Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Muôn chiêu chiếm dụng vốn của khách hàng
Hà Tâm - 28/11/2018 15:33
 
Ví điện tử, thẻ thành viên, giấy đặt cọc… đã trở thành vũ khí để nhiều doanh nghiệp huy động hàng chục tỷ đồng của khách hàng mà không phải trả đồng lãi nào.

Doanh nghiệp đua nhận đặt cọc, nở rộ ví thành viên

Bán nhà trên giấy từng là độc chiêu huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng, gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng độc chiêu tương tự.

.
Các hình thức phát hành thẻ thành viên hay nhận đặt cọc đều là chiêu huy động vốn nhàn rỗi của khách hàng

Nhiều tín đồ của cà phê Starbucks đã hết sức ngỡ ngàng vì từ ngày 10/11/2018, khách hàng phải sử dụng thẻ thành viên Starbucks mới phát hành thì mới được tích điểm, đổi thưởng. Với những khách hàng thường xuyên uống cà phê Starbucks, đương nhiên họ sẽ phải nạp một số tiền có thể mua hàng ít nhất vài lần để tránh bất tiện. Được biết, nhiều khách hàng thậm chí nạp ngay vài ba triệu đồng vào thẻ thành viên để nhận một số quà lưu niệm, còn doanh nghiệp đương nhiên huy động được một khoản tiền không nhỏ.

Trước Starbucks, một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã sử dụng hình thức thẻ thành viên, xoáy vào tâm lý ưa khuyến mãi của người tiêu dùng để huy động vốn. Chẳng hạn, cách đây cả chục năm, hệ thống khu vui chơi cho trẻ em TiNiWorld đã phát hành thẻ thành viên. Theo đó, chỉ cần nạp tiền vào thẻ, người dùng được mua vé và thanh toán các dịch vụ với giá ưu đãi. Với hàng chục ngàn thẻ được phát hành, TiNiWorld đã huy động số vốn không nhỏ tử các phụ huynh.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, thẻ thành viên hay nhận đặt cọc đều là chiêu huy động vốn nhàn rỗi của khách hàng.

Ví điện tử huy động hàng tiền tỷ không lãi suất

Không chỉ thẻ thành viên hay giấy đặt cọc, các ví điện tử cũng đang trở thành vũ khí huy động vốn người tiêu dùng của các doanh nghiệp fintech hiện nay, nhờ sự nở rộ của thanh toán không dùng tiền mặt.

Gần đây, Grab liên kết với ví điện tử Moca, bắt buộc khách hàng sử dụng ví điện tử GrabPay by Moca để thanh toán, thay vì được nạp tiền tử thẻ ATM vào ví GrabPay như trước. Nếu chỉ tính một nửa số người dùng của Grab sử dụng ví điện tử, mỗi lần chỉ nạp khoảng vài trăm ngàn đồng, thì Grab và Moca cũng đã có thể huy động về ít nhất hàng trăm tỷ đồng để kinh doanh, thậm chí mang gửi ngân hàng kiếm lời mà không phải trả đồng lãi nào.

Được biết, hiện thị trường có 27 ví điện tử, trong đó ví phổ biến nhất là Momo với khoảng 11 triệu tài khoản. Hầu hết các ví đều liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn để khuyến khích khách hàng sử dụng ví điện tử thanh toán.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT Ví MoMo, chỉ có khoảng 50% số ví điện tử trên hoạt động thực sự và những người thường xuyên sử dụng ví để thanh toán cũng chỉ nạp vài triệu đồng/tháng để thanh toán cước phí điện, nước, Internet…, nên số dư còn lại không nhiều.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thuận tiện cho chi tiêu, rất nhiều người tiêu dùng thường xuyên để số dư trong ví điện tử từ vài trăm đến vài triệu đồng và kéo dài trong cả năm.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của ví điện tử, thẻ thành viên, như góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, khách hàng sử dụng ví hay thẻ thành viên được hưởng nhiều ưu đãi hơn tiền mặt; trong khi doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn lớn để sử dụng mà không phải trả lãi.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần giám sát sử dụng số tiền này, không để doanh nghiệp lạm dụng vào các mục đích khác. Việc một loạt ví điện tử thời gian qua bị lợi dụng vào hoạt động đánh bạc là một ví dụ điển hình.

Thời gian tới, ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những văn bản và hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động vận hành của ví điện tử nói riêng và Fintech nói chung để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, khi triển khai ra trên diện rộng, các Fintech nói chung và ví điện tử nói riêng cần được quản lý một cách chặt chẽ để tránh làm xáo trộn thị trường tài chính – tiền tệ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Trong trường hợp các Fintech như vậy phát huy được vai trò tích cực của mình và hạn chế bớt được các mặt tiêu cực, rủi ro thì rất đáng khuyến khích phát triển vì sẽ thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Inteco

Hình thức vận hành của ví điện tử là khách hàng chuyển một số tiền nhất định vào lưu trong tài khoản ví để tiếp tục chuyển sang một tài khoản nhận tiền khác. Do đó, trong ví thường có một số tiền thực dương. Về mặt nguyên tắc thì đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử không được phép sử dụng số tiền của khách hàng để phục vụ cho mục đích khác (như cho vay, đầu tư ….). Tuy nhiên, trên thực tế, khó có điều kiện để kiểm tra và kiểm chứng liệu các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có chấp hành đầy đủ quy định đó hay không.

“Trong trường hợp các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cố tình sử dụng số tiền có trên tài khoản của khách hàng cho các mục đích khác, thì sự việc sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác, mà nội dung của nó chính là sự chiếm dụng vốn cho mục đích thương mại. Khách hàng để tiền trong ví không được hưởng lãi suất, nhưng đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử lại có thể kiếm lời trên chính số tiền mà khách hàng đang cất giữ trong ví. Quan hệ pháp luật trong những trường hợp như vậy khá phức tạp và người thiệt thòi chính là những người cất giữ tiền trong ví của mình”, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Inteco, nhận định.

 Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của BKAV, ví điện tử có nhiều lỗ hổng bảo mật hơn tài khoản ngân hàng, do vậy, người dùng không nên bỏ nhiều tiền vào ví, nhằm tránh rủi ro.

Có thể nói, sự ra đời của nhiều loại hình thanh toán không dùng mặt như ví điện tử, thẻ thành viên… là xu hướng phát triển tất yếu của kỷ nguyên số hiện nay. Giữa “rừng” sản phẩm như vậy, người tiêu dùng phải biết lựa chọn kỹ lưỡng những sản phẩm thật sự cần thiết, tiện dụng và an toàn để vừa có thêm nhiều tiện ích, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong chi tiêu.

Lo ngại trước làn sóng ví điện tử “bán mình”
Việc hàng loạt trung gian thanh toán, ví điện tử bán cổ phần cho đối tác nước ngoài khiến cơ quan quản lý phải dè chừng, bởi an ninh tiền tệ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư