Thứ Tư, Ngày 02 tháng 07 năm 2025,
Nam Việt lên kế hoạch với nhiều tham vọng
Duy Bắc - 02/07/2025 07:45
 
Dù có lịch sử nhiều năm không hoàn thành kế hoạch và đang đối mặt với áp lực cạnh tranh tại thị trường chủ lực Trung Quốc, song Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) vẫn lên kế hoạch tham vọng trong năm 2025, với lãi dự kiến 500 tỷ đồng.

Nhiều năm liên tiếp không hoàn thành kế hoạch

Sau khi ghi nhận lãi kỷ lục 673,7 tỷ đồng năm 2022, Công ty cổ phần Nam Việt bước vào giai đoạn kinh doanh lao dốc, ghi nhận lãi năm 2023 giảm 94,2%, về 39,19 tỷ đồng và chỉ lãi 47,83 tỷ đồng năm 2024.

Điểm đáng lưu ý, tháng 7/2022, Nam Việt tiếp tục tạo thêm câu chuyện “tươi sáng”, khi cho biết đã chính thức xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nhưng từ đó, kết quả kinh doanh của Nam Việt vẫn không được như kỳ vọng.

Chẳng hạn, năm 2022, khi nền kinh tế bước vào chu kỳ phục hồi mới hậu Covid-19, với việc các nhà nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ hàng, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty đã tự tin đặt kế hoạch lãi 1.000 tỷ đồng năm 2022 và duy trì mức lãi trên 1.000 tỷ đồng trong những năm tiếp theo. Thực tế, dù điều kiện thuận lợi khi các nhà nhập khẩu tích trữ hàng hoá, đặc biệt là cá tra, nhưng Nam Việt cũng chỉ ghi nhận lãi 673,75 tỷ đồng, hoàn thành 67,4% kế hoạch năm.

Thêm nữa, dù đã hạ chỉ tiêu so với tham vọng ban đầu là lãi trên 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng liên tiếp 2 năm gần đây, Nam Việt chỉ đạt mức rất thấp. Trong đó, lãi năm 2023 đạt 64 tỷ đồng, hoàn thành 21,3% kế hoạch và lãi năm 2024 đạt 79 tỷ đồng, hoàn thành 21,9% kế hoạch năm 2024.

Ngoài ra, việc lãi mỏng dẫn tới việc hiệu quả sử dụng tài sản và nguồn vốn của Nam Việt đang duy trì ở mức thấp so với ngành. Trong đó, năm 2024, Nam Việt ghi nhận tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,96% so với trung bình ngành 3,57% và tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 1,69% so với trung bình ngành là 3,18%.

Dù không hoàn thành kế hoạch trong nhiều năm liên tiếp, nhưng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 6/2025, lãnh đạo Nam Việt vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng.

Áp lực cạnh tranh cao tại thị trường Trung Quốc

Sau khi bất ổn liên quan tới việc Mỹ lên kế hoạch áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia đã dẫn tới sự xáo trộn chuỗi cung ứng, hoạt động tích trữ hàng hàng hoá, đặc biệt cá tra, gia tăng vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhưng đang có dấu hiệu lao dốc trở lại.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 778,2 triệu USD, tăng nhẹ 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 17,3%, đạt 138,33 triệu USD.

Thêm nữa, ngành cá tra Việt Nam đang đối mặt với khó khăn tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU..., do các thị trường này ngày càng siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch.

Ngoài ra, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc sẽ gia tăng. “Trong bối cảnh hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc là tâm điểm của thuế quan, KBSV cho rằng, mức thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ cao hơn Việt Nam trong dài hạn, giúp nhu cầu đối với cá tra Việt Nam được hỗ trợ phần nào. Tuy nhiên, do thuế quan, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường nội địa Trung Quốc, khiến triển vọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này khá ảm đạm”, đại diện KBSV đánh giá.

Trung Quốc là thị trường chủ lực và trọng yếu của Nam Việt, nên áp lực cạnh tranh  tăng khi nhà xuất khẩu Trung Quốc quan tâm tới thị trường nội địa hơn trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ gặp nhiều thách thức sẽ tác động đáng kể tới triển vọng của Nam Việt.

Có thể thấy, việc hoạt động xuất khẩu cá tra có dấu hiệu chậm lại từ tháng 5/2025 do hoạt động tích trữ hàng ở các nhà nhập khẩu chậm lại có thể tác động tới doanh số tiêu thụ của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam, đặc biệt là Nam Việt - doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư