Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Nên phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD?
Barry Weisblatt - 08/09/2014 06:04
 
Thuận lợi lớn nhất của việc phát hành trái phiếu USD là truyền bá thông điệp về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Điều này không chỉ có lợi cho Chính phủ, mà còn mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VNE sẽ phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu
Tiền chảy rất ít vào sản xuất
Phát hành trái phiếu xây dựng nhà ở xã hội
Cơ hội vàng hốt bạc từ trái phiếu
Lộ trình nâng hạng tín nhiệm quốc gia
Ngân hàng Việt mua 30 triệu trái phiếu Chính phủ Lào

Trong buổi họp báo mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo, Chính phủ dự định phát hành khoảng 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế bằng USD. Lý do chính thức cho kế hoạch này là 750 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2005 sẽ đáo hạn vào tháng 1/2016. Vì vậy, nguồn vốn mới thu được có thể được sử dụng để trả nợ trái phiếu đáo hạn.

Tuy nhiên, điều gì là thuận lợi và bất lợi của việc phát hành thêm trái phiếu USD thay cho trái phiếu tiền đồng trên thị trường nội địa?

  Nên phát hành trái phiếu quốc tế bằng USD?  
  Thuận lợi lớn nhất của việc phát hành trái phiếu USD là truyền bá thông điệp về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam (ảnh minh họa)  

Trước hết, chúng tôi nhận thấy rằng, không nhất thiết phải phát hành trái phiếu USD. Chính phủ hiện có khoản dự trữ ngoại hối 36 tỷ USD, hoàn toàn đủ sức để chi trả các khoản nợ vay USD khi đến kỳ đáo hạn.

Hơn nữa, các ngân hàng Việt Nam đang có nhu cầu nắm giữ trái phiếu tiền đồng. Tuần trước, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 90% lượng trái phiếu chính phủ. Tỷ lệ dự thầu đạt 1,97 lần và lãi suất tiếp tục được đẩy xuống mức thấp lịch sử. Vì vậy, Chính phủ có thể dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, thuận lợi đầu tiên khi phát hành trái phiếu USD là vấn đề chi phí. Hiện là thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu USD. Các trái phiếu sẽ được định giá bằng lãi suất hoán đổi Libor cộng thêm một mức lãi suất biên. Cả hai mức lãi suất này đều đang giảm xuống kể từ đầu năm nay.

Lãi suất hoán đổi Libor kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 3,07% thời điểm đầu năm xuống còn 2,57% vào ngày 5/9. Trong khi đó, giá hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Việt Nam giảm từ mức 300 điểm hồi đầu năm xuống mức rất thấp 190 điểm hiện nay, thấp hơn 10 điểm so với cuối tuần trước.

Xem xét cùng lúc 2 yếu tố trên, có thể thấy, lãi suất trên thị trường trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 6,10% thời điểm đầu năm 2014 cho tới hiện tại là 4,5%. Mặc dù lãi suất trái phiếu chính phủ bằng tiền đồng đang giảm dần, nhưng vẫn ở mức 7,86% - cao hơn rất nhiều so với trái phiếu USD.

Lý do quan trọng hơn cả cho việc Việt Nam nên phát hành trái phiếu USD trong thời điểm hiện tại là để thể hiện với thế giới rằng mình làm được việc đó. Vài năm trước đây, nếu Việt Nam chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế, sẽ có ba vấn đề được đặt ra: lạm phát cao, đồng tiền nội tệ yếu và hoạt động kinh doanh của một một số tập đoàn lớn.

Các tổ chức xếp hạng tín dụng (Moody’s, Standard & Poor và Fitch) đều đã đưa ra nhận định trong thời gian gần đây rằng, nền kinh tế của đất nước đang có những bước phát triển tốt, nhưng việc phát hành thành công một trái phiếu được đăng ký mua nhiều, với lãi suất thấp sẽ chứng tỏ được với thị trường quốc tế là những yếu tố vĩ mô kể trên đã thay đổi.

Truyền bá thông điệp về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam không những có lợi cho Chính phủ, mà còn cho cả các doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, chỉ có một nhóm nhỏ doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu quốc tế, đó là Vingroup, HAGL và VietinBank. Tuy nhiên, ngành ngân hàng chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho nhiều công ty - kể cả những doanh nghiệp mạnh - tiếp cận nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án mới. Thông qua việc thể hiện những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam cho các nhà đầu tư, Chính phủ sẽ có thể mở đường cho các doanh nghiệp cùng tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế.

Tuy vậy, Chính phủ nên thực hiện việc phát hành trái phiếu một cách thận trọng vì thị trường trái phiếu quốc tế có thể thay đổi nhanh chóng. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều khẳng định rằng, họ sẽ giữ mức lãi suất thấp cho tới năm sau. Nhưng cuối cùng, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ sẽ tăng lên và Fed sẽ phải nâng mức lãi suất.

Khi điều đó xảy ra, các nhà đầu tư sẽ không còn quan tâm tới một thị trường cận biên như Việt Nam và chuyển hướng đầu tư về Mỹ. Vì vậy, hiện đang có cơ hội cho Việt Nam để phát hành thành công trái phiếu ở mức lãi suất thấp. Nếu Việt Nam thực hiện việc này quá chậm, cơ hội đó qua đi, thì việc phát hành trái phiếu sẽ ít thành công hơn và không tạo được những thuận lợi như đã đề cập ở trên.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư