Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và Nhật Bản đang được mở ra
Nguyên Đức - 02/06/2017 07:38
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay trước chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 (từ ngày 4-8/6/2017), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một giai đoạn mới trong hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang được mở ra, thực chất hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn.
TIN LIÊN QUAN

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

Có thể nói, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển hết sức nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã xây dựng được mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Việt Nam cũng như Nhật Bản luôn coi trọng mối quan hệ song phương này, luôn có sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, gần gũi, gắn bó, một tình cảm, một mối quan hệ rất đặc biệt.

.
.

Khi Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm Việt Nam, người dân Việt Nam đã rất nồng nhiệt chào đón, với một sự kính trọng sâu sắc. Khi các đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm Nhật Bản cũng vậy, luôn nhận được tình cảm rất nồng ấm, sự đón tiếp trọng thị.

Tôi cho rằng, đó chính là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, hiểu biết lẫn nhau hơn, hợp tác với nhau toàn diện, chặt chẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn và tương xứng với mối quan hệ đặc biệt, chiến lược giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển...

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản là sự kết nối giữa hai nền kinh tế, là sự hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư… Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào về sự hợp tác này trong giai đoạn tới đây?

Nhật Bản hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, với tổng ODA cam kết đã lên tới 30 tỷ USD; đồng thời là đối tác đầu tư lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ ba và là đối tác du lịch lớn thứ tư của Việt Nam.

Không chỉ là con số, nếu nhìn vào các dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam, chúng ta đều thấy bóng dáng của sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản. Các dự án đầu tư nước ngoài của Nhật Bản cũng đã đóng góp rất nhiều cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là những hỗ trợ, hợp tác quan trọng, rất thiết thực và hiệu quả của phía Nhật Bản, Việt Nam đánh giá cao điều này. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta còn có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này lên một tầm cao mới.

Nhà đầu tư Nhật Bản không chỉ có khả năng tài chính tốt, mà còn có công nghệ tốt, sở hữu những mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại. Nếu kết hợp được ưu thế này của họ với lợi thế của Việt Nam như môi trường đầu tư thuận lợi và ngày càng cải thiện cũng như vị trí địa lý quan trọng của nước ta trong khu vực thì sẽ đem lại thành công cho chính các nhà đầu tư và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Việt Nam, dù đã là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, nhưng kinh tế - xã hội còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, nên vẫn rất cần những nguồn vốn ODA ưu đãi, nhất là của các đối tác phát triển lớn như Nhật Bản. Tất nhiên, trong kêu gọi ODA, chúng ta vẫn phải tính toán để sử dụng hiệu quả, không làm ảnh hưởng tới nợ công, tới an toàn tài chính quốc gia.

Được biết, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với JETRO tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về kế hoạch này?

Đây có thể nói là cuộc xúc tiến đầu tư lớn nhất trong lịch sử, chưa từng có, đang gây được tiếng vang và sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ban đầu, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia, nhưng nay con số đã là trên 1.200 doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản ở đó. Đặc biệt hơn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ tham dự chương trình và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện. Sự có mặt của hai vị Thủ tướng sẽ là sự động viên, khích lệ rất lớn, góp phần tạo dựng thêm lòng tin và thôi thúc các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư lớn hơn nữa vào Việt Nam, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cùng nhau xây dựng hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn cầu.

Tháng 4/2017, đích thân Bộ trưởng đã có chuyến công tác kéo dài một tuần ở Nhật Bản và đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật. Và giờ là chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ, với một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn “chưa từng có”. Điều này liệu có đủ để thúc đẩy làn sóng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam không, thưa Bộ trưởng?

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên xuất phát từ nhu cầu nội tại của họ. Họ cũng muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư ra nước ngoài thường hướng tới các thị trường lớn, ví như Trung Quốc, để tận dụng thị trường rộng lớn, lao động giá rẻ. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các nước khác, trong đó, Việt Nam là một ưu tiên lựa chọn. Trong xu thế đó, Việt Nam có thêm cơ hội để thu hút thêm nguồn lực để bổ sung cho phát triển sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bên cạnh chúng ta còn có Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Philippines… Các nhà đầu tư Nhật Bản dù coi Việt Nam là điểm đến hàng đầu, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị để cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, chuẩn bị để có thể hấp thụ được dòng vốn đầu tư đó.

Không được chủ quan, phải cải thiện tốt hơn hạ tầng cơ sở, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, chuẩn bị tốt hơn về năng lượng, về chất lượng nguồn nhân lực… Phải nỗ lực để làm sao khi doanh nghiệp Nhật Bản ra nước ngoài đầu tư, nơi mà họ nghĩ đến đầu tiên là Việt Nam.

Một khi xây dựng được môi trường đầu tư an toàn, thân thiện, minh bạch và có thể dự báo được, thì dựa trên nền tảng quan hệ chiến lược vốn có giữa hai bên, quan hệ hợp tác đầu tư và cả thương mại Việt Nam - Nhật Bản sẽ được thúc đẩy, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đến Việt Nam nhiều hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư