Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Nam A Bank tự tin bứt phá thành công
Thùy Vinh - 21/02/2015 16:38
 
Trước chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc và làn sóng M&A lĩnh vực tài chính nóng dần, sẽ có không ít ngân hàng nhỏ phải sáp nhập, hợp nhất để tồn tại. Nhưng Nam A Bank lại là một trong số ít trường hợp ngoại lệ không bị ảnh hưởng bởi làn sóng M&A đó.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lỡ hẹn, ngân hàng vẫn quyết tăng vốn
Nam A Bank đẩy mạnh mở rộng quy mô hoạt động
Ngỡ ngàng lợi nhuận ngân hàng nhỏ

Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước tin tưởng phê duyệt đề án tự tái cơ cấu, với định hướng phát triển ổn định, bền vững, từng bước xây dựng ngân hàng bán lẻ dựa trên yếu tố nội lực sẵn có sau hơn 22 năm hoạt động.

Năm 2014, Nam A Bank là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới chi nhánh

Củng cố nội lực

Tuy đang trong quá trình tự tái cấu trúc, nhưng hoạt động của Nam A Bank tăng trưởng ổn định, bền vững và khá minh bạch trong những năm gần đây. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank là 243 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013 (vượt 32,79% so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm 2014 là 183 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Trong đó, với hoạt động kinh doanh tín dụng, mặc dù trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động cho vay, song Nam A Bank vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng tín dụng của Nam A Bank đạt mức tăng cao hơn mức bình quân của ngành. Trong đó, dư nợ của khối khách hàng cá nhân chiếm đến trên 40% tổng dư nợ toàn ngân hàng.

Đáng chú ý, Nam A Bank là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở mới chi nhánh trong thời điểm tự tái cấu trúc bằng nội lực và chỉ các nhà băng có khả năng quản trị ổn định, hoạt động hiệu quả, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, có nhu cầu thì mới được mở chi nhánh. Năm 2014, Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn mở 8 điểm giao dịch (bao gồm 5 chi nhánh và 3 điểm giao dịch) tại 8 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam - Trung Bộ như: TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận… Đây là một minh chứng cho thấy chiến lược của HĐQT Ngân hàng trong đề án tự tái cơ cấu đang đi đúng lộ trình vạch ra. Trên cơ sở đó,  Nam A Bank đang tiếp tục củng cố về mọi mặt, trong đó, tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn lực nhân sự hiện hữu. Nam A Bank tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, nhằm hướng tới ngân hàng bán lẻ dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, để đạt được kết quả trên đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ HĐQT, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên của Nam A Bank. Bởi trước tình hình kinh tế suy thoái và cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt, hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, một khi đã chấp nhận cuộc chơi, ngân hàng nhỏ cần chọn lối đi riêng để có thể cạnh tranh, tồn tại. Nhưng để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi các ngân hàng nhỏ phải có tính chuyên nghiệp cao và quản trị nâng tầm để có thể dễ dàng xoay chuyển trước diễn biến của thị trường cũng như các chính sách. Đồng thời, tính minh bạch trong quá trình hoạt động luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu để hướng tới các chuẩn mực quốc tế khi phải áp dụng Thông tư 36.

Vì thế, chiến lược của Nam A Bank là đi vào các phân khúc nhỏ lẻ như: khu phố, chợ, tiểu thương, cán bộ nhân viên… Tức là, Ngân hàng sẽ tập trung vào chiến lược đẩy mạnh cho vay ở phân khúc nhỏ lẻ. Cơ cấu tín dụng ở phân khúc này tại Nam A Bank trong năm qua cũng chiếm  khoảng 50% tổng dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, Nam A Bank sẽ đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và gia tăng hỗ trợ vốn cho lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế, không phải chỉ với ngân hàng quy mô lớn, mà ngay cả ngân hàng nhỏ và vừa, nếu lành mạnh, quản trị rủi ro, quản trị điều hành tốt, hoạt động minh bạch và tăng trưởng bền vững thì việc tạo được uy tín với khách hàng là không khó, người dân gửi tiền cũng yên tâm. Chính điều này cũng tạo cơ sở để Nam A Bank thực hiện kế hoạch đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.

Trong hơn 2 năm qua, không ít nhà băng mạnh tay cắt giảm nhân sự thì Nam A Bank vẫn tuyển mới khoảng 200 nhân viên/năm. Đặc biệt, mới đây ngược dòng xu thế thị trường, Nam A Bank còn có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn nhân sự tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này giải thích cho việc Nam A Bank đang có những bước dịch chuyển vòng xoáy nhân sự một cách ngoạn mục khi mà mặt bằng chung các ngân hàng đang cắt giảm nhân sự hàng loạt. 

…đến nâng cao tiềm lực tài chính

Đáng quan tâm hơn, năm qua, Nam A Bank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Các cổ đông đã gắn bó với Nam A Bank lâu nay tin rằng sẽ tiếp tục đồng hành với Nam A Bank. Cổ đông của Nam A Bank có tiềm lực tài chính vững mạnh. Đó cũng chính là lý do để Nam A Bank triển khai kế hoạch huy động vốn tăng thêm 1.000 tỷ đồng và sau đó sẽ tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE, dự kiến vào tháng 6/2015.

Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán với những quy định chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin sẽ giúp Ngân hàng hoạt động minh bạch hơn, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu Nam A Bank, cũng như mở ra cơ hội đầu tư, gia tăng cổ tức cho các cổ đông của Ngân hàng. 

Điều đáng quan tâm hơn khi thông tin về việc Nam A Bank sẽ M&A với một ngân hàng khác được đưa ra và Nam A Bank hoàn toàn chủ động trong thương vụ sáp nhập này. Trên thực tế, ở giai đoạn ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc, muốn nâng cao năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh thì việc hợp sức cũng là điều cần thiết. Việc này sẽ giúp Ngân hàng  mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao tiềm lực tài chính, nhằm tăng trưởng bền vững hơn và đó cũng là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Nam A Bank đang xây dựng văn kiện để trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên dự kiến quý I/2015. Hiện Nam A Bank chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp để có thể tiến đến “hôn nhân” và cũng đã có một vài đối tác tìm đến Ngân hàng.

Trong thời gian tới, Nam A Bank sẽ chú trọng đầu tư vào công nghệ để đa dạng hơn nữa sản phẩm, dịch vụ, phát triển các dòng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử... Bên cạnh đó, Nam A Bank mở rộng phát triển mạng lưới, mang đến sự thuận tiện cho khách hàng khi đến giao dịch trên toàn quốc. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả công việc kiểm tra kiểm soát, kiểm toán nội bộ một cách kịp thời và hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế. Ngân hàng cũng cho biết, sẽ nâng cao chất lượng về quảng bá thương hiệu, sản phẩm đi đôi với hiệu quả mang lại.

Nam A Bank đang trong quá trình thực hiện đề án tự tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, với lộ trình tái cơ cấu trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2017. Hiện Nam A Bank đã thực hiện được hơn phân nửa chặng đường và việc thực hiện đề án tái cơ cấu đã được HĐQT cũng như Ban điều hành Nam A Bank triển khai cũng như thực hiện rất sát sao. Cụ thể, việc tái cơ cấu được giao xuống từng phòng ban, từng con người theo dõi trong quá trình điều hành để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu.

Trên cơ sở những gì đạt được của 2014, Nam A Bank đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2015 ở mức khoảng 400 tỷ đồng trước thuế. Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, nhất là việc áp dụng các chuẩn mới theo quy định Thông tư 36, nhưng theo Nam A Bank, để có thể tăng trưởng và phát triển được đòi hỏi Ngân hàng có sự nỗ lực để đi lên, kể cả vấn đề lợi nhuận. Tuy kế hoạch đưa ra có tham vọng, nhưng cũng phải có cơ sở để thực thi và Nam A Bank tin rằng, nỗ lực sẽ đem lại thành công, cho dù đang nỗ lực tự tái cơ cấu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư