Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Năng suất và năng suất lao động
M.H - 08/10/2023 10:03
 
“Năng suất không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất dường như là tất cả”. Paul M. Romer, nhà kinh tế học người Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2018 đã nhận định như vậy khi nói về năng suất, trong đó có năng suất lao động (NSLĐ) đối với nền kinh tế.

Điều đó cho thấy, nâng cao NSLĐ càng trở nên quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, nhất là khi Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng NSLĐ bình quân trên 6,5%/năm.

Trên thực tế, qua 12 năm (từ 2011 đến 2022), NSLĐ bình quân của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5%/năm. Mức tăng này dù cao hơn so với một số quốc gia trong khu vực (Malaysia đạt 1,4%, Thái Lan 1,9%,

Singapore 2,2%, Philippines 3,2%…), song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Tính theo năm, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong năm 2021 đạt 4,7%, năm 2022 là 4,6% và theo dự báo mới nhất, con số này chỉ đạt 3,77 - 4,75% trong năm 2023.

Một trong những nguyên nhân chính khiến NSLĐ ở Việt Nam thấp là do NSLĐ nội ngành chưa như kỳ vọng.

Cho dù các chính sách tập trung tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua đã tác động tích cực, giúp tăng NSLĐ, nhưng tại những ngành có tỷ trọng đóng góp cao vào GDP và sử dụng nhiều nhân công, NSLĐ lại khá thấp, tốc độ tăng trưởng không như mong muốn.

Đây là yếu tố cản trở tốc độ tăng năng suất chung của nền kinh tế, nhất là khi nhiều ngành chưa có giải pháp tác động để cải thiện NSLĐ nội ngành. Bên cạnh đó, dù kinh tế tư nhân hiện chiếm tỷ trọng đáng kể, song do hầu hết là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên khu vực này rất khó tăng NSLĐ.

Một nguyên nhân nữa là do đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển (R&D), đặc biệt là tại khu vực công của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc, 1/2 so với Thái Lan và Malaysia. Vốn đầu tư cho R&D tập trung phần lớn tại các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI, đa quốc gia, vì vậy, doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó có đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động R&D, nâng cao NSLĐ.

Việt Nam hiện cũng chưa có đủ không gian cho phát triển giáo dục - đào tạo bậc cao, đặc biệt là các ngành khoa học, kỹ thuật, theo đó, vốn đầu tư cho sinh viên nghiên cứu khoa học - kỹ thuật còn rất thấp. Điều này lý giải tại sao, lao động phổ thông, lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động.

Dữ liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong quý III/2023, số lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước). Số lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp; cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Thậm chí, còn tồn tại sự khập khiễng về lực lượng lao động ở một số khu vực khi doanh nghiệp tại đó thiếu cả lao động phổ thông, chứ chưa nói đến lao động chất lượng cao.

Đây chính là những nguyên nhân khiến NSLĐ tại Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước ASEAN. Thực trạng trên đang cản trở nỗ lực hoàn thành mục tiêu dài hạn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao của Việt Nam vào năm 2030 và 2045.

Kinh nghiệm từ nhiều nền kinh tế cho thấy, muốn cải thiện NSLĐ, thì ngoài các cơ chế, chính sách, trước hết phải dựa vào công nghệ và đào tạo, bởi nâng cao chất lượng nguồn lao động là cơ sở quan trọng để tăng NSLĐ.

Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đang quan tâm đầu tư vào công nghệ, thì Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và giáo dục bậc cao, từ đó cải thiện NSLĐ. Ngoài ra, cần tiến hành song song việc phát triển kinh tế bền vững với chuyển đổi việc làm, tăng NSLĐ tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong thời gian tới, cần liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng các chính sách đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực lao động. Cùng với đó, cần có thêm chính sách ưu tiên phát triển thị trường lao động; có chính sách khuyến khích về lương, thưởng, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào quá trình đào tạo và đào tạo lại lao động. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong điều tiết cung - cầu trên thị trường lao động, tập trung vào những ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Điều này vừa góp phần đưa chất lượng nguồn lao động của Việt Nam từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu của khu vực và thế giới, vừa giúp nền kinh tế tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.

Năng suất lao động dưới góc nhìn tốc độ tăng và mức tuyệt đối
Năng suất lao động là chỉ tiêu có tầm quan trọng hàng đầu, cùng với hiệu quả đầu tư và các yếu tố năng suất tổng hợp khác, dựa trên khoa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư