Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Nền tảng cho hợp tác toàn diện Việt Nam - Indonesia
Phan Long - 29/06/2013 09:11
 
Trao đổi với báo giới về chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc hai nước ký kết hơn 30 thỏa thuận hợp tác tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp, nhất là kể từ khi triển khai “Tuyên bố về Khuôn khổ Hợp tác Hữu nghị và Toàn diện bước vào Thế kỷ 21” (2003). Hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao.

Nhiều cơ chế hợp tác song phương được hình thành và hoạt động hiệu quả. Hai nước đã ký kết hơn 30 hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hợp tác quan trọng như chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, nông nghiệp… tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Chuyến thăm là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia. Việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược mở ra triển vọng mới thắt chặt quan hệ gần gũi, tin cậy vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hoà bình ổn định của khu vực.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biếu cấp cao Việt Nam tới Indonesia – nước có vai trò quan trọng hàng đầu trong ASEAN và là đối tác gần gũi truyền thống của Việt Nam – đã thành công tốt đẹp, một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng và khu vực, trong đó có Indonesia.

Về quan hệ chính trị, hai bên khẳng định coi trọng vai trò và vị thế của nhau; tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị và tin cậy trên cơ sở thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban Hợp tác Song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chương trình Hành động giai đoạn 2012-2015” theo đúng tiến độ, đồng thời rà soát, bổ sung để Chương trình Hành động này phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược vừa được thiết lập.

Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, hai bên nhất trí đánh giá kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tốt trong những năm gần đây và theo hướng cân bằng hơn; tuy nhiên, đầu tư hai chiều vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như quan hệ hai nước ở tầm Đối tác Chiến lược.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, phấn đấu vượt 5 tỷ USD trước năm 2015 và đạt 10 tỷ USD vào năm2018; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hai nước đầu tư vào nhau.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước trong vấn đề an ninh lương thực, tích cực triển khai Thỏa thuận về mua bán gạo 2013-2017 (2012). Với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cuộc tọa đàm giữa các doanh nghiệp hàng đầu của hai nước trong các lĩnh vực lương thực, thủy sản, than, khoáng sản, dầu khí… đã thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Các lĩnh vực hợp tác khác như dầu khí, năng lượng, nông-ngư nghiêp, thủy sản, giáo dục-đào tạo … cũng mở ra nhiều bước tiến mới. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh triển khai Bản Ghi nhớ về Hợp tác Biển và Nghề cá (2010) nhằm khai thác nhiều hơn tiềm năng to lớn trong lĩnh vực này. Hai bên nhất trí đưa ra một giải pháp tạm thời đối với vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế nhằm tạo điều kiện cho hoạt động nghề cá, trong khi vẫn tiếp tục đàm phán để đi đến giải pháp cuối cùng.

Ta đã đề nghị Indonesia tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp của ta triển khai các dự án hợp tác dầu khí hiện có, đồng thời tham gia vào hợp tác dầu khí hai bên/ba bên, hợp tác mua bán than và khai khoáng.

Indonesia khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân-tàu thuyền Việt Nam, nhất là tại vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước, trên tinh thần nhân đạo và hữu nghị. Nhân dịp này, hai bên cũng đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Hàng hóa Nông sản và Bản Ghi nhớ về Hợp tác Tài chính nhằm tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực này.

Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp lập trường chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong ASEAN và Liên hợp quốc.

Hai bên nhất trí cho rằng các thành viên ASEAN cần nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015; ASEAN cần tăng cường đoàn kết và có tiếng nói chung về các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh chung của khu vực nhằm phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam khẳng định tiếp tục ủng hộ Indonesia trong vai trò Chủ tịch APEC 2013; cảm ơn và mong muốn Indonesia tiếp tục ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC 2017.

Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông và hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm DOC cũng như các bước triển khai cụ thể tiếp theo của các Tuyên bố này.

Ngoài ra, hai nước còn đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng trong hợp tác quốc phòng, an ninh…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư