Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nền kinh tế trông vào cầu nội địa
Nguyên Đức - 05/12/2021 13:21
 
Nền kinh tế dù đang có dấu hiệu khởi sắc, nhưng để có thể phục hồi mạnh hơn, thì phải trông chờ lớn vào sức cầu nội địa.

Hiện tại, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và đây là một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Những năm trước thời điểm Covid-19 bùng phát, sức cầu của nền kinh tế, được đo thông qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thường tăng trưởng 2 con số. Nhưng từ năm ngoái tới năm nay, sức cầu giảm mạnh, thậm chí có thời điểm rơi thẳng đứng.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng của năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá, thì giảm tới 10,4%). Nên nhớ, mức giảm này là trên nền rất thấp của cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020, tổng mức bán lẻ giảm 3,8% - PV).

Dù trong tháng 11, tình hình có khá hơn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/2021/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn giảm tới 12,2%. 

Câu chuyện nằm ở chỗ, cầu giảm sẽ không tạo được động lực cho sản xuất - kinh doanh, cũng không “kích” được khu vực dịch vụ tăng trưởng trong bối cảnh khu vực này đang bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. Dịch vụ không có tăng trưởng tất yếu sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Lâu nay, nếu cầu giảm thì biện pháp thường được áp dụng là kích cầu. Nhưng câu chuyện hiện thời không giống như thời điểm nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. Kích cầu tiêu dùng nội địa trong lúc này cần tiền, cần hàng hóa dồi dào và hơn hết là các hoạt động kinh tế - xã hội khác diễn ra bình thường. Có hàng hóa, có tiền, nhưng nếu hoạt động dịch vụ, du lịch, giải trí… không “bình thường”, thì rất khó kích cầu. Điều đó có nghĩa, kích cầu trong lúc này cần sử dụng tổng hòa nhiều giải pháp.

Đây có lẽ cũng chính là lý do khi xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đó phải là một gói giải pháp tổng thể. Theo đó, một trong những mục tiêu được nhấn mạnh là phải có các giải pháp hỗ trợ cả cung và cầu. Thậm chí, trong nhóm các giải pháp cho sự phục hồi của nền kinh tế, giải pháp trước tiên được nói đến chính là phòng, chống dịch bệnh và y tế. Đây là điều kiện cần với không chỉ một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, mà còn với riêng kích cầu tiêu dùng.

Ngay từ năm ngoái, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, Chính phủ đã xác định “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng là đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Hiện tại, xuất nhập khẩu đang tăng trưởng tích cực; đầu tư công đang chậm, nhưng cũng đang được nỗ lực đẩy mạnh, kỳ vọng sẽ khá hơn trong thời gian tới; chỉ còn cầu tiêu dùng đang giảm.

Chính vì thế, việc nền kinh tế có thể phục hồi mạnh hay không sẽ phụ thuộc và trông chờ rất lớn vào cầu nội địa. Điều này chỉ có thể có được khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế sớm được thông qua, sớm được thực hiện.

Cả nền kinh tế đang ngóng chờ chương trình vô cùng quan trọng này!

Cơ cấu tổng cầu kinh tế Việt Nam thời bình thường mới
Bước vào thời kỳ bình thường mới với sự đánh giá cao của thế giới, cơ cấu kinh tế của Việt Nam có gì mới?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư