Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng ACB còn phải xử lý bao nhiêu nợ xấu liên quan đến bầu Kiên
Thùy Vinh - 16/06/2020 17:41
 
Ngân hàng ACB cho biết nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên) hiện còn 806 tỷ đồng gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1.000 tỷ đồng lãi.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 kiểm soát dưới 2%

Thông tin trên được Hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ngày 16/6. Tuy nhiên, ACB cho biết, khoản nợ trên có tài sản đảm bảo 806 tỷ đồng có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới và đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.

Nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan. Vì thế, có thể mất 2 năm để ACB thu hồi các khoản nợ này trong năm 2020 và 2021.

Tổng giám đốc ACB ông Đỗ Minh Toàn cho hay, mục tiêu của ACB trong năm nay là kiểm soát nợ xấu 1-2%. Theo lãnh đạo ACB, hiện đang có dịch bệnh, Ban điều hành đưa ra dự kiến nếu xấu nhất, Ngân hàng vẫn kiểm soát được.

"Hy vọng đến cuối năm 2020, nợ xấu sẽ về dưới 1%. Khách hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng bị gián tiếp, ACB chưa dự báo được những tác động tiêu cực mà khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tình hình rõ nét nhất phải đến cuối quý III mới thấy. Do vậy, HĐQT đưa ra mức 2% nợ xấu tối đa", ông Toàn nói. 

Năm 2020, ACB lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7.636 tỷ đồng.Tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11,75% (chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 của ACB được NHNN giao tối đa là 11,75%). 

Theo ông Đỗ Minh Toàn, tính đến 31/05/2020, lợi nhuận là 3.500 tỷ đồng. Trong 5/2020 vừa qua, ACB hoạt động tốt trong Bancassurance và thẻ.Đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng có khả năng hoàn thành kế hoạch với tiến độ như hiện tại.

Tổng quy mô cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những khoản này chỉ là chậm thu, trong quý IV/2020 hoặc quý I/2021 sẽ thu nhập trở lại. Đây chỉ là dự báo trước mắt, và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.

Cũng theo ông Toàn, khi thực hiện chủ trương của NHNN hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB đã dành 35.000 tỷ đồng hỗ trợ, cho vay mới và hạ lãi suất so với khoản vay trước 1%.

Các khoản vay mới giải ngân thấp hơn 1% so với mặt bằng cho vay chung để giữ mối quan hệ với khách hàng. Các tháng vừa qua, tín dụng của ACB đã tăng trưởng.

Chuyển sàn và chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu để tăng vốn

Với thắc mắc của cổ đông tại đại hội vì sao không chia cổ tức bằng tiền mặt, Tổng giám đốc ACB cho hay, theo kế hoạch ban đầu, ACB dự kiến 2019 chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% và tiền 10%, nhưng do tình hình dịch bệnh Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, HĐQT ACB đã trình Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức 2019 cho cổ đông ở mức 30% bằng cổ phiếu.

Theo đó, gần 1,7 triệu cổ phiếu phổ thông sẽ được chia cổ tức năm 2019 từ 6.270 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi trích lập đầy đủ các quỹ của năm 2019.

Vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4.988 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ mức 16.627 tỷ đồng lên gần 21.616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý IV/2020.

Mục đích của đợt tăng vốn này nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của ngân hàng, đầu tư vào các dự án chiến lược 2019-2024…

Về vấn đề nới room ngoại từ 30% lên 49%, theo ông Toàn, đây là cơ hội cho tổ chức niêm yết, kể cả ACB, làm sao để tối đa hóa hiệu quả cổ đông bằng cách mời thêm cổ đông nước ngoài. ACB sẽ bàn khi cơ hội xảy ra. Chốt lời trái phiếu Chính phủ cũng là cơ hội cho ACB.

ACB có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế, nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, tài trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Huy động vốn quốc tế sẽ có chi phí rẻ hơn so với huy động trong nước.

Đồng thời, theo ông Toàn, với tình hình hiện nay, ACB hoàn toàn đủ điều kiện phát triển tín dụng cho 2 năm 2020 và 2021. Kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 chưa bị áp lực. Tùy vào điều kiện phục hồi kinh tế sau dịch, ACB khó thể tiên lược được, do đó, năm 2020 chưa có kế hoạch tăng vốn cấp 2.

Còn với thắc mắc của cổ đông kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HoSE khi nào hoàn tất, HĐQT ACB cho biết việc chuyển sàn sẽ cố gắng hoàn thành trong năm 2020. Ngân hàng sẽ chia thành 2 giai đoạn, cụ thể: chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11 hoặc 12/2020.

Thoát khỏi ám ảnh bầu Kiên, ACB báo lãi 3.622 tỷ đồng, lương nhân viên gần 27 triệu đồng/tháng
Sau nhiều năm trích lập dự phòng các khoản vay liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên và trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư