Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng khởi kiện VKC Holdings để đòi hơn 78 tỷ đồng
Duy Bắc - 09/01/2024 15:28
 
Liên tục vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi với Ngân hàng và trái chủ, CTCP VKC Holdings (mã VKC – sàn UPCoM) bị Ngân hàng khởi kiện để đòi tiền.

CTCP VKC Holdings vừa công bố thông tin về việc nhận được công văn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kiện lên Toà án nhân dân Thành phố Dĩ An nhằm thu hồi công nợ hơn 78 tỷ đồng liên quan đến Hợp đồng hạn mức tín dụng số 036/2022/HDHM/VPB-VKC ngày 16/2/2022.

Theo thông báo thụ lý án từ Toà án Nhân dân Thành phố Dĩ An, đây là vụ án kinh doanh thương mại về việc "tranh chấp hợp đồng tín dụng". Trong đó, Ngân hàng VPBank khởi kiện buộc Công ty VKC Holdings thanh toán tổng số nợ còn thiếu tạm tính đến hết ngày 24/8/2023 là hơn 78 tỷ đồng (gồm nợ gốc là 66,76 tỷ, lãi quá hạn 11,33 tỷ và lãi chậm trả gần 64 triệu đồng).

Ngoài ra, từ ngày 25/8/2023, Công ty VKC Holdings vẫn phải tiếp tục chịu lãi quá hạn, lãi chậm trả theo các hợp đồng tín dụng đã ký cho đến khi thanh toán xong toàn bộ số nợ.

Phía Ngân hàng VPBank cũng cho biết, trường hợp Công ty VKC Holdings không thể thanh toán được số nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất số 9183, tờ bản đồ số 4 toạ lạc tại phường Bình An, Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; và Xe ô tô nhãn hiệu Volkswagen (biển số 61A-531.43).

"Hiện tại, ban lãnh đạo Công ty đang làm việc với các bên liên quan để tìm ra phương án giải quyết thoả đáng nhất”, thông báo của Công ty VKC Holdings cho biết.

Theo tìm hiểu, Công ty VKC Holdings tiền thân là CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, được thành lập từ năm 1993, có vốn điều lệ hiện này là 200 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là sản xuất dây dẫn điện, cáp viễn thông, thiết bị điện thoại…

Điểm đáng lưu ý, từ ngày 30/8/2021 đến ngày 22/9/2021, cổ phiếu VKC đã tăng hơn 273%, từ 7.500 đồng, lên 28.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu tăng nóng khi cổ phiếu VKC có câu chuyện liên quan tới nhóm Louis Family của ông Đỗ Thành Nhân.

Tuy nhiên, sau đó khi ông Đỗ thành Nhân bị bắt liên quan tới việc thao túng cổ phiếu mã BII và TGG, Công ty VKC Holdings bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động tài chính, cũng như kết quả kinh doanh lao dốc.

Tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, tính tới 30/6/2023, Công ty VKC Holdings đang có lỗ luỹ kế 253,7 tỷ đồng, bằng 126,85% vốn điều lệ (lỗ luỹ kế đã vượt vốn điều lệ là 200 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu  ghi nhận âm 32,57 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng tại thời điểm cuối quý II/2023, Công ty VKC Holdings đang có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 367,16 tỷ đồng và tiền mặt còn lại 1,2 tỷ đồng.

Riêng đối với đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt cũng từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo bán niên của Công ty VKC Holdings. Trong đó, đơn vị kiểm toán đưa ra từ chối với các lý do bao gồm:

Đầu tiên, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận bằng hình thức phúc đáp trực tiếp về số dư tại thời điểm 30/6/2023 đối với các khoản mục như nợ phải thu ngắn hạn khách hàng 149,9 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 6,6 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 165,99 tỷ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 36 tỷ đồng …

Chính vì vậy, đơn vị kiểm toán không xác định được tính đúng đắn số dư của các khoản mục nói trên.

Thứ hai, tại khoản mục dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, Công ty VKC Holdings đã ước tính trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn là 72,58 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán không thu thập được các bằng chứng liên quan đến số tiền ước tính trích lập dự phòng. Đồng thời, các tài liệu hiện có tại Công ty VKC Holdings, kiểm toán không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận việc trích lập dự phòng có đầy đủ theo nguyên tắc “thận trọng” hay không.

Thứ ba, đối với khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn mô tả dòng tiền chi ra từ đợt phát hành trái phiếu đúng mục đích theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 8/12/2021 nhưng không đúng theo Bản công bố thông tin ngày 3/12/2021 với số tiền là 80,8 tỷ đồng, các khoản chi không đúng mục đích với số tiền 34,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong số tiền chi ra từ đợt thu của phát hành trái phiếu, Công ty có thực hiện đặt cọc 98,75 tỷ đồng để mua cổ phần Công ty TNHH Toccoo Việt Nam nhưng theo thuyết minh phải thu ngắn hạn và dài hạn khác, mô tả đến nay đã hết hạn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu nhưng Công ty VKC Holdings chưa hoàn tất các thủ tục để nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty TNHH Toccoo Việt Nam từ các bên nhận tiền đặt cọc.

Thứ tư, về khả năng hoạt động liên tục, tại thời điểm 30/6/2023, khoản lỗ luỹ kế 253,7 tỷ đồng, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 142,86 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty VKC Holdings có một số khoản nợ vay, trái phiếu và nợ tiền lãi vay, trái phiếu đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị 410,99 tỷ đồng.

Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty VKC Holdings”, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023.

VKC Holdings: Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022
Kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty cổ phần VKC Holdings (mã VKC – sàn HNX).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư