Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng, doanh nghiệp dồn dập huy động vốn quốc tế
Hà Tâm - 15/11/2022 07:54
 
Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khan hiếm, đắt đỏ, việc huy động vốn từ nước ngoài là cơ hội cho những ngân hàng, doanh nghiệp có uy tín.
VPBank là một trong những ngân hàng huy động nhiều nhất nguồn vốn quốc tế.  Ảnh: Đức Thanh

Dồn dập gọi vốn quốc tế

Tuần qua, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công bố các hợp đồng huy động vốn khủng từ thị trường quốc tế.

Ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo

Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. Trong khi đó, SeABank cho biết vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm.

Được biết, tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á.

Trước đó, Ngân hàng VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC).

Không chỉ ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng lần lượt công bố các hợp đồng gọi vốn khủng. Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cho biết vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Tính từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.

Trước đó, Công ty cổ phần Be Group đã ký hợp đồng tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm ngân hàng nước ngoài.

Cuối tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.

Trong khi đó, Novaland cũng muốn vay thêm 40 triệu USD từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của VietinBank tại Đức) và Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank tại Malaysia). Hồi tháng 8/2022, HĐQT Novaland đã thông qua giao dịch bảo đảm nghĩa vụ vốn vay của Công ty đối với khoản vay 100 triệu USD từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore)…

Hướng tiếp cận vốn mới cho doanh nghiệp

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, ngoài hợp đồng vay vốn 100 triệu USD đã ký, tập đoàn này kỳ vọng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn quốc tế để phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Với khoản vay 100 triệu USD, Lộc Trời đã đạt được thỏa thuận lãi suất tối ưu và ổn định, tạo điều kiện cho Tập đoàn phát triển ổn định thời gian tới.

Trong bối cảnh huy động vốn tại thị trường trong nước khó khăn, việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn khủng từ thị trường quốc tế là điểm sáng, giúp doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy được hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho năm tới. Đồng thời, đây là động lực để nhiều doanh nghiệp khác tìm kiếm nguồn vốn mới.

Các chuyên gia cho rằng, việc các tổ chức xếp hạng quốc tế đồng loạt nâng mức xếp hạng quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế với lãi suất hợp lý. Hồi tháng 9/2022, Moody’s đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Trước đó, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam lên mức BB+.

Mặc dù nguồn vốn quốc tế hiện rất dồi dào, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể khai thác. Theo đó, để tiếp cận các tiêu chuẩn khắt khe từ các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp phải có uy tín, có năng lực tài chính vững mạnh, số liệu công khai minh bạch, được kiểm toán bởi các tổ chức quốc tế, có phương án sử dụng vốn khả thi, có đơn vị tư vấn chuyên nghiệp…

Ngoài ra, dòng vốn phục vụ các dự án phát triển bền vững, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án xã hội… cũng thường được các định chế tài chính quốc tế ưu tiên hơn trong giải ngân.

Đơn cử, VPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam xây dựng thành công Khung tài chính xã hội phù hợp với Nguyên tắc Trái phiếu xã hội (Social Bond Principles) và Nguyên tắc Cho vay xã hội (Social Loan Principles) quốc tế. Nhờ vậy, ngân hàng này đã nhận về hàng tỷ USD vốn quốc tế để cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội…

Trong khi đó, với đặc trưng phục vụ nhóm khách hàng yếu thế, F88 cũng là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành tài chính tiếp cận được với dòng vốn ngoại. Bà Carol Lee Park, Giám đốc điều hành của Lending Ark cho biết, Quỹ đầu tư này chọn F88 nhằm hỗ trợ phục vụ hàng triệu người dân, đặc biệt là những người không đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được nguồn tài chính truyền thống, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Với huy động vốn quốc tế, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá, như năm nay tỷ giá biến động tới 8%, nên phải sử dụng các biện pháp để giảm rủi ro. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, nguồn vốn quốc tế hiện nay không còn rẻ. Cụ thể, hiện tại, lãi suất Chính phủ Mỹ đã lên tới 4%/năm, thì lãi suất cho vay của các định chế tài chính quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam phải 8-9%/năm. Tuy vậy, trong bối cảnh nguồn vốn trong nước khó khăn, doanh nghiệp phải đa dạng hóa kênh huy động vốn. Theo đó, huy động vốn quốc tế là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khó khăn dòng tiền.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư