Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Cầu vốn dần trở lại, tín dụng ngân hàng sẽ cải thiện
Thùy Vinh - 07/04/2024 13:59
 
Tín dụng của nền kinh tế chuyển sang trạng thái tăng trưởng dương. Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng dần cải thiện rõ nét ở các quý tới.

Tín dụng ấm dần

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023, chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao. Tuy nhiên, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024 (tăng 0,98%) và tính đến ngày 25/3 đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023.

Tại VIB, OCB, SeABank, tín dụng quý I/2024 lần lượt tăng ở mức 1%; 4,6% và 0,8%. Lãnh đạo Techcombank cho hay, tín dụng quý đầu năm nay của ngân hàng này tăng trưởng khoảng 3%... trong khi tháng 1 tăng chậm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, hiện cầu vốn của khách hàng, nhất là với cá nhân mua nhà đang dần trở lại. Nguyên nhân một phần là lãi suất vay mua nhà đang ở mức hợp lý, chỉ khoảng 6%/năm trong thời gian 1 năm đầu kể từ ngày giải ngân và từ 8-9%/năm cho giai đoạn sau.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, dù tín dụng tăng chậm khi cầu vốn chưa cao, nhưng kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB tăng 1%. Điều này cũng phù hợp với tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng.

Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn, nên khi mặt bằng lãi vay giảm, sẽ kích thích nhu cầu vốn mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường hiện nay, kỳ vọng bất động sản tiêu dùng (phân khúc cho khách hàng có nhu cầu ở thực sự) sớm hồi phục hơn bất động sản kinh doanh.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, nên đang từng bước kích cầu vốn thông qua các chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Kỳ vọng cải thiện rõ nét hơn

Các nhà băng đang tích cực kích cầu tín dụng bằng các gói tín dụng ưu đãi. Tại BVBank, lãi suất cho vay là 5%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong 5 tháng đầu; 5,5%/năm áp dụng cho 6 tháng đầu; 6,5%/năm cho 9 tháng đầu; 7,5%/năm cho 12 tháng và 8,9% được áp dụng cho 18 tháng kể từ thời điểm giải ngân. Con số tại VPBank là 5,9%/năm cho 6 tháng đầu; tại HDBank, MSB, ACB, OCB là 6,5-10,5%/năm…

Trong khi đó, Ngân hàng Shinhan cho vay mua nhà với lãi suất 5,2%/năm cố định trong 1 năm; 5,5%/năm cố định trong 2 năm; 6%/năm cố định trong 3 năm và 7,5%/năm cố định trong 5 năm (6 tháng đầu được nhà băng này áp dụng mức lãi vay 5,5%/năm). Techcombank áp dụng lãi suất cho vay mua nhà chỉ 5%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 6%/năm trong 6 tháng hoặc 6,8%/năm trong 12 tháng...

Đặc biệt, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước cũng cạnh tranh cho vay với mức lãi vay thấp, như BIDV cho vay từ 5%/năm; Vietcombank và VietinBank ưu đãi cho vay mua bất động sản với lãi suất lần lượt 6%/năm, 6,4%/năm. Các ngân hàng đang áp dụng mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 5% đến 10,5%/năm…

Lãnh đạo các nhà băng hy vọng, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay, cùng với sự hồi phục ở phân khúc bất động sản nhà ở, sẽ là điều kiện tích cực để kích cầu vốn mua nhà. Ông Nguyễn Đình Tùng kỳ vọng, không chỉ với nhà ở, mà với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, cả với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng cũng dần tăng trở lại trong những tháng tới, nhất là hai quý cuối của năm nay.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, cầu vốn năm nay chưa thể đột biến, nhưng sẽ dần tăng trở lại khi nhu cầu về tín dụng mua nhà, ô tô đang đi ngang. Nếu phương án đi ngang được giữ vững trong năm nay, thì cũng đã rất tốt để MB đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 10% (tương đương khoảng 28.800 tỷ đồng trước thuế).

TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn tương đối ổn định, cầu vốn mua nhà luôn tăng, song do tác động của kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, nên tín dụng ở phân khúc này khó đột biến. Với doanh nghiệp, lĩnh vực xuất khẩu cũng dần hồi phục và tăng trưởng, nên nhu cầu vốn cũng sẽ trở lại, nhất là vào những quý còn lại của năm.

Xin nới room tín dụng, ngân hàng đang giải ngân vào đâu?
Tín dụng đang có sự phân hóa mạnh mẽ, trong khi nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết một nửa room tín dụng được cấp, thì nhiều ngân hàng lại xin...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư