Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Nâng bội chi ngân sách trên 4,8% GDP
Mạnh Bôn - 30/05/2013 14:02
 
Ví việc giữ lạm phát ở mức 2,35% so với đầu năm như là đã "kìm được cương ngựa bất kham", TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây là cơ hội vô cùng tốt để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, cần biết tận dụng cơ hội này.
TIN LIÊN QUAN
Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch

Khó khăn toàn diện

Khó khăn của nền kinh tế, theo đánh giá của ông Lịch và nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại nghị trường sáng nay là “khó khăn toàn diện”.

“Ngay cả nông nghiệp, lĩnh vực vốn được coi là chỗ dựa cho nền kinh tế mỗi khi gặp khó khăn, là chỗ dựa của người công nhân khi bị thất nghiệp do doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, co cụm sản xuất cũng hết sức khó khăn”, ông Lịch nói.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 giảm 0,06% so với tháng 4/2013; tăng 6,36% so với cùng kỳ năm 2012 và chỉ tăng 2,35% so với đầu năm. “Đây là cơ hội để chúng ta tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội”, ông Lịch phát biểu.

“Lạm phát trước đây có thể ví là con ngựa bất kham. Giờ chúng ta đã kìm được cương ngựa. Đây là cơ hội vô cùng tốt, vấn đề là chúng ta phải biết tận dụng cơ hội này. Nếu chúng ta còn loay hoay, chần trừ, lấn cấn, vài năm nữa lạm phát quay trở lại thì có muốn cũng không làm (tăng đầu tư công) được nữa”, ông Lịch nói.

Vị chuyên gia kinh tế này đề xuất Quốc hội, Chính phủ xây dựng và thực hiện ngay chương trình phát triển kinh tế trung hạn, với chính sách lạm phát mục tiêu 6-7%/năm trong 3 năm liên tục và phải thực hiện ngay từ năm 2013.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trung hạn, phải chủ động điều hành hài hòa 3 chính sách: tiền tệ - chi tiêu công - và điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để có dư địa kích thích thị trường.

Với chính sách lạm phát mục tiêu như vậy, ông Lịch đề nghị phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để làm sao trong giai đoạn 2013-2015, tổng đầu tư toàn xã hội phải đạt mức 30-35% GDP (cao hơn 7 điểm phần trăm so với năm 2012).

“Với chính sách tài khóa, tôi ủng hộ giải pháp miễn, giảm thuế nhưng phải kéo dài cho đến tận hết năm 2015 chứ không thực hiện 6 tháng hay 12 tháng như ý tưởng đặt ra trong Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi”, ông Lịch tiếp tục đề xuất.

Lấy tiền ở đâu để tăng chi tiêu công?

Về vấn đề hóc búa này, tại diễn đàn Quốc hội, ông Lịch: “Tha thiết kiến nghị Quốc hội xem xét nâng trần bội chi ngân sách lên cao hơn mức 4,8% GDP để tạo điều kiện, cơ sở cho Chính phủ thanh toán toàn bộ tiền nợ đầu tư xây dựng cơ bản trong điều kiện nền kinh tế đang hấp thụ nguồn vốn tín dụng rất hạn chế như hiện nay”.

Ngoài ra, phải rà lại toàn bộ nguồn vốn nhà nước tại hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày…), nhà hàng, khách sạn… Nhà nước đang sở hữu vốn tại những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết đầu tư phải khẩn trương thoái vốn, lấy tiền tập trung đầu tư cho các công trình, dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội.

“Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỷ đồng vào những doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn… trong khi không có tiền làm quốc lộ, đầu tư vào các công trình, dự án quan trọng. Đây là sự lãng phí nguồn lực”, ông Lịch kết luận

“Trong bối cảnh nền kinh tế hấp thụ vốn rất kém, tăng đầu tư công, chi tiêu công hợp lý sẽ kích tổng cầu. Một khi nền kinh tế hấp thụ tốt nguồn vốn đầu tư tử ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn có nguồn gốc ngân sách thì sẽ hấp thụ tốt hơn nguồn vốn tín dụng, kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trở lại. Tăng đầu tư công là công việc cấp bách, cần phải thực hiện ngay. Và đây chính là mong mỏi của cử tri, doanh nghiệp đang trông chờ Quốc hội đưa ra quyết sách để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh doanh”, ông Lịch phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư