Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Một số doanh nghiệp EU, Mỹ ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam
Anh Minh - Thi Hà (Vnexpress) - 20/03/2020 14:16
 
EU, Mỹ không chủ trương ngưng nhập hàng hoá vì Covid-19, nhưng nhiều đối tác do khó khăn vẫn dừng đơn hàng của doanh nghiệp Việt.

Nguồn cung nguyên liệu vừa được nối lại từ đầu tháng 3 giúp doanh nghiệp dệt may phần nào "thở phào", thậm chí tính dồn lực sản xuất, bù cho các đơn hàng cũ bị chậm. Tuy nhiên, việc một số bạn hàng đơn phương ngưng nhập đang khiến các doanh nghiệp thêm lao đao.

Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, đối tác Pháp đã thông báo dừng nhận đơn hàng của họ vì nCoV đang lan nhanh tại châu lục này.

EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG thời gian qua, với tỷ trọng khoảng 40%. Việc các đối tác dừng nhận hàng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải cơ cấu lại các mặt hàng sản xuất.

"Chúng tôi đang gấp rút tính toán lại, đơn hàng nào còn kịp xuất đi trong nay mai thì nhanh chóng chuyển, còn lại sẽ dừng", ông nói. Chủ tịch TNG dự tính, tới cuối tháng 4, doanh nghiệp sẽ tồn khoảng 200 container hàng xuất đi EU, Mỹ bị đọng lại các kho, thiệt hại không nhỏ khi mỗi container hàng trị giá vài chục tới hơn một trăm nghìn USD.

Tương tự, một doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất đi Mỹ tại TP HCM cũng cho biết, hôm qua vừa nhận được loạt thông báo từ khách hàng Mỹ về dừng nhập khẩu trong 3 tuần. "Họ nói là tạm dừng, nhưng chúng tôi hiểu là có thể huỷ luôn đơn hàng, vì tình hình dịch bệnh phức tạp chưa biết tới bao giờ", bà Sinh - chủ doanh nghiệp buồn rầu nói. 

Theo bà, đây là tình hình chung khi dịch bệnh đang lan quá nhanh khiến nhiều ngành, trong đó có thương mại dịch vụ tại Mỹ bị tê liệt. "Mong khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn tại Mỹ, ngành bán lẻ, tiêu dùng khởi động lại thì lúc đó đối tác sẽ nối lại đơn hàng", bà nói. 

Công nhân một doanh nghiệp may tại TP HCM sản xuất khẩu trang, tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân một doanh nghiệp may tại TP HCM sản xuất khẩu trang, tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) cho biết, lúc đầu chúng ta tưởng đầu vào nguyên liệu là khó, thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày, giờ là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu.

"Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Quý I doanh thu của Hugaco đã giảm 20%", ông Dương chia sẻ.

Hugaco đã phải rà soát từng khâu và toàn bộ các khâu để giảm chi phí. "Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại. Chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ...", ông nói thêm. 

Là doanh nghiệp dệt may lớn, May 10 cũng lo lắng. "Chúng tôi gặp khó khăn kép, trong tháng 2 doanh nghiệp phải lo nhập nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất liên tục, giờ đủ nguyên vật liệu thì dừng sản xuất, dừng giao hàng những lô đã sản xuất", ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 nói. 

Theo Tổng giám đốc May 10, các lô hàng đường biển của công ty trong tháng 3 phải lùi sang tháng 4 và 5. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất thì cũng bị khách hàng yêu cầu dừng.

"Nếu việc ngừng này xảy ra trên diện rộng thì tổn thất sẽ rất lớn", ông Đức Việt nói.

Dù vậy, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói, đây chỉ là sự tạm dừng của các đối tác nhỏ lẻ, không phải là chủ trương của chính quyền các nước sở tại. Đối tác không bán được hàng, khó khăn do dịch bệnh nên việc thông báo tạm dừng nhập hàng thời gian này là điều dễ hiểu.

"Khó khăn này là bất khả kháng, không riêng doanh nghiệp dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác của các quốc gia cũng đang bị tác động tương tự. 

Trong khi đó, ngoài hai thị trường Mỹ, EU, việc xuất khẩu hàng hoá hiện vẫn diễn ra bình thường

Sau khi nhận được thông báo dừng của bạn hàng Mỹ, bà Sinh lập tức gọi điện, gửi email xác nhận lại với loạt đối tác khác tại Canada, Nga, Anh. "Chúng tôi muốn hỏi kỹ lại họ về việc nhận đơn hàng, vì nếu vải cắt rồi, công nhân chạy chuyền rồi, hàng tới cảng mà đối tác không nhận là mình mất trắng. Hàng FOB mà không đi được, vốn chôn lại ở đó không biết khi nào mới thu hồi được", bà chia sẻ.

Rất may, theo bà Sinh, các đối tác còn lại đều khẳng định sẽ nhận hàng, và chuyển trả gần hết luôn đơn hàng ngoài phần tiền cọc đã nhận khi ký hợp đồng trước đây. Điều này phần nào giúp doanh nghiệp có đủ đơn hàng chạy tới hết tháng 5. Nhưng tình hình sau đó, theo bà, sẽ chưa biết như thế nào nếu dịch còn kéo dài. 

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, doanh nghiệp không bị tác động bởi đa phần hàng của Phong Phú xuất đi thị trường Nhật. Tuy nhiên, Covid-19 phức tạp nên bước sang quý II, doanh nghiệp dệt may sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều thị trường khác sẽ đóng băng. Ngay cả Nhật, đơn hàng của công ty sang đây trong quý II sẽ có nguy cơ giảm mạnh.

Ông Trình cho rằng, ngành dệt may đang khó bởi cả thị trường nội địa và quốc tế đều giảm sức tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp đang tìm cách giảm các chi phí khác và giữ chân người lao động để chờ diễn biến dịch.

Trong khi đó, ông chủ TNG cho biết, sẽ phải tính tới điều chỉnh lại sản xuất, thay đổi kế hoạch kinh doanh năm nay. Cuối tháng 2, chúng tôi dự tính doanh thu có thể tăng khoảng 4% so với năm ngoái, nhưng diễn biến dịch phức tạp không ngờ khiến kế hoạch bị đảo lộn. "Năm nay đạt được doanh thu bằng năm ngoái đã là quá may mắn, chỉ sợ cuối năm tình hình phức tạp thì sụt giảm doanh thu là điều không tránh được", ông bày tỏ.

EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, Việt Nam xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang thị trường EU, trong đó các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD là dệt may, da giày, nông sản, máy móc thiết bị... 

Với Mỹ, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 15 tỷ USD vào thị trường này năm ngoái. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ vẫn đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm nay dù ảnh hưởng của Covid-19.

Bộ Công Thương cho biết, việc đóng cửa biên giới của các thị trường này chỉ áp dụng cho người, không dành cho hàng hoá. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho... và gián đoạn tiêu thụ. 

Ngoài ra, các quy định liên quan đến kiểm soát dịch tại khu vực này cũng sẽ gây đình trệ việc ký các đơn hàng xuất khẩu giữa Việt Nam và các đối tác EU. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư hai bên cũng có thể chịu tác động.

Cơ quan này dự báo, xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.

Tổng giám đốc Vinatex, ông Lê Tiến Trường cho biết, trước mắt không tăng giờ làm, cho người lao động nghỉ 2 ngày một tuần. Nếu khó khăn hơn nữa thì giảm số ngày làm việc, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập, nhưng vẫn phải đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo luật định.

"Vinatex vẫn thống nhất ưu tiên số 1 là giữ chân người lao động cho dù khó khăn đến thế nào đi chăng nữa để cố gắng vượt qua điểm đáy của thị trường", ông Trường cho biết.

Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, lúc này các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với ngành dệt may như miễn, giãn nợ, giảm lãi suất vay... càng sớm đi vào thực tế ngày nào sẽ giúp doanh nghiệp bớt gánh nặng ngày đó. 

Ông Thân Đức Việt thì đề nghị, Chính phủ ngoài chính sách giảm lãi, thúc, giãn nợ, nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày giống như cách Chính phủ một số quốc gia đang làm.

 

 

Dệt May Thành Công dự kiến lợi nhuận giảm 13%, tháng 2 “hụt” lãi vì Covid-19
Lợi nhuận tháng 2/2020 của Dệt May Thành Công (TCM) chỉ hoàn thành 61% kế hoạch đề ra, một phần do việc xuất khẩu sợi sang Trung Quốc bị ảnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư