Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Muốn cho nông dân vay, ngân hàng cũng vướng
T.L - 14/10/2020 15:21
 
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia vừa qua, nhiều nông dân phản ánh gặp nhiều vướng mắc trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Yêu cầu tài sản thế chấp vẫn làm khó người vay vốn

Ông Nguyễn Thanh Tân, chủ trang trại nuôi lươn Thanh Tân (Vĩnh Long) cho hay, năm 2019, trang trại lươn giống Thanh Tân thu lãi 2 tỷ đồng trên doanh thu 5 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 doanh thu sẽ đạt 10 tỷ đồng. Mặc dù nhu cầu thị trường rất lớn, trang trại chỉ mới đáp ứng được 1% nhu cầu khách hàng, song ông Tân lại không thể mở rộng sản xuất bởi thiếu vốn.

f
Ông Nguyễn Thanh Tân, chủ trang trại nuôi lươn Thanh Tân (Vĩnh Long)

Ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vẫn đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản đất đai của tôi hầu hết là đất thuê, do đó khi thẩm định, giá trị tài sản để cho vay không lớn, số tiền vay được không đáp ứng được nhu cầu”, ông Tân cho biết.

Cùng tình cảnh, bà Trần Thị Thanh Thoan ở thôn Đô Quan, xã Mộc Quan, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) tỏ ra tâm tư vì bà đã đầu tư rất nhiều tài sản trên đất như nhà kính, nhà lồng… nhưng lại không thể sử dụng tài sản này thế chấp ngân hàng.

Ngân hàng cũng vướng

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp đã cho phép các doanh nghiệp, nông dân được sử dụng các tài sản đầu tư từ vốn vay thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, tài sản này phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp của địa phương, từ đó làm đăng ký giao dịch bảo đảm để vay vốn. Đây cũng là vướng mắc, khó khăn của các ngân hàng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Về việc làm thế nào để các hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi, bà Tùng chia sẻ, các nguồn vốn cho vay ưu đãi là nguồn vốn do các ngân hàng huy động từ trong dân. Các ngân hàng nhờ tiết giảm chi phí mới có điều kiện để cho vay ưu đãi. Việc xem xét cho vay thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. Trong đó, các tổ chức tín dụng thẩm định ưu tiên đánh giá xem dự án nông nghiệp công nghệ cao có khả thi hay không, có phương án trả nợ cho nguồn vay ngân hàng hay không, đặc biệt, cơ sở sản xuất phải có dự án khả thi, cho ngân hàng quản lý dòng tiền thì ngân hàng mới dám giải ngân.

"Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải khẳng định được tính lâu dài, phải có quy mô và sản xuất bài bản. Tuy nhiên, trên thực tế, những mô hình, dự án nông nghiệp này chưa nhiều nên khi xem xét cho vay để đảm bảo được rủi ro cho ngân hàng thì các ngân hàng phải yêu cầu doanh nghiệp, hộ nông dân phải chứng minh được dòng tiền. Ví dụ như dự án có các hợp đồng tiêu thụ ổn định, chủ dự án phải mở tài khoản tại ngân hàng vay vốn để ngân hàng kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp mới có cơ sở cho vay ưu đãi", bà Tùng nhấn mạnh.

Về phía ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank thừa nhận, vấn đề thế chấp đang có nhiều bất cập, không chỉ người vay khó mà bản thân ngân hàng cũng khó. Dù NHNN đã ban hành quy định tháo gỡ vướng mắc, quy chế thế chấp tài sản đảm bảo, nhưng chưa cụ thể và còn nhiều bất cập khi thực hiện.

f
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank

"Nhìn chung, ngành ngân hàng đối diện với việc cho vay tín chấp vẫn còn nhiều vướng mắc dù cơ chế chính sách đã mở. Agribank rất mong muốn tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hiện Agribank hoàn toàn có quyền cho vay tín chấp, với gần 300.000 tỷ dư nợ tín chấp. Nhưng để cho vay thế chấp được thì ngoài vấn đề tài sản tín chấp, phương án sản xuất phải thực sự khả thi", ông Vượng kỳ vọng.

Tiếp tục đẩy mạnh vốn vay cho nông nghiệp công nghệ cao

Theo ông Vượng, hiện Agribank đang dư thừa vốn rất nhiều và đang nỗ lực cho vay đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao thông qua chương trình cho vay ưu đãi 100.000 tỷ đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Được biết, NHNN đã có chính sách ưu tiên hướng dòng tín dụng vào nông nghiệp công nghệ cao. Thứ nhất, chính sách vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 100 triệu đồng đến 03 tỷ đồng , từ 70% đến 80% giá trị dự án, phương án sản xuất kinh doanh đối với HTX, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, chính sách ưu đãi hơn về lãi suất: NHNN đã ban hành riêng một quyết định chỉ đạo các NHTM dành khoảng 100.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay NHNN đã 03 lần giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm – thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Kết quả triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ (chương trình 100.000 tỷ đồng): Đến nay doanh số cho vay lũy kế đạt khoảng 65.000 tỷ đồng (đạt 65%), dư nợ khoảng 28.000 tỷ đồng với hơn 14.400 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ chiếm hơn 90% tổng dư nợ của chương trình.

f
Cần thêm nhiều chính sách thúc đẩy tín dụng nông nghiệp công nghệ cao

Tuy vậy, để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp nói chung cũng như tín dụng nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần tháo gỡ rất nhiều vướng mắc liên quan đến Luật đất đai; phân bổ vốn nông nghiệp hiệu quả, tăng cường thu hút vốn tư nhân, đặc biệt là vốn FDI vào lĩnh vực tam nông; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để tăng cường giá trị nông sản; làm rõ tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các vấn đề bản quyền và vận hành công nghệ cao…

Nổi bật hơn cả, ông Lực kiến nghị chính phủ đưa ra một chương trình bảo hiểm nông nghiệp thực sự để hỗ trợ nông dân trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, yếu tố bất khả kháng dẫn đến mất mùa; từ đó khuyến khích phát triển tam nông. 

Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao nghìn tỷ ở Đắk Lắk
Dự án do Công ty De Heus Việt Nam và Tập đoàn Hùng Nhơn thực hiện, với vốn đầu tư dự kiến 66 triệu USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư