Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng có còn “ăn dày” chênh lệch lãi vay?
Trần Mạnh - 11/04/2024 08:52
 
Chi phí vốn đang là yếu tố quyết định lợi nhuận của nhiều nhà băng. Hiện vẫn còn nhiều ngân hàng duy trì NIM (biên lãi ròng) khá cao, trong khi một số ngân hàng lại phải đối phó với tình trạng NIM giảm mạnh.
Hiệu quả hoạt động ngân hàng đang phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ và tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn.  Ảnh: Đ.T

Lợi nhuận: dày - mỏng bởi CASA

Tại mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, có lãnh đạo ngân hàng phấn khởi báo cáo cổ đông về kết quả kinh doanh khả quan, song cũng có người phải “méo mặt” giải trình vì kết quả kinh doanh không được như ý.

Trong bối cảnh ngân hàng vẫn phải sống dựa 70-80% vào tín dụng, thì chi phí vốn là yếu tố sống còn với tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng. Đặc biệt, trong gần nửa tháng qua, khi áp lực giảm lãi vay vẫn lớn, nhưng một số ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại, thì câu chuyện tối ưu chi phí vốn, cải thiện chênh lệch huy động/cho vay càng đặt thêm áp lực cho các nhà băng.

Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy, hiệu quả hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ cũng như tốc độ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Tại Ngân hàng ACB, huy động vốn tính tới hết tháng 3/2024 tăng 2,1%, song CASA tăng tới 6,4%, tỷ trọng của CASA tăng thêm 1% (lên mức 23%) giúp lợi nhuận của ngân hàng (nếu loại bỏ yếu tố bất thường) tăng 3%.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB tin rằng, năm nay, ngân hàng này sẽ nằm trong Top 5 về CASA trên thị trường, nên sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của cả năm.

Tương tự, VIB cũng vừa có lợi nhuận quý I/2024 tương đương năm ngoái, nhờ duy trì được chi phí vốn rẻ. Năm 2023, CASA của ngân hàng này tăng hơn 20%, các nguồn huy động giá rẻ khác của VIB cũng tăng mạnh, giúp ngân hàng giảm giá cho vay xuống mức rất hấp dẫn, tăng sức cạnh tranh. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB tự tin, với lãi suất cho vay thấp ngang nhóm Big 4 như hiện nay, VIB vẫn giữ được NIM tốt.

ngân hàng muốn giữ nhịp phục hồi của NIM cần phải tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị…, hướng tới đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị, như Basel II, Basel III. Việc quản trị tốt sẽ góp phần giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM. Đi kèm với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Việc tích cực chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng tối ưu chi phí hoạt động, nên đây cũng là một yếu tố thuận lợi để hồi phục NIM.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính

Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng tự tin về NIM. Chẳng hạn, ABBank vừa có một năm chứng kiến lợi nhuận giảm kỷ lục. Phát biểu với cổ đông mới đây, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do “2023 là năm ghi nhận NIM của ABBank giảm khủng khiếp. Các ngân hàng lớn có lợi thế lớn vì CASA của họ cao. Còn ABBank bị áp lực chi phí vốn quá cao, nên tỷ lệ CASA rất thấp. Nợ xấu phát sinh càng khiến NIM càng thấp”, ông Kháng cho biết.

Mặc dù tính tới thời điểm này, hầu hết ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay bình quân theo yêu cầu của Chính phủ, song có tình trạng mỗi ngân hàng công bố một kiểu. Nhiều ngân hàng công bố lãi suất quá chung chung, hoặc chỉ công bố lãi suất cho vay thế chấp…, không phản ánh đúng thực chất lãi vay bình quân chung.

Nhiều khách hàng cho biết, lãi vay thực tế cao gần gấp đôi lãi suất công bố. Biên độ cho vay mà các ngân hàng áp dụng cũng cao hơn nhiều so với con số báo cáo của các ngân hàng. Đây là lý do khiến lợi nhuận quý I/2024 mà nhiều ngân hàng công bố vẫn khả quan, dù tín dụng tăng trưởng chậm.

Ngân hàng có thêm cơ hội cải thiện NIM

Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng khoảng 20% trong quý I/2024. Kết quả điều tra, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, trong quý I/2024, các tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn (70,9-72,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2024). Trong năm 2024, có tới 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, trong khi 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (Mảng Định chế tài chính, Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating), năm 2024, NIM ngành ngân hàng sẽ cải thiện 20-30 điểm, lên mức 3,8%. Nhờ vậy, Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) ngành ngân hàng sẽ cải thiện nhẹ, lên 1,7% từ mức 1,6% của năm 2023.

“NIM được cải thiện nhờ đóng góp từ chi phí vốn của toàn ngành được điều chỉnh từ mức thấp nhanh hơn so với lãi suất đầu ra. Đồng thời, gần đây, các ngân hàng đã cải thiện được tỷ lệ CASA, từ đó hỗ trợ chi phí vốn”, ông Hưng nhận định.

Mặc dù năm ngoái, NIM tại nhiều ngân hàng có chiều hướng bị thu hẹp do lãi suất cho vay giảm, song theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, NIM ngân hàng năm 2024 sẽ cải thiện nhờ lãi suất tiền gửi giảm sâu và ổn định hơn. Dù vậy, mức độ phục hồi của NIM không thể kỳ vọng đạt được như mức của năm 2022 và có sự phân hoá giữa từng nhóm ngân hàng (NIM của nhóm Big 4 duy trì ở mức thấp và cao hơn ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân).

Khi chưa thể tăng lãi suất cho vay và không thể giảm lãi suất huy động hơn nữa, những ngân hàng có tỷ trọng CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Vì vậy, các nhà băng cần tích cực thu hút lượng tiền gửi giá rẻ này để vừa giảm thiểu sức ép lên NIM, vừa gia tăng hiệu quả hoạt động.

Cầu vốn dần trở lại, tín dụng ngân hàng sẽ cải thiện
Tín dụng của nền kinh tế chuyển sang trạng thái tăng trưởng dương. Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư