Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mục sở thị trường đua ngựa ở Hà Nội từ hơn 100 năm trước
Tiểu Hàn - 29/01/2014 13:17
 
Quần Ngựa hay trường đua ngựa đã có mặt tại Hà Nội từ rất sớm, cùng với những đoàn lính Pháp sang đô hộ Đông Dương. Người tuổi Ngựa kiếm tiền giỏi nhất!

Đua ngựa là một trong những môn thể thao lâu đời nhất thế giới và Olympic cổ đại 684 trước Công nguyên ở Hy Lạp đã có môn đua ngựa. Sau này, đua ngựa là một trò giải trí phổ biến của người Âu. Nó không chỉ là môn thể thao thuần tuý mà nó còn là một sòng bạc hợp pháp đối với khán giả thích đỏ đen khi tham gia “cá ngựa”.

Người Pháp sang Đông Dương đô hộ đã mang theo cả những trò giải trí Âu châu, trong đó có đua ngựa.

Mục sở thị trường đua ngựa ở Hà Nội từ hơn 100 năm trước

Một khu Quần Ngựa ở thủ đô Hà Nội

Trường đua ngựa mà nhiều người hay gọi tắt hơn là Quần ngựa ở Hà Nội có từ rất sớm. Cuốn “Le Vieux Tokin” (Bắc kỳ xưa) cho biết cuộc đua ngựa đầu tiên ở Hà Nội diễn ra ngày 15/7/1886 trong khuôn khổ những hoạt động mừng Quốc khánh Mẫu quốc năm ấy của đạo quân chiếm đóng và phải 2 năm sau (1888) Tourane (Đà Nẵng) và Nam Định mới có nơi đua ngựa... Theo một bức ảnh được nhà sử học Dương Trung Quốc xác định thì có vẻ cuộc thi đầu tiên diễn ra dưới chân Cột Cờ Hà Nội và lại có cả thi “người-ngựa” tức là kéo xe tay.

Còn năm 1888 thì có tài liệu viết rằng có một lần còn tổ chức cả đua... voi nhưng bị đánh giá là kém hấp dẫn vì sự chậm chạp của 3 con vật khổng lồ tham gia dưới sự chỉ huy của những quản tượng bản xứ.

Về sau các cuộc thi đuợc tổ chức thường xuyên hơn ở khu vực thôn Yên Tập , tức là khu Ga Hàng Cỏ vốn là nơi cấp thức ăn cho ngựa của triều đình xưa. Để xây dựng khu đầu mối đường sắt và đấu xảo thì quần ngựa chuyển về thôn Đại Từ và Vĩnh Phúc (nằm giữa đường Đội Cấn và Hoàng Hoa Thám hiện tại). Đây cũng là khu vực có Cung thể thao và lấy luôn tên là Quần ngựa ngày nay.

Trường đua ngựa của Hà Nội xưa

Hình ảnh khu Quần Ngựa ngày xưa được nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.

Cũng trong một tấm hình, nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra nhận định: Nhìn kỹ từng tấm hình có thể thấy quần ngựa có những đổi thay ở khu khán đài. Buổi đầu còn có cả khách đứng trên nóc khán đài, về sau khán đài ngày một cầu kỳ và sang trọng hơn. Đương nhiên số đông khán giả là người Âu (trên khán đài) nhưng công chúng người Việt cũng đã có mặt không ít quanh sân. Và để phục vụ cho thú chơi này cũng xuất hiện nhiều “lò” nuôi ngựa đua nhập từ nước ngoài vào và loại ngựa bản địa được lai tạo giống từ Trại Nước Hai trên Cao Bằng.

Cung Thể thao Quần Ngựa ngày nay

Cung Thể thao Quần Ngựa ngày nay

Sau những biến cố xảy ra năm 1945, chiến tranh đã khiến các cuộc đua ngựa ở Hà Nội chấm dứt. Cái không gian rộng lớn của Quần ngựa ấy vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX đã có dự định sử dụng làm mặt bằng để xây nhà Quốc hội. Nhưng rồi lại chiến tranh phá hoại lan tới Thủ đô (1966), việc xây nhà Quốc hội bị dừng lại, đến nay khó ai nhận ra dấu tích của Quần ngựa xưa lọt thỏm trong một khu dân cư đông đúc thuộc quận Ba Đình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư