Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Mỹ và EU còn bất đồng trong đàm phán TTIP
Uyên Linh - 25/05/2014 06:05
 
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc vòng đàm phán thứ năm về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà không đạt được đột phá đáng kể nào.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Pháp và Trung Quốc ký nhiều hợp đồng kinh tế lớn
Thương mại Việt Nam - New Zealand nhắm mốc 1 tỷ USD
Mỹ và EU tiếp tục đàm phán TTIP
   
  Ông Dan Mullaney và ông Ignacio Garcia Bercero tại buổi họp báo  

Sau năm ngày thương lượng mà không đi đến đồng thuận cuối cùng, tại buổi họp báo sau đó, trưởng đoàn đàm phán Mỹ, ông Dan Mullaney cho biết hai bên đã thảo luận các vấn đề về thuế quan, dịch vụ và đầu tư, vốn là những lĩnh vực mà hai bên mong muốn tiếp cận và mở rộng thị trường.

Mục tiêu của phía Mỹ là giảm các rào cản và chi phí phát sinh do những quy định không cần thiết và sự khác biệt về tiêu chuẩn của hai nền kinh tế, trong khi vẫn duy trì ở mức cao các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán EU, ông Ignacio Garcia Bercero cho biết rằng hai bên đã có các phiên thảo luận sâu rộng về tính chặt chẽ trong các vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, vẫn "chưa đạt được thỏa thuận hay văn bản cụ thể nào."

Nhận định về tiến trình đàm phán, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết so với thời điểm bắt đầu đàm phán, các bên đã chuyển sang thảo luận các chi tiết cụ thể hơn.

Vòng đàm phán thứ sáu giữa hai bên dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới, song thời gian cụ thể chưa được ấn định.

Trước đó, Mỹ và EU đặt mục tiêu ký kết TTIP vào cuối năm nay. Tuy nhiên, với những bất đồng còn chồng chất nên tiến trình đàm phán đến nay chưa có sự đột phá đáng kể.

Theo Tổ chức Bertelsmann và Hội đồng Đại Tây Dương, nội dung gai góc nhất trong đàm phán TTIP là việc châu Âu từ chối mở cửa đối với các mặt hàng công nghệ sinh học, đặc biệt là các loại thực phẩm biến đổi gien. Ngoài ra, còn có các vấn đề khác như tiêu chuẩn về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, tiêu chuẩn môi trường và các quy tắc dịch vụ tài chính.

Đàm phán TTIP được khởi động từ tháng 7/2013 với tham vọng hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Hiện các nền kinh tế EU và Mỹ chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ, 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

TTIP thành công sẽ là hiệp định tự do thương mại (FTA) lớn nhất và là kiểu mẫu FTA xuyên lục địa đầu tiên của thế giới. Đầu tư và hoạt động thương mại xuyên Đại Tây Dương hiện tạo ra tới 13 triệu việc làm cho cả hai phía.

Ủy ban châu Âu ước tính khi TTIP có hiệu lực sẽ giúp GDP hàng năm của mỗi bên tăng thêm từ 0,5-1% và tạo thêm hàng triệu việc làm mới. Đối với châu Âu, TTIP có thể tạo thêm nửa triệu việc làm và đem lại 119 tỷ euro/năm cho nền kinh tế này. Với nền kinh tế Mỹ, con số này sẽ là 95 tỷ euro.

Mỹ và EU hy vọng kết thúc đàm phán TTIP trong năm nay

Mỹ và EU hy vọng kết thúc đàm phán TTIP trong năm nay

Vòng đàm phán thứ tư về Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vừa kết thúc tại thủ đô Brussels của Bỉ sau một tuần thảo luận.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư