Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mỹ, EU cùng nhau giải "cơn khát" chip bán dẫn
Lê Quân - 01/10/2021 16:00
 
Hai bên đã đạt được đồng thuận trong việc "tái cân bằng" chuỗi cung ứng toàn cầu khi bàn giải pháp khắc phục tình trạng chip bán dẫn nghiêm trọng như hiện nay.
“Cơn khát” chip bán dẫn toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP
“Cơn khát” chip bán dẫn toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP

Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU (gọi tắt là Hội đồng TTC) đã có buổi họp mặt đầu tiên vào ngày 29/9. Theo đài CNBC, công tác chuẩn bị cho cuộc họp đã được tiến hành sau khi Australia quyết định hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với Pháp, thay vào đó lại gật đầu một thỏa thuận với Mỹ khiến người Pháp "nổi xung".

Sự bực tức của Pháp được cho là đã làm "hạ nhiệt" tuyên bố cuối cùng của Hội đồng TTC sau cuộc họp đầu tiên.

Hội đồng TTC được ra đời sau khi ông Joe Biden đắc cử Tông thống Mỹ vào đầu tháng 1/2021. Lúc đó, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã tìm cách khắc phục những bất động xuyên Đại Tây Dương trong một số lĩnh vực. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên nhiều mặt hàng của EU, khiến liên minh này rất muốn tìm lối thoát với người kế nhiệm ông Trump.

Trao đổi qua điện thoại với đài CNBC, bà Cecilia Bonefeld-Dahl, Tổng giám đốc DigitalEurope - đơn vị đại diện cho các công ty công nghệ và hiệp hội thương mại ở châu Âu - cho biết bà hy vọng Mỹ và EU sẽ tách bạch các vấn đề địa chính trị và công nghiệp.

"Một châu Âu số hóa mạnh mẽ cũng mang lại lợi ích cho Mỹ", bà Cecilia Bonefeld-Dahl nhận định.

Đến thời điểm này, Mỹ và EU đã nhất trí "xác định những lỗ hổng trong chuỗi giá trị chip bán dẫn và củng cố hệ sinh thái bán dẫn của hai bên". Hai bên cũng cam kết "xây dựng mối quan hệ đối tác về tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn", Hội đồng TTC nêu trong tuyên bố chung.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã hứng chịu những "đau thắt" kéo dài vì đại dịch Covid-19 dai dẳng trong gần hai năm qua. Nhu cầu chip tăng cao hơn trong những tháng qua khi nguồn cung càng trở nên eo hẹp, đẩy các ngành công nghiệp trọng yếu như ô tô, TV, và thiết bị điện tử vào cảnh "đứng ngồi không yên".

Chuỗi cung ứng gián đoạn là mối quan ngại lớn đối với EU bởi khu vực này hiện phụ thuộc nhiều vào các mắt xích cung ứng quốc tế. Do đó, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu các chính sách mới để thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn trong nội khối, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài.

"Chúng tôi dự định hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết các chính sách, cách hành xử phi thị trường và làm méo mó thương mại, đồng thời nâng cao hiệu quả của các biện pháp nội bộ của hai bên", tuyên bố của Mỹ và EU nêu.

Bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ đối tác công nghệ và thương mại giữa Mỹ và EU.

Sau cuộc họp đầu tiên của Hội đồng TTC, hai bên vẫn chưa đạt được bất kỳ đột phá nào trong lĩnh vực thuế quan. Trước đó vào đầu mùa hè, Mỹ và EU đã nhất trí tìm kiếm một thỏa hiệp về các mức thuế đối với thép và nhôm mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng.

Các nhà sản xuất ô tô lo ngại tình trạng thiếu chip còn kéo dài
Từ Ford, Volkswagen, đến Daimler vẫn đang phải vật lộn để đối phó với tác động của "cơn khát" chip toàn cầu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư