Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Một luật sửa 4 luật về đầu tư: Gỡ ngay vướng mắc thể chế, giảm gánh nặng cho nhà đầu tư
T.L - 06/11/2024 20:01
 
Thảo luận tại hội trường về Dự thảo một luật sửa 4 luật thuộc lĩnh vực đầu tư chiều nay (6/11), các đại biểu đánh giá cao các quy định sửa đổi vì đã nhắm vào giải quyết ngay các vướng mắc thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.

Luật giải quyết ngay các vướng mắc thực tiễn, khơi thông nguồn lực

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã tập trung xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc nhất trong thực tiễn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.

f
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh)

Dự thảo luật cũng tạo được sự đồng bộ với Luật Đất đai, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý về phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động và trách nhiệm cho địa phương trong việc triển khai các dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện dự án và giảm gánh nặng cho nhà đầu tư.

Đối với các dự án luật cụ thể, đa phần đại biểu quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo, chủ yếu đề nghị bổ sung hoặc làm rõ thêm một số nội dung.

Cụ thể, với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu  Trần Khánh Thu (Thái Bình) bày tỏ nhất trí với những nội dung sửa đổi trong luật như việc mở rộng phạm vi, lĩnh vực đầu tư và không giới hạn quy mô dự án đầu tư PPP cũng như các nội dung liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Theo đại biểu, các quy định mới này sẽ giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Tuy vậy, đại biểu kiến nghị cần có các đánh giá và rà soát với các luật liên quan, đặc biệt là các nội dung trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công đang sửa đổi. 

Cũng liên quan tới dự thảo luật này, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần cân nhắc kỹ quy định về hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất.

“Tôi cho rằng không nên thanh toán bằng quỹ đất, bởi nếu là quỹ đất sạch thì giá đất được xác định theo bảng giá đất do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong năm, không thông qua đấu giá đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại được giao đất theo quy định tại điểm c là chưa phù hợp. Tôi đề nghị, nên thanh toán đối với các dự án theo hợp đồng BT bằng tiền ngân sách nhà nước hoặc từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất như thí điểm tại một số tỉnh. Tức là, cùng với thời điểm thực hiện công trình BT, nhà nước tiến hành đấu giá đất đối với những quỹ đất sạch do nhà nước quản lý hoặc nhà nước quy hoạch ngay khu đất để bán đấu giá thu tiền để thanh toán cho dự án BT”, đại biểu kiến nghị.

b
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo một luật sửa bốn luật trong lĩnh vực đầu tư

Đối với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá cao việc bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đại biểu, quy định này sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần có các quy định cụ thể hơn để đảm bảo chất lượng của quy hoạch, đặc biệt là đối với những quy hoạch được điều chỉnh mà không qua quy trình thẩm định. Đề nghị bổ sung các tiêu chí kiểm soát chất lượng trong trường hợp điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn.

Tán thành về quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo luật song đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị nghiên cứu kỹ các tiêu chí, điều kiện phù hợp và quy định rõ ràng về thẩm quyền, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Với dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, nhiều đại biểu rất quan tâm tới bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Quy định ban hành sẽ giúp giảm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo được chất lượng dự án đầu tư. 

Dù vậy, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) kiến nghị nên mở rộng phạm vi áp dụng, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế thì cần bổ sung thêm khu thương mại tự do, khu công nghệ thông tin. Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý về rủi ro khi phân cấp, phân quyền, đặc biệt là năng lực của người có thẩm quyền ở các cấp khi phê duyệt dự án đầu tư.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có chế tài mạnh hơn để xử lý tình trạng tham gia đấu giá, đấu thầu sau đó bỏ thầu như đã diễn ra tại Hà Nội, Quảng Nam… thời gian qua

“Nên có chế tài mạnh hơn để những đối tượng này không dám tham gia vào các lĩnh vực này. Đây là nơi tổ chức đấu thầu, đấu giá được sự ủy quyền của Nhà nước không phải sân chơi của những đối tượng này mà có tiền muốn tham gia đấu giá, đấu giá xong bỏ là không thể nào chấp nhận được”, đại biểu kiến nghị.

Bên cạnh đó, để “chữa” căn bệnh thiếu thuốc, nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cho phép các nhà thuốc bệnh viện được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải đấu thầu. Việc tự mua sắm chỉ áp dụng với thuốc không thuộc danh mục thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để sửa luật

Hồi đáp các băn khoăn của đại biểu Quốc hội liên quan đến dự thảo 4 luật,  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu. Đồng thời, Bộ trưởng cũng giải trình rõ thêm một số vấn đề.

b
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ảnh: Báo Nhân dân)

Quan điểm khi xây dựng dự thảo một luật sửa bốn luật là vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, bám sát thực tiễn, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; Thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tập trung vào những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tế chứng minh, có sự đồng thuận cao. 

Đối với dự thảo Luật Quy hoạch sửa đổi, các đại biểu nói nhiều đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo quy trình, thủ tục rút gọn. Theo Bộ trưởng, việc đề nghị bổ sung điều chỉnh thủ tục rút gọn đã được đánh giá hết sức kỹ lưỡng nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn được thời gian và theo như tính toán sẽ rút ngắn được khoảng 300 ngày, đây là một thời gian rất đáng kể đối với các công trình hiện nay. Hai là việc điều chỉnh quy hoạch vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc không làm thay đổi các mục tiêu và định hướng ở trong quy hoạch đã đề ra, đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa và tính hệ thống trong quy hoạch các cấp của chúng ta. Ba là xác định được rõ các trường hợp được điều chỉnh, đáp ứng được kịp thời các yêu cầu phát triển. Như vậy, đối tượng đã được tương đối rõ ràng và minh bạch.

Đối với dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, các đại biểu có rất nhiều ý kiến về thủ tục đầu tư đặc biệt. Theo Bộ trưởng, lần này Chính phủ đã thiết kế “luồng xanh” để thu hút đầu tư. Bộ trưởng nêu lại ví dụ ở Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày, Dubai xây dựng một thành phố 600 hecta, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm…thấy cho thấy sự cấp bách của việc tạo môi trường thuận lợi hấp dẫn đầu tư, ưu tiên hậu kiểm. Đây cũng là lý do Chính phủ bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Riêng với đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng thêm khu thương mại tự do và khu công nghệ thông tin tập trung, Bộ trưởng cho biết Chính phủ thống nhất sẽ làm rõ hơn đối tượng này và bổ sung sau.  

Đối với dự thảo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sửa đổi, bổ sung, nhiều Đại biểu tán thành việc tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT và có ý kiến đề nghị xử lý vướng mắc đối với các dự án BT chuyển tiếp.  

Về nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát những vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng BT và nhận thấy, mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, nhưng các dự án BT đã có đóng góp nhất định, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.  Do đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục áp dụng loại Hợp đồng BT trên cơ sở đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này.

 Đối với các dự án BT chuyển tiếp, hiện nay có khoảng 160 dự án đang gặp vướng mắc mà nếu xử lý được sẽ khơi thông nguồn lực lớn đang tồn đọng (khoảng 59 nghìn tỷ đồng, quỹ đất đối ứng khoảng 20 nghìn ha). Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại vướng mắc cụ thể đối với từng dự án, xác định mức độ vi phạm để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật, tránh hợp pháp hóa sai phạm. 

Về Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng bày tỏ nhất trí với ý kiến phải nghiên cứu, mở rộng đối tượng được chỉ định thầu. Thứ hai, phải nâng cao các hạn mức, các gói thầu được chỉ định, không để 200 triệu đồng hay 300 triệu đồng, tránh vừa sửa xong lại phải sửa tiếp.  Riêng về đấu thầu thuốc, Bộ trưởng cơ bản đồng tình với đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) và đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) về việc nên để cho các nhà thuốc tự chủ, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, nếu có hành vi thông đồng hay đẩy giá thì sẽ có pháp luật khác xử lý, không nhất thiết phải đấu thầu.

Ủy ban Kinh tế nói gì về hơn 67 tỷ USD đầu tư đường sắt tốc độ cao
Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước ta, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư