Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Mức thuế đối với rượu, bia nên tính theo nồng độ cồn
Mạnh Bôn - 20/09/2024 10:59
 
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia mà không dựa vào nồng độ cồn, như quy định tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám tới đây, là chưa hợp lý và chưa bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Ủng hộ việc sửa thuế TTĐB theo hướng tăng thuế suất ở mức hợp lý, vì sao ông lại cho rằng, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi chưa công bằng?

Về cách đánh thuế đối với rượu, bia, theo Dự thảo, không khác gì hiện nay, ngoài việc nâng thuế suất. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ áp mức thuế 70% vào năm 2026 và tăng lên 90% vào năm 2030 (phương án 1), hoặc từ 80% và lên 100% (phương án 2). Đối với rượu dưới 20 độ, áp thuế tương ứng 40% và lên 60% hoặc từ 50% lên 70%. Còn với bia, không phân biệt bia lon, bia chai, bia hơi, bia tươi và cũng không phân biệt nồng độ cồn, đều chịu thuế suất 70% vào năm 2026 và nâng lên 90% vào năm 2030 (phương án 1) hoặc từ 80% lên 100% (phương án 2).

Tôi chưa bàn về thuế suất cao hay thấp, đã hợp lý hay chưa, lộ trình tăng có phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay không, mà chỉ xét trên cách đánh thuế theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá nhập khẩu (đăng ký tờ khai hải quan) hoặc giá bán ra của nhà sản xuất (thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua), mà không dựa vào nồng độ cồn là chưa hợp lý và chưa bảo vệ người tiêu dùng.

Với cách đánh thuế như vậy, một đơn vị bia cũng phải chịu thuế TTĐB ngang với một đơn vị rượu từ 20 độ trở lên và thấp hơn rất nhiều so với thuế đánh vào rượu dưới 20 độ.

Cụ thể, chưa hợp lý ở điểm nào, thưa ông?

Độ cồn được tính theo số mililit ethanol nguyên chất có trong 100 ml dung dịch. Nồng độ cồn càng cao, thì mức độ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và xã hội càng lớn. Thông thường, bia chai, bia lon có nồng độ cồn 4,2 - 5,1 độ; bia hơi chỉ có nồng độ cồn khoảng 3,5 độ, trong khi rượu thường từ 40 độ trở lên, nhưng lại chịu thuế suất như nhau là thiếu công bằng.

Điểm bất hợp lý nữa là văn hóa của người Việt chỉ uống rượu khi “ngồi mâm”, còn uống bia mang tính giải khát là chủ yếu. Nhờ thu nhập được cải thiện, giờ đây, trong tủ lạnh của phần đông gia đình đều để ít bia chai, bia lon phục vụ nhu cầu giải khát, nhưng bị đánh thuế như rượu là chưa công bằng.

Trước đây, bia lon, bia chai chịu mức thuế suất khác với bia hơi, bia tươi, nhưng hiện tại, tất cả loại bia cùng một mức thuế suất. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Trước năm 2010, thuế TTĐB đối với bia được phân biệt theo loại bia: bia chai, bia lon áp dụng các mức thuế suất cao hơn bia hơi, bia tươi. Nhưng kể từ ngày 1/1/2010, tất cả loại bia cùng chịu một mức thuế suất như nhau, theo tôi, là không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.

Bia hơi được sử dụng phổ biến, đáp ứng cho đại đa số người dân có thu nhập trung bình trở xuống, nhưng lại áp thuế ngang với bia lon, bia chai, nghĩa là thuế TTĐB chưa thực hiện được mục tiêu bảo đảm sự công công bằng, góp phần điều tiết thu nhập trong xã hội.

Theo Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), các loại bia đều phải chịu thuế suất như rượu trên 20 độ, ông có thấy bất hợp lý không, khi trên thị trường có loại bia không độ?

Để ngăn chặn việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn đã sản xuất bia không độ. Bia không độ thực ra chỉ là nước giải khát, nhưng vẫn “mang tiếng” là bia, nên bị đánh thuế TTĐB là bất hợp lý.

Hơn nữa, du lịch được xác định là ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn của nước ta, mục tiêu mỗi năm đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có khách du lịch theo đạo Hồi (không sử dụng đồ uống có cồn). Theo đó, cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất bia không độ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, khách du lịch, xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo… và không nên đánh thuế với bia không độ.

Vậy theo ông, đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn thế nào để có thể thực hiện được nhiều mục tiêu?

Sử dụng rượu, bia trong dịp lễ, Tết, tiệc cưới, giỗ chạp, sinh nhật... là một nét văn hóa của người Việt. Để đáp ứng nhu cầu này, đồng thời bảo vệ an toàn, sức khỏe của người sử dụng cũng như trật tự an ninh xã hội, các doanh nghiệp sẽ sản xuất các loại bia với độ cồn rất thấp, chỉ 1 - 2 độ. Vì vậy, để bảo đảm công bằng và thực hiện được nhiều mục đích, nên đánh thuế dựa vào nồng độ cồn như nhiều nước đang thực hiện. Ví dụ, mỗi độ cồn đánh thuế TTĐB với thuế suất 5%; bia, rượu có độ cồn càng cao, thì thuế càng nặng.

Với cách đánh thuế này, bia hơi dành cho tuyệt đại đa số người lao động chỉ phải chịu thuế khoảng 15 - 18%, rượu dưới 20 độ áp thuế suất trên dưới 100% và rượu trên 40 độ, chủ yếu là các nhãn hiệu rượu mạnh nhập khẩu phải chịu thuế suất trên 200%.

Sắc thuế nào cũng nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trên thực tế, thì lượng sử dụng bia gấp rất nhiều lần rượu, nếu đánh thuế dựa vào nồng độ cồn sẽ giảm thu ngân sách nhà nước?

Theo tôi được biết, sắc thuế TTĐB hàng năm đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó, mặt hàng bia, rượu chiếm tỷ lệ khá cao. Nếu e ngại việc ngân sách nhà nước giảm thu, thì có thể chia ra, đối với bia, mỗi độ cồn áp thuế suất thuế TTĐB 10%, còn rượu là 5%. Như vậy, vừa bảo đảm được nguồn thu cho ngân sách, vừa bảo đảm công bằng, vừa khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các loại bia có nồng độ cồn thấp để đáp ứng tiêu dùng của xã hội.

WB khuyến nghị Việt Nam nên tăng thuế rượu, bia, thuốc lá
WB khuyến nghị một loạt cải cách thuế của Việt Nam theo hướng đẩy mạnh huy động thu nội địa.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư