Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thuế rượu, bia, thuốc lá: Tăng hay không tăng
Quang Hà - 15/11/2014 16:18
 
() Chưa có dự án luật nào nhận được nhiều ý kiến góp ý trái ngược nhau của các đại biểu Quốc hội như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay (15/11).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thận trọng khi nâng thuế với rượu, bia, thuốc lá
Sản xuất bia lo rút ngắn lộ trình tăng thuế
Tăng thuế với đồ uống có cồn nên theo lộ trình
Việt Nam là "quán quân uống bia" nên phải tăng thuế
  đại biểu quốc hội nguyễn thị khá  
  Đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh)  

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (15/11), các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, chưa có dự án luật nào nhận được nhiều ý kiến góp ý trái ngược nhau của các đại biểu Quốc hội như các dự án luật này.

Nhóm đại biểu có ý kiến đề nghị giảm mức độ và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá có thể kể đến gồm: đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (tỉnh Ninh Thuận), đại biểu Bùi Văn Xuyền (tỉnh Thái Bình), đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn)...

Theo các đại biểu này, cần ghi nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp thuốc lá, rượu bia với xã hội. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nên cân nhắc lộ trình thích hợp và đi cùng với nó là các phương án phòng chống buôn lậu các mặt hàng này qua biên giới.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, tác hại của thuốc lá là điều không phải bàn cãi, nhưng để hạn chế tác hại của thuốc lá và giảm số lượng người hút thuốc phải có những giải pháp đồng bộ.

“Tôi nghĩ không nên phủ nhận sự đóng góp của các doanh nghiệp thuốc lá, rượu bia với xã hội. Chúng ta biết hút thuốc lá có hại nhưng để giảm số người hút thuốc cần có nhiều giải pháp. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đưa ra nhiều quy định nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Việc tăng thuế không thể là giải pháp thay thế cho các biện pháp quản lý nhà nước về thói quen sử dụng thuốc lá”, đại biểu Nguyến Sĩ Cương nói.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thì cho rằng, qua tiếp xúc cử tri và một số cơ quan chức năng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu bia cần được cân nhắc. Mặc dù thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, nhưng trước mắt nó làm tăng giá các mặt hàng sản xuất, tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người lao động.

Tuy nhiên, số đại biểu đồng tình tăng và tăng cao hơn mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá cũng không ít. Đa số các ý kiến đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt, game online là các đại biểu nữ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (tỉnh Trà Vinh), tác hại khủng khiếp của các mặt hàng này với sức khỏe người tiêu dùng, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, tương lai nòi giống cũng như những chi phí khổng lồ mà xã hội và ngành y tế phải chi trả để điều trị các bệnh tật do các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt gây ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho rằng, cả 2 tờ trình và báo cáo thẩm tra của chưa đánh giá thật đầy đủ, sâu sắc tác động của các sản phẩm này với cộng đồng xã hội.

Đại biểu Khá còn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung 2 mặt hàng trò chơi điện tử, game online vào đối tượng chịu thuế với lý do vì nội dung trò chơi mang nhiều nội dung bạo lực, kích động và lưu hành tràn lan trên thị trường từ thành thị đến nông thôn. Có nhiều thanh thiếu niên bỏ học do nghiện game online dẫn đến bạo lực học đường, bạo lực gia đình.

Ngoài ra, đại biểu Khá cũng đề nghị mặt hàng nước ngọt và nước ngọt có gas vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi nó làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường, tăng nguy cơ sâu răng, giảm hấp thu chất dinh dưỡng, tăng đào thải can xi gây loãng xương...

“Sử dụng thuốc lá, rượu bia gây ra nhiều bệnh tật khó chữa, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Ngoài ra, còn là nguyên nhân nghèo đói đối với cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy, tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế tiêu thụ các mặt hàng. Ở nước ta, thuốc lá, rượu bia đang ở mức rất thấp trong khi sữa, rất có lợi cho sức khỏe thì giá rất cao. Singapore, giá 1 bao thuốc lá bằng 4 ly sữa thì ở Việt Nam, giá 1 bao thuốc lá bằng 1 ly sữa”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có Tờ trình đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, để giảm thiểu tác hại của các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá gây ra, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng này.

Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên mức thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 01/01/2010); rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%).

Mặt hàng bia: từ ngày 01/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 01/01/2017 tăng lên 60%; từ ngày 01/01/2018 tăng lên 65%.

Mặt hàng thuốc lá, Chính phủ đề xuất phương án lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá như sau: từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Về thuế suất đối với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, Chính phủ đề nghị Quốc hội bỏ quy định thu thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân trúng thưởng; đồng thời điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng từ 30% lên 35%.

Xem chi tiết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế tại đây

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư