Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng lại rục rịch lên sàn
Thùy Vinh - 26/02/2019 09:11
 
Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, nhiều ngân hàng dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Lỡ hẹn trong năm ngoái, ngân hàng OCB đang quyết tâm sớm niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay. Ảnh: Đ.T
Lỡ hẹn trong năm ngoái, Ngân hàng OCB đang quyết tâm sớm niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay. Ảnh: Đ.T

Lỗi hẹn năm 2018

OCB, Nam A Bank, VietBank đã lỡ hẹn niêm yết và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM trong năm qua, cho dù các nhà băng này đã có kế hoạch cụ thể. HĐQT VietBank mới đây đã có thông báo đến cổ đông về việc gia hạn thời hạn lần 3 về việc chốt danh sách cổ đông để làm thể tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM theo quy định bắt buộc tại Thông tư 180/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

VietBank cũng đã thực hiện chốt danh sách cổ đông vào ngày 4/11/2018 để thực hiện các thủ tục đăng ký toàn bộ 324,9 triệu cổ phiếu của Ngân hàng, tương ứng tổng giá trị đăng ký 3.249 tỷ đồng. Trước đó, VietBank đã 2 lần gia hạn ngày chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đến cuối năm 2018, tổng tài sản của VietBank đạt 51.719 tỷ đồng, tăng 24,5% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 23,6%, đạt 35.187 tỷ đồng; cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng 78,7%, đạt 7.344 tỷ đồng. Huy động tiền gửi đạt 39.861 tỷ đồng, tăng 27,3%. Lợi nhuận trước thuế của VietBank năm qua đạt hơn 400 tỷ đồng, cao so với mục tiêu đề ra 300 tỷ đồng. Cuối năm 2018, VietBank có 444 tỷ đồng nợ xấu, tăng 14,4% so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của VietBank giảm từ 1,35% hồi đầu năm 2018 xuống còn 1,25% vào cuối năm qua.

Trong khi đó, OCB đã có kế hoạch niêm yết trong quý IV/2018, sau khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tại kỳ họp năm qua. Thế nhưng, do điều kiện thị trường chứng khoán cuối năm 2018 không mấy thuận lợi, nhà băng này lại hoãn lên sàn.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho hay, Ngân hàng sẽ xem xét tình hình để sớm niêm yết trong năm nay. Nhưng trước khi niêm yết, OCB sẽ chốt tỷ lệ bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Hiện room dành cho nhà đầu tư nước ngoại tại OCB còn khá lớn, vì chỉ có một quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn VinaCapital nắm tỷ lệ 5% tại nhà băng này.

Năm 2018, lãi trước thuế của OCB tăng gấp đôi, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, ngân hàng này có 1.288 tỷ đồng nợ xấu, tăng 49% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng đã tăng từ 1,79% lên 2,28%.

Niêm yết năm nay?

Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông chuẩn bị lên sàn UPCoM ngày 24/10/2018, song sau đó, ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank lại ký thông báo gửi cổ đông về việc thay đổi ngày chốt danh sách cổ đông để đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phiếu Nam A Bank trên hệ thống giao dịch UPCoM. Ngày chốt danh sách cổ đông mới để đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phiếu Nam A Bank trên hệ thống giao dịch UPCoM sẽ được HĐQT Nam A Bank thông báo đến cổ đông trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Nam A Bank đã chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, dự kiến diễn ra ngày 23/3 và kế hoạch niêm yết sẽ được trình cổ đông thông qua. Tổng giám đốc Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho hay, năm nay, Ngân hàng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chính thức và bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Hiện vốn điều lệ của Nam A Bank là 3.353 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế gần 750 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận cho năm nay là 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, LienVietPostBank lại muốn chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE. Ngân hàng này sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vào cuối tháng 3/2019 và chốt danh sách cổ đông vào ngày 28/2. Ngoài kế hoạch chuyển sàn, LienVietPostBank cũng có kế hoạch tăng vốn.

Hiện nay, ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên các sàn HoSE, HNX và UPCoM, hiện còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định của Thông tư số 180/2015/TT-BTC. Sau làn sóng lên sàn năm 2018 của một số ngân hàng, thị trường có vẻ im ắng hơn khi giá cổ phiếu “vua” có dấu hiệu điều chỉnh và hạ “nhiệt” cuối năm, khiến một số nhà băng chùn bước trong kế hoạch niêm yết cũng như đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.

Theo một nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã giảm so với đầu năm ngoái, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây. Nhưng với các cổ phiếu dự kiến chào sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà sẽ có sự phân hóa mạnh.

Lãnh đạo ngân hàng lên tiếng về kế hoạch lợi nhuận cao
Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, có những rủi ro khiến mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo 30% bình quân của các ngân hàng khó đạt được,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư