Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nếu thực sự xắn tay hỗ trợ, nông nghiệp Việt có thể phát triển ngoạn mục
Mạnh Bôn - Sĩ Chức - 30/08/2015 08:38
 
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hội nhập mở ra hai hướng, vì thế, nông nghiệp đi theo hướng nào sẽ quyết định tới sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Thưa ông, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã và sắp được ký kết. Vấn đề mở cửa thị trường nông nghiệp được các nước đàm phán thế nào?

Trong đàm phán hội nhập, lĩnh vực nông nghiệp bao giờ cũng được các bên tranh cãi quyết liệt nhất. Trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hầu hết các nước đàm phán thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng riêng lĩnh vực nông nghiệp, từ vòng đàm phán Doha đến nay vẫn chưa thông qua được. Còn hiện tại, 12 nước trong khu vực Thái Bình Dương đang đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mảng nông nghiệp, theo tôi biết vẫn là vướng mắc nhất, các bên tranh cãi quyết liệt nhất. Vì ở nước nào cũng vậy, nông nghiệp là vấn đề nhạy cảm không chỉ là kinh tế mà còn là xã hội, chính trị.

Điều đáng nói là, trong khi các nước phát triển, bằng mọi giá đòi hỏi mở cửa thị trường để đưa hàng công nghiệp vào các nước đang phát triển, nhưng họ lại không muốn mở cửa thị trường nông nghiệp. Còn các nước đang phát triển chỉ có thế mạnh duy nhất để cân bằng trở lại cán cân thương mại, đó là xuất khẩu nông sản thì thường yếu thế trong đàm phán. 

.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) 

Yếu thế trong đàm phán FTA, vậy nền nông nghiệp của chúng ta như thế nào kể từ khi chính thức tham gia sân chơi toàn cầu?

Chúng ta chính thức tham gia sân chơi toàn cầu kể từ năm 2007, tức là từ khi gia nhập WTO. Là người có nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, tôi thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có thể nói là rất thú vị. Vì trong các FTA đã ký kết, ngành nông nghiệp không được ưu tiên bảo vệ, mức độ bảo vệ của nông nghiệp so với công nghiệp, dịch vụ thấp hơn rất nhiều. Số mặt hàng được bảo vệ cũng vô cùng khiêm tốn. Còn so với các đối tác khác, nông dân của họ được trợ cấp rất cao, chưa kể đất đai của họ rộng, cơ sở hạ tầng tốt, khoa học công nghệ phát triển. Có thể nói, bước vào hội nhập, người nông dân bước vào cuộc chơi không cân sức.

Tuy nhiên, điều không ai ngờ đến là lực lượng chiến thắng trong hội nhập những năm vừa qua lại chính là nông nghiệp. Ngành xuất siêu duy nhất trong những năm vừa qua, kể cả thời kỳ khó khăn chính là nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, tiêu, gạo, cao su, thủy sản, đồ gỗ… đứng ở top rất cao trong thị trường xuất khẩu của thế giới. Trong khi những ngành công nghiệp được bảo vệ lại là những  ngành trì trệ, không xuất khẩu được, hoặc xuất khẩu không đáng kể như ô tô, điện tử, tàu biển, xi măng, sắt thép… Đây chính là điều như tôi nói là “thú vị”.

Chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, nếu quan tâm đủ mức, tăng đầu tư, tăng hỗ trợ, tăng giúp đỡ thì trong giai đoạn hội nhập sâu rộng sắp tới, tôi tin chắc ngành nông  nghiệp sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Có nghĩa là hội nhập sâu rộng hơn nữa, ngành nông nghiệp không đáng lo ngại?

Lo ngại hay không là ở chúng ta, quả bóng trong chân chúng ta, điều khiển thế nào là việc của chúng ta. Tất cả những gì mà người nông dân làm được thì họ đã làm hết sức rồi. Họ đã chiến thắng trong hiệp đầu tiên khi hội nhập.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua, còn ngày nay khi hội nhập sâu rộng hơn, nếu bỏ mặc ngành nông nghiệp, được đầu tư ít nhất, thay đổi thể chế chậm nhất, cách thức sản xuất vẫn thực hiện như hàng ngàn năm nay ông cha ta đã làm, thì tôi dám chắc là nông nghiệp sẽ sụt giảm, thua ngay trên sân nhà giống như ngành công nghiệp, dịch vụ đã và đang thua.

Điều xấu nhất nếu xảy ra là ngành nông nghiệp sẽ bị “thua ngay trên sân nhà”, theo ông, nguyên nhân chính là do đâu?

Nếu điều này xảy ra, theo tôi lỗi không phải do người nông dân không sản xuất được sản phẩm hàng hóa, mà là do họ không bán được sản phẩm do không có sự tiếp sức của doanh nghiệp. Như vậy, vấn đề cốt lõi là tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.

Người nông dân sản xuất cà phê, hạt tiêu, cao su… chủ yếu là để xuất khẩu, họ không mang sản phẩm của mình ra nước ngoài bán được mà phải qua doanh nghiệp, thậm chí không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, để ngành nông nghiệp tiến vào tương lai với hàng loạt FTA đã ký kết, điều kiện tiên quyết phải là mở được thị trường, bắt đầu từ thị trường trong nước rồi tiến ra thị trường thế giới.

Với những gì đang diễn ra, theo ông, ngành nông nghiệp sẽ đi về đâu khi 16 FTA có hiệu lực?

Hội nhập có thể hiểu chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa mở về hai phía khác nhau, nếu vẫn tiếp tục cách làm cũ như hiện nay thì nông dân vẫn sẽ cố gắng phấn đấu, nhưng kiệt sức dần, minh chứng là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong mấy năm gần đây giảm dần. Vấn đề khó khăn của ngành nông nghiệp bắt đầu từ kinh tế và sẽ chuyển sang xã hội và môi trường.

Ngược lại, nếu cả nước xắn tay vào hỗ trợ nông nghiệp, coi nông nghiệp là động lực để kéo nền kinh tế đi lên thì chúng ta sẽ có bước phát triển ngoạn mục.

Nông nghiệp Việt Nam: Chỉ còn trái trên cao, khó hái
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, ngành nông nghiệp hiện nay như một cái cây đã hái hết trái ngon ở dưới, chỉ còn lại những trái trên cao: khó lấy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư