Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nâng cao chất lượng kiểm toán không đồng nghĩa với tăng số lượng tiến sỹ, thạc sỹ
Nguyễn Lê - 12/08/2020 17:17
 
Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc khi đưa tỷ lệ cơ cấu tiến sỹ, thạc sỹ vào Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải .

Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Theo báo cáo về chiến lược này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) hiện có 5 giáo sư, phó giáo sư; 52 tiến sỹ; 853 kiểm toán viên có bằng thạc sỹ; nhiều kiểm toán viên có chứng chỉ kiểm toán viên quốc tế; 174 người được đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài, 100% tốt nghiệp đại học.

Chiến lược xác định mục tiêu 10 năm tới, theo trình độ, tiến sỹ chiếm 5%, thạc sỹ chiếm 65-70%, đại học chiếm khoảng 24-29% và trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 0,5-1%.

Thẩm tra Chiến lược này, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng: "Việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán không đồng nghĩa với việc tăng số lượng tiến sỹ, thạc sỹ, vì vậy, đề nghị cân nhắc khi đưa tỷ lệ cơ cấu này trong Chiến lược".

Thuyết minh rõ ràng về căn cứ và định hướng tăng biên chế

Liên quan đến nguồn nhân lực, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng việc tăng biên chế là cần thiết trong giai đoạn 10 năm tới nhưng phải kèm theo thuyết minh rõ ràng về căn cứ và định hướng tăng biên chế, không nên đưa con số cụ thể 2600-2700 biên chế như Dự thảo đã nêu.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, hiện nay việc tăng biên chế chưa phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả .

Vì vậy, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị trong Chiến lược chỉ nên đưa ra định hướng chung là "về biên chế của KTNN do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ", Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết.

Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, với biên chế như hiện nay (khoảng 2.000 người) KTNN đã và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Giai đoạn tới, KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin  trong hoạt động kiểm toán, tăng cường kiểm toán tại trụ sở KTNN nên không cần tăng biên chế so với hiện nay.

Thống nhất là đến 2030 biên chế là không quá 2.700 người, nhưng mỗi giai đoạn cần trình cấp có thẩm quyền quyết định cụ thể, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gói lại các ý kiến thảo luận.

Kiểm toán quyết toán NSNN cần thực hiện hàng năm

Tại chiến lược, KTNN đề ra mục tiêu thực hiện kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần đối với quyết toán NSNN các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Mục tiêu này, theo cơ quan thẩm trà là chưa phù hợp, chưa bám sát với Luật NSNN và Luật KTNN .

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải phân tích, mặc dù hiện nay việc kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) còn khó khăn về nhân lực và tiến độ thực hiện, nhưng đây là chức năng quan trọng, riêng có của KTNN, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hơn nữa mục tiêu này đã được đề ra trong Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020, theo đó phấn đấu đến năm 2015 sẽ kiểm toán thường xuyên hàng năm hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo quyết toán ngân sách quận, huyện.

Vì vậy, KTNN cần phấn đấu thực hiện mục tiêu cho thời gian dài (10 năm) tiến tới kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) đối với báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hoàn thiện chức năng đánh giá, xác nhận của KTNN quy định tại Điều 9 Luật KTNN với mục tiêu cuối cùng là đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán NSNN, cơ quan thẩm tra đề nghị.

Cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đều đồng tình với quan điểm cố gắng kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) đối với báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Từ 2021 đến 2026 thì có thể 2 năm một lần, sau đó thì phải 1 năm 1 lần, ông Hiển nhấn mạnh.

Sau khi thảo luận, Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 100.867 tỷ đồng, giảm chi NSNN 112.614 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010-2019, kiến nghị xử lý tài chính 414.993 tỷ đồng (tăng thu 86.550 tỷ đồng, giảm chi 100.773 tỷ đồng, xử lý khác 227.670 tỷ đồng). Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với thực tế. Chỉ tính riêng trong 10 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 1.157 văn bản.

Kiểm toán doanh nghiệp FDI để tạo môi trường lành mạnh
Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước), Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh thu hút...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư