôn phối đầy toan tính của đối tác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải làm thế nào để đưa ra được một quyết định chính xác trong tình cảnh khó khăn như vậy?

Tình huống xảy ra tại một doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán đồ điện máy vừa và nhỏ. Do sức ép cạnh tranh trên thị trường quá lớn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải rời khỏi thị trường. Trước tình hình này, doanh nghiệp đã nỗ lực và kêu gọi một đối tác khá lớn tham gia hợp tác đầu tư để tìm cơ hội sống sót. Tuy nhiên, do đối tác này là nhà phân phối chính của một hãng điện tử lớn đến từ Hàn Quốc nên khi hợp tác họ sẽ đưa các mặt hàng điện tử mà họ đang phân phối vào toàn bộ hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp.

Đối tác đề nghị hợp tác theo hình thức đầu tư mua lại 40% cổ phần của công ty, có ghế trong hội đồng quản trị và đặc biệt phải được trưng bày tối thiểu 70% diện tích mặt bằng các mặt hàng của doanh nghiệp. Điều này sẽ gây ảnh hưởng và xáo trộn lớn đến danh mục hàng hóa hiện tại của doanh nghiệp tại các cửa hàng.

Câu chuyện nằm ở chỗ, trong khi các cổ đông thích phương án hợp tác này, thì CEO lại không. CEO cho rằng, hợp tác như vậy sẽ khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp bị xáo trộn. Đặc biệt, điều này có thể sẽ khiến trong tương lai doanh nghiệp bị phụ thuộc vào một mình đối tác này. Thậm chí, với tình cảnh hiện tại, doanh nghiệp rất có thể bị đối tác này thâu tóm để sở hữu chuỗi cửa hàng hiện tại của doanh nghiệp. Vì thế, tốt nhất là nên tự dựa vào sức mình để phát triển.

Tuy nhiên, các cổ đông vẫn khăng khăng, tình cảnh doanh nghiệp hiện tại như “ngàn cân treo sợi tóc”, nếu không dựa vào đối tác này để tìm đường “sống sót” thì thời điểm doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường không xa. Hơn nữa, việc đưa hàng của hãng điện tử nổi tiếng vào hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện doanh số và lợi nhuận. 

Thực ra, mỗi bên đều có những cái lý của mình. Nhưng là CEO, chịu trách nhiệm lèo lái con tàu doanh nghiệp, CEO sẽ phải thuyết phục cổ đông và đưa ra quyết định khó khăn cuối cùng như thế nào?

Đây chính là tình huống được đưa ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề Chiến lược M&A - Quyết định khó khăn, đồng thời cũng là tình huống mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang đối mặt.

Người chơi ngồi ở vị trí CEO kỳ này là ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo tư vấn PDCA. Ông Hoàng Đình Trọng cũng là nhân vật xuất hiện trên chuyên mục Chân dung doanh nhân của Báo Đầu tư số báo này (trang 13).

Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (11/9) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, ngày 12/9/2016. Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư