Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mỹ đau đầu với hệ thống gián điệp Trung Quốc
Đức Thắng - 14/03/2014 16:35
 
Ngày càng có nhiều vụ án gián điệp Trung Quốc bị phát giác trên tất cả các lĩnh vực làm người Mỹ rất đau đầu.
TIN LIÊN QUAN

Hai năm phiêu lưu tình ái ngọt ngào bây giờ có giá bằng hai chục năm tù giam. Những hẹn hò với cô gái trẻ Trung Hoa đã khiến vị quân nhân Mỹ say mê đến mức không còn tỉnh táo và thế là các kế hoạch chiến tranh bí mật của Mỹ; tiềm năng hạt nhân; quy trình triển khai các hệ thống nhận biết và cảnh báo sớm; lá chắn chống tên lửa đạn đạo Triều Tiên..., đều bị khai thác và chảy về Trung Quốc.

Vụ án đang được xem xét tại phiên điều trần trong Tòa án Liên bang Hoa Kỳ, luận tội Benjamin Bishop (59 tuổi) bị bắt hồi tháng 3 năm ngoái, ngay tại trụ sở Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu. Bây giờ, người tình 27 tuổi của ông ta ở đâu thì ngay cả FBI cũng không rõ. Thêm nữa là cơ quan tình báo Mỹ không nắm được bằng chứng trực tiếp nào cho thấy cô ta làm việc cho Chính phủ Trung Quốc.

Người Trung Quốc khiến cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngày càng đau đầu nhiều hơn, nhiều thành viên trong cộng đồng người Hoa quan tâm đến các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ và cộng tác với một động cơ “không trong sáng”. Hoặc là một số người đảm nhận các công việc có tính chất tạm thời bên Mỹ cũng tham gia vào hoạt động này.

Trong nhiều trường hợp, xuất phát từ động cơ yêu nước hoặc theo yêu cầu “có tính ràng buộc” từ quê hương, những người này mạo hiểm tham gia vào hoạt động có thể hội đủ điều kiện được coi như là hoạt động tình báo hoặc gián điệp công nghệ. Hoa Kỳ phải đối mặt với thực tế là những năm gần đây các trường hợp như thế ngày càng nhiều hơn.

Scandal om sòm nhất gắn với vụ việc gần đây của kỹ sư điện tử Steve Liu, người gốc Hoa. Ông ta làm việc trong một công ty Mỹ là nhà thầu hàng đầu của Lầu Năm Góc. Liu nhận án 6 năm tù về tội ăn cắp công nghệ điều khiển vũ khí của máy bay không người lái - loại công nghệ có thể giúp nó tự động bắn trúng mục tiêu không cần chỉ dẫn từ vệ tinh.


Bản án khác là 5 năm tù đã được tuyên với Minh Toàn Chương vì âm mưu mang về nước mấy tấn sợi carbon. Đây là vật liệu được dùng ở Mỹ trong ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Các vị quan tòa Mỹ đã không tin thương nhân Trung Quốc khi anh ta thề thốt rằng mua thứ nguyên liệu này về chỉ để sản xuất… gậy chơi khúc côn cầu.

Những vụ án này đã gây tiếng vang và sự chú ý lớn ở Hoa Kỳ, kích động vòng xoáy mới của chiến dịch cáo buộc Trung Quốc săn lùng thông tin mật và ăn cắp công nghệ công nghiệp. Kết quả là, vào cuối năm 2013 người ta buộc tội cố vấn của Giám đốc tình báo quốc gia Theodore Morgan làm gián điệp cho Trung Quốc, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Hoa Kỳ - nền công nghiệp đứng đầu thế giới lâu năm, hiện đang có dấu hiệu chững lại, đối đầu với Trung Quốc - nền kinh tế mới nổi phát triển như vũ bão, với hàng triệu nhân tài đang làm việc ở khắp nới trên thế giới nhưng chủ yếu là Mỹ. Và dĩ nhiên là đằng sau nó có nhiều vấn đề, rất dễ để người ta cáo buộc là họ Trung Quốc đang “làm gián điệp ở mọi nơi, ăn cắp tất cả mọi thứ”.

Làn sóng các vụ Scandal gián điệp ở Mỹ sẽ còn tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt khoảng cách lạc hậu của họ so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ dân dụng và quân sự. Trong tương lai, tại Trung Quốc cũng có thể chờ đợi sự đột biến về những vụ phát giác gián điệp. Bởi chắc là Bắc Kinh sẽ cố gắng đáp trả đối xứng với Washington.

Theo The voice of Russia

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư