Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Một hình mẫu thành công hơn 100 hội thảo
Xuân Hoa - 30/11/2013 14:51
 
Để thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Hirokazu Yamaoka, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro Hà Nội) cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các hình mẫu thành công, bởi một câu chuyện thành công hiệu quả hơn cả 100 hội thảo xúc tiến đầu tư. Fuji Xerox: Việt Nam là cực sản xuất quan trọng

Nhiều nhà sản xuất lớn muốn đầu tư tại Việt Nam luôn dành mối quan tâm tới ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những đánh giá về ngành này tại Việt Nam?

So với các quốc gia khác tại châu Á, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển.

Ông Hirokazu Yamaoka, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội
Ông Hirokazu Yamaoka, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến
thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro Hà Nội)

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Jetro, tỷ lệ nội địa hóa trong một đơn vị sản phẩm tại Việt Nam chỉ là 29%, trong khi con số này ở Thái Lan là 53%, còn ở Indonesia là 41%.

Điều đáng chú ý là, hầu hết các nhà cung cấp đều do những công ty của Nhật Bản sở hữu. Việt Nam cần thu hút thêm nhiều công ty lắp ráp và các công ty cung cấp sản phẩm phụ trợ.

Theo ông, đâu là lý do khiến ngành này vẫn tụt hậu rất xa so với nhu cầu thực tế?

Đây là điều tất yếu, bởi Việt Nam vẫn là quốc gia nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cần phải có nỗ lực lớn hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam. Những nhà đầu tư tiềm năng rất mong đợi Việt Nam đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ, như các biện pháp về thuế và tiết kiệm chi phí, cung ứng nhân lực và đảm bảo nguồn điện. Nhà đầu tư tiềm năng luôn cân nhắc, so sánh khi tìm điểm đến đầu tư.

Vì vậy, Việt Nam cần đưa ra nhiều điểm hấp dẫn hơn nữa liên quan đến môi trường đầu tư, để giảm chênh lệch với các quốc gia trong nhóm cạnh tranh.

Theo ông, mô hình nào phù hợp nhất cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam?

Việt Nam cần phải thay đổi cấu trúc thương mại hiện thời. Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên liệu sản xuất hàng công nghiệp có giá đắt đỏ như thép và nhựa nhân tạo.

Hậu quả là, Việt Nam đang gánh chịu thâm hụt thương mại lớn và khiến VND mất giá. Đây là một trong những nguyên nhân căn bản khiến nền kinh tế Việt Nam thiếu ổn định.

Ông có gợi ý gì đối với việc phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam?

Tôi muốn đề xuất 2 biện pháp. Một là thúc đẩy công nghiệp nguyên liệu như thép và hóa chất bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước càng sớm càng tốt. Mỏ sắt Thạch Khê rất nổi tiếng về trữ lượng lớn, nhưng người ta cho rằng, không thể sản xuất nguyên liệu thép, bởi nó chứa quá nhiều kẽm.

Tuy nhiên, với công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, chúng ta vẫn có thể sử dụng quặng sắt Thạch Khê để sản xuất nhiều loại sản phẩm thép tại Việt Nam

Về nguyên liệu hóa chất như nhựa nhân tạo, sẽ sử dụng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất một cách hiệu quả hơn và tôi mong rằng, Dự án Lọc dầu Nghi Sơn được tiến hành một cách khẩn trương. Những điều này sẽ tác động lớn đến dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.

Hai là mời thêm các công ty sản xuất các sản phẩm công nghiệp cuối cùng (các công ty lắp ráp) và nhờ họ mời các công ty sản xuất các cấu phần, phụ tùng sản phẩm vào đầu tư tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu, Việt Nam cần hỗ trợ đầy đủ các công ty đã đầu tư và các công ty đã quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Tiếp theo là cố gắng xây dựng các hình mẫu thành công. Một câu chuyện thành công tại Việt Nam sẽ thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng đến đây. Một câu chuyện thành công nhất có giá trị và hiệu quả hơn cả 100 hội thảo xúc tiến đầu tư.

Cuối cùng, cần phải tận dụng tối đa các công ty mà bạn đã hỗ trợ. Khi bạn xây dựng các kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, hãy đưa các công ty này vào danh sách các diễn giả chủ chốt. Họ sẽ là những phát ngôn viên, tư vấn viên tốt nhất đối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư