Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng đầu tư cho công nghệ thông tin: Chi nhỏ giọt dễ "lọt lưới"
Hữu Tuấn - 27/05/2016 20:23
 
Đó là khuyến cáo của các chuyên gia, các tổ chức sau sự kiện Ngân hàng TP.Bank “suýt” bị tin tặc lừa 1,2 triệu Euro.

“Không đầu tư vào công nghệ, thử hỏi gặp phải trường hợp bị hacker tấn công các ngân hàng sẽ chống đỡ ra sao? Không đầu tư cho công nghệ thông tin (CNTT), ngân hàng sẽ lấy đâu ra lợi nhuận ròng 15-17%/năm?”, dẫn câu chuyện Ngân hàng TP.Bank bị hacker tấn công, định chiếm đoạt 1,2 triệu Euro đang làm nóng dư luận, TS.Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV đã làm Hội thảo Banking 2016 sôi động.

Đầu tư cho “yếu huyệt” đang yếu và thiếu

Hệ thống bảo mật, Core banking, Internet banking, mobile banking… được coi là yếu huyệt của các ngân hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng không tiếc tiền chi cho CNTT. Ước tính, các ngân hàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu tư khoảng 70,2 tỷ USD/năm. Trong đó, có ngân hàng tại Singapore chi khoảng 200 triệu USD/năm cho hệ thống CNTT, còn hệ thống ngân hàng Malaysia đầu tư khoảng 12 tỷ USD/năm…

.
TP.Bank “suýt” bị tin tặc lừa 1,2 triệu Eur

Tại Việt Nam, số  liệu của Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) tập hợp từ 13 ngân hàng nội và 2 trường đại học cho thấy, kinh phí đầu tư cho CNTT và đào tạo khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, tổng mức đầu tư trong 5 năm gần đây là 11.000 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Tin học Việt Nam, Core banking là hạng mục CNTT quan trọng nhất mà các ngân hàng Việt Nam đầu tư, nhưng số tiền chi ra của mỗi ngân hàng là khác nhau.

Nếu các ngân hàng “top dưới” chỉ dám chi khoảng 10 triệu USD/hệ thống Core banking thì những ông lớn chi mạnh hơn, như Agribank đầu tư khoảng 100 triệu USD; VietinBank khoảng 150 triệu USD; Vietcombank  từ 150 -200 triệu USD.

Ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhận xét, dù liên tục gia tăng đầu tư cho CNTT những năm qua, nhưng tỷ trọng trong đầu tư của các ngân hàng Việt Nam còn khiêm tốn. Đối với những nước phát triển như châu Âu, chi phí đầu tư cho công nghệ hàng năm khoảng 19-20%, ở thị trường mới nổi là từ 7- 9% lợi nhuận. Còn tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, đầu tư cho CNTT khá khiêm tốn trong tổng lợi nhuận của mình (chỉ dưới 5%).

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Tin học Việt Nam, đầu tư cho Core banking là yếu tố bắt buộc nếu ngân hàng muốn tồn tại. Các lớp bảo vệ càng dày thì Core banking càng đắt, đảm bảo cho ngân hàng không bị “thủng lưới”. Ngay cả khi tội phạm làm giả thẻ ATM hay ăn cắp thông tin thẻ tín dụng cũng không thể “đột phá” vào phần lõi nơi chứa hàng ngàn tỷ đồng của các ngân hàng được.

Không chỉ để tự vệ…

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong vài năm tới, nhu cầu phát triển các dịch vụ như Internet banking, mobile banking tại Việt Nam có thể tăng 20-30%/năm. Với dự báo khoảng 52% dân số Việt Nam sẽ sử dụng Internet, việc phải áp dụng CNTT hiện đại, có tính bảo mật và kiểm soát rủi ro cao là điều mà các nhà băng cần tính đến.

“Nếu các ngân hàng đầu tư vào công nghệ mới, chắc chắn có lợi nhuận ròng từ 15-17%/năm”, ông Lực khẳng định.

Cùng với việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới, khi đó sẽ tác động đến lãi suất ngân hàng. Giả sử khi áp dụng Basel III, GDP của các nước cũng sẽ giảm 0,2-0,3%. Khu vực châu Á, thay đổi chung sẽ khiến ROA, ROE ngân hàng sắp tới giảm 2-3%. Do đó, nếu đầu tư vào công nghệ ngay từ bây giờ các nhà băng sẽ cân đối được lợi nhuận khi phải áp dụng chuẩn ngân hàng mới.

Ông Mauro Israel, chuyên gia bảo mật quốc tế ISMSecure cho hay, mạng xã hội, smartphone ngày càng nhiều trên hệ thống tương tác, hành vi của người sử dụng dịch vụ đang thay đổi khiến ngân hàng phụ thuộc nhiều hơn vào CNTT. Khi sử dụng mạng với ngân hàng là tất yếu thì việc đầu tư cho bảo mật trực tuyến là điều cần phải lo lắng và quan tâm như đối mặt với vấn đề nợ xấu.

“An ninh, bảo mật cho ngân hàng không còn là vấn đề của riêng bộ phận CNTT, mà cần phải được nâng lên thành vấn đề chiến lược ở cấp quản lý. Cần phải biến hoạt động bảo mật, an toàn thông tin trở thành một phần “gene”, ADN của doanh nghiệp, một phần không thể thiếu với các doanh nghiệp”, ông Mauro Israel khuyến nghị.

A86 cảnh báo tin tặc "hắc" email của doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản
Cục An ninh Kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp thuộc Tổng cục An Ninh (A86) đã có Công văn số 1814/A86-P2 gửi Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư