-
Thông tin cụ thể về hướng tuyến, vị trí 31 ga tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng -
Chỉ đạo mới của lãnh đạo Chính phủ về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam -
Thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam -
Đầu tư hơn 4.139 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Yên Bình 3, tỉnh Thái Nguyên -
Bình Định thu hút dự án đầu tư đầu tiên trong năm 2025 -
Ưu đãi thực sự vượt trội cho công nghiệp bán dẫn
Nhiều gói thầu của Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II có nguy cơ chậm tiến độ |
Xem xét cân đối đủ vốn
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 14111/BGTVT - TC gửi Ban Quản lý dự án Hàng hải, Cục Quản lý đầu tư xây dựng; các vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính về việc triển khai kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Hàng hải khẩn trương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với tồn tại trong công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Cục Quản lý đầu tư xây dựng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao phải nhanh chóng xem xét, điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án; cân đối, bố trí vốn đầu tư đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của công trình.
“Các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 15/6/2023. Trong đó, Báo cáo kết quả thực hiện cần nêu rõ những kiến nghị đã thực hiện, kiến nghị đang thực hiện, kiến nghị chưa thực hiện. Với những kiến nghị đã thực hiện cần kèm theo bằng chứng và các chứng từ, tài liệu để chứng minh; với kiến nghị đang thực hiện và chưa thực hiện phải giải thích rõ lý do”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.
Đến ngày 30/9/2022, tại có 2/3 gói thầu thuộc Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.
Trong đó, Gói thầu XL01 khởi công 29/12/2021, tiến độ hợp đồng là 11 tháng nhưng theo Báo cáo giám sát tháng 9/2022 của đơn vị tư vấn giám sát, khối lượng phần đường mới thi công đạt 39%, phần cầu đạt 86%, tiến độ bàn giao mặt bằng còn chậm, đến tháng 9/2022 mới bàn giao 3,4 km/4,7 km, chậm 2 tháng so kế hoạch giải phóng mặt bằng được duyệt; giá trị nghiệm thu đạt 43% giá trị hợp đồng.Đối với Gói thầu XL02 khởi công tháng 6/2022, tiến độ 18 tháng, tính đến 30/9/2022, khối lượng nghiệm thu mới đạt 3,4% so với giá trị hợp đồng.
Gói thầu XL03 khởi công tháng 6/2022, tiến độ 18 tháng nhưng tính đến 30/9/2022, gói thầu này thậm chí chưa có giá trị nghiệm thu thanh toán.
Trước đó, sau hơn 1 tháng tiến hành kiểm toán (từ ngày 6/9/2022 đến hết ngày 25/10/2022), Kiểm toán Nhà nước đã hoàn tất và có Báo cáo số 707/KTNN - TH về kết quả kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II gửi Ban Quản lý dự án Hàng hải và Bộ GTVT.
Được biết, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được phê duyệt năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh năm 2013 với mục tiêu xây dựng luồng tàu biển cho tàu mớn nước đến 8m, trọng tải 10.000 tấn đầy tải, tàu trọng tải 20.000 tấn giảm tải, các tàu có thông số kỹ thuật phù hợp chuẩn tắc luồng để hành hải ra vào các cảng trên sông Hậu. Giai đoạn I của Dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ 2017 và đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết toán dự án với giá trị 5.298 tỷ đồng.
Giai đoạn II của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh từ năm 2021 nhằm hoàn thiện các hạng mục còn lại để đảm bảo tính ổn định của công trình, phục vụ dân sinh và phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến luồng.
Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II bao gồm việc xây dựng kè bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố theo tiêu chuẩn công trình cấp I với tổng chiều dài kè 18,6 km; đường ven kênh Tắt với quy mô đường cấp IV đồng bằng, chiều dài 4,7 km; nhà trạm quản lý luồng.
Tổng mức đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu theo quyết định phê duyệt điều chỉnh vào ngày 16/7/2021 là 7.894 tỷ đồng (bao gồm giá trị giai đoạn I đã được Bộ GTVT phê duyệt quyết toán 5.298 tỷ đồng và giá trị giai đoạn 2 là 2.596 tỷ đồng).
Nguồn vốn Dự án giai đoạn II nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến bố trí vốn trong năm 2021 là 200 tỷ đồng; năm 2022 là 1.250 tỷ đồng; năm 2023 là 1.000 tỷ đồng; năm 2024 là 146,17 tỷ đồng. Tiến độ dự án giai đoạn II là từ 2021 - 2023, trong đó gói thầu xây lắp đầu tiên được khởi công vào cuối tháng 12/2021.
Do mới được triển khai nên đây là lần đầu tiên, Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II được cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh, kiểm tra theo quy định.
Có 2 nội dung chính được Kiểm toán Nhà nước tập trung “soi” là nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư thực hiện Dự án; việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ tài chính, kế toán và các chính sách pháp luật khác có liên quan. Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra thực tế hiện trường; không kiểm định chất lượng công trình; không kiểm định chất lượng, nguồn gốc vật tư vật liệu đưa vào công trình; không đối chiếu hóa đơn, chứng từ tại các nhà thầu, các đơn vị cung cấp vật tư dịch vụ.
“Đoàn kiểm toán chỉ kiểm toán trên hồ sơ, tài liệu do đơn vị cung cấp tại thời điểm kiểm toán. Đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của tài liệu cung cấp cho Kiểm toán nhà nước”, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (9/2022), tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện được giải ngân cho Dự án là khoảng trên 850 tỷ đồng, bao gồm các khoản tạm ứng và thanh toán cho các gói thầu xây lắp 566,835 tỷ đồng; tạm ứng, thanh toán chi phí rà phá bom mìn, bảo hiểm và chi phí khác 12,601 tỷ đồng; tạm ứng, thanh toán cho các gói thầu tư vấn 28,58 tỷ đồng; thanh toán chi phí quản lý dự án 9 tỷ đồng và giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng là 243,701 tỷ đồng.
Nguy cơ chậm tiến độ
Điểm nhấn nổi bật nhất trong Thông báo số 707 chính là việc Kiểm toán Nhà nước đã không phải dùng cụm từ “sai phạm” một lần nào. Bên cạnh đó, những kiến nghị đối với cơ quan quản lý dự án cũng chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho những sai sót được phát hiện. Mặc dù vậy, Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra một số sai sót cần được đơn vị quản lý dự án và cấp có thẩm quyền chú ý để tránh Dự án không đi chệch hướng.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc Bộ GTVT phê duyệt dự án điều chỉnh trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án điều chỉnh là chưa tuân thủ Khoản 3, Điều 14, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư.
Về nguồn vốn triển khai công trình, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 2/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 được bố trí vốn 2.225 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 1319/QĐ- BGTVT ngày 16/7/2021 về phê duyệt điều chỉnh dự án, Bộ GTVT phê duyệt nguồn vốn và tổng mức đầu tư của Dự án là 2.596 tỷ đồng. Như vậy nguồn vốn được giao tại Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021-2025 hiện đang ít hơn 371 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định nguồn vốn, Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) không nêu cụ thể về khả năng cân đối phần vốn còn thiếu mà chỉ nêu “có khả năng cân đối bổ sung trong phạm vi tổng mức vốn đầu tư công ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại Văn bản số 419/TTg-KTTH”. Đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II vẫn chưa có quyết định điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II được chia thành 3 gói thầu xây lắp, các gói thầu xây lắp đều đang trong quá trình triển khai thi công theo hợp đồng, nhưng có dấu hiệu hụt tiến độ, tuy vậy Ban Quản lý dự án Hàng hải chưa tiến hành tổ chức phân tích, đánh giá cụ thể các nguyên nhân chậm tiến độ để có biện pháp xử lý theo quy định hợp đồng.
Mặc dù, tại thời điểm kiểm toán, Dự án vẫn đang trong quá trình thực hiện, vẫn chưa hết thời hạn hoàn thành, nhưng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc các gói thầu xây lắp triển khai chậm khiến công trình có nguy cơ chậm tiến độ.
Một điểm hạn chế tại Dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn II được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận là công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng được thực hiện theo trình tự trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật, nhưng tỷ lệ giảm thầu tại các gói thầu xây lắp được thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng rất thấp, dao động từ 0,029% đến 0,16%.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ để đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm thay vì thực hiện chỉ định thầu cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện như hiện nay. Kiểm toán Nhà nước ghi nhận hiện có ít nhất 10 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng rà phá bom mìn trên cơ sở đơn giá, định mức do Bộ Quốc phòng ban hành.
Qua công tác kiểm toán dự toán tại Dự án, Kiểm toán Nhà nước nhận thấy, đối với các công trình bảo vệ bờ, công trình giao thông đường thủy, giải pháp thiết kế rọ đá/thảm đá kích thước lớn thường xuyên được sử dụng để giữ ổn định, chống sạt lở đường bờ.
Hiện nay, biện pháp thi công được sử dụng trên công trường chủ yếu là dùng rọ/thảm thép sản xuất tại nhà máy, dùng nhân công kết hợp cơ giới để xếp đá vào rọ. Biện pháp thi công này có ưu điểm đảm bảo được chất lượng rọ/thảm thép đồng thời tăng năng suất thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình.
Tuy nhiên, trong hệ thống định mức của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD hiện chỉ có định mức Làm và thả rọ đá kích thước 2 x 1 x 1 và 2 x 1 x 0,5 (mã định mức AL.15100) trong đó các thành phần công việc là đan rọ, xếp đá vào rọ được thực hiện hoàn toàn bằng nhân công thủ công, không phù hợp với biện pháp thi công mới đang được áp dụng.
“Bộ Xây dựng cần sớm xây dựng và ban hành định mức Làm và thả thảm đá trong thi công công trình giao thông thủy, công trình kè bảo vệ bờ, trong đó xác định sử dụng thảm thép sản xuất tại nhà máy và sử dụng nhân công kết hợp cơ giới xếp đá vào rọ, do chưa quy định trong hệ thống định mức xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để làm cơ sở cho việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.
-
Đầu tư hơn 4.139 tỷ đồng xây dựng khu công nghiệp Yên Bình 3, tỉnh Thái Nguyên -
Bệnh viện Bạch Mai 2, Việt Đức 2 dự kiến hoạt động trong năm nay -
Bình Định thu hút dự án đầu tư đầu tiên trong năm 2025 -
Ưu đãi thực sự vượt trội cho công nghiệp bán dẫn -
"Vượt ngàn chông gai", kinh tế năm 2024 về đích ngoạn mục -
Ninh Thuận: 23 khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án -
Đầu tư các dự án truyền tải điện còn nhiều khó khăn
- Cathay Life lọt Top Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam
- ACB năm 2024: Tăng trưởng bứt phá, quản trị rủi ro hiệu quả
- Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025
- Doanh nghiệp nhỏ chạy nước rút ăn Tết
- Tổng kho TTC Đặng Huỳnh: Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
- Hội viên Techcombank Inspire tưng bừng chào đón năm mới “cực chất” The Global Celebration Countdown Party