Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước bán khoảng 2 tỷ USD can thiệp tỷ giá trước áp lực đồng USD mạnh
Thanh Thuỷ - 23/12/2024 07:16
 
Một lộ trình giảm lãi suất “thận trọng hơn” của Fed đã gây ra biến động lớn tại hàng loạt thị trường. NHNN đã bán ra xấp xỉ 2 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối trước áp lực USD mạnh. Tuy vậy, nguồn dự trữ này không dư dả.

Loạt đồng tiền mất giá

Kết thúc cuộc họp cuối cùng trong năm 2024, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, như kỳ vọng của thị trường, đồng thời, đánh dấu lần giảm thứ ba liên tiếp trong năm nay.

Dù vậy, việc Fed phát đi tín hiệu giảm lãi suất “thận trọng hơn” trong năm tới đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh. Các thành viên FOMC chỉ dự báo sẽ có thêm hai lần giảm lãi suất, giảm đáng kể so với kỳ vọng 4 lần theo biểu đồ Dot plot từng công bố hồi tháng 9/2024. Cùng đó, Fed nâng dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát, cùng với việc giảm dự báo tỷ lệ thất nghiệp, cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư hiện đang đặt xác suất 94% rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 1/2025.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, ngay sau cuộc họp báo của Fed, chỉ số biến động VIX - thước đo mà các nhà đầu tư và nhà giao dịch sử dụng để đánh giá mức độ biến động dự kiến ​​trên thị trường chứng khoán dựa trên chỉ số S&P500 đã tăng vọt. Thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh, kéo dòng tiền tìm nơi trú ẩn khiến chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng vọt vượt mốc 108. Các biến động mạnh đã phần nào hạ nhiệt trong phiên giao dịch thứ Sáu khi thị trường đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt. Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn.

Chỉ số DXY lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022

Khép lại tuần thứ ba của tháng 12/2024, chỉ số DXY vẫn tăng tới 1,7%, đóng cửa tại 107,8 điểm – cao nhất kể từ tháng 11/2022. Hàng loạt đồng tiền chủ chốt và đồng tiền tại các thị trường mới nổi và cận biên mất giá. Đồng kiwi Newzealand, đồng đôla úc mất giá tới gần 2%.

Đồng euro cũng giảm 0,72% xuống mức 1 euro chỉ còn đổi được 1,043 đôla, có thời điểm chỉ đối được hơn 1,03 đôla. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Cuộc họp của ECB tuần trước đánh dấu lần thứ 4 giảm lãi suất trong năm. Dù ECB duy trì lập trường thận trọng về việc nới lỏng hơn, nhiều nhà phân tích tin rằng ECB có thể cần phải đẩy nhanh việc nới lỏng chính sách để hỗ trợ cho sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế khu vực này.

Tại thị trường châu Á, đồng yên Nhật là một trong các đồng tiền mất giá mạnh nhất khi tỷ giá USD/JPY tăng tới 1,7%, đưa cặp tiền tệ này xác lập mức cao nhất trong năm vào giữa tuần. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có tổng cộng 2 lần tăng lãi suất trong năm 2024. Trong quyết định chính sách tiền tệ tuần vừa rồi, BOJ đã chọn giữ nguyên lãi suất trong khi các số liệu lạm phát ủng hộ triển vọng thắt chặt hơn đối với chính sách tiền tệ. Tỷ giá tại một số quốc gia Đông Nam Á cũng tăng khá mạnh cho thấy sự mất giá đáng kể của nhiều đồng nội tệ tại các thị trường mới nổi và cận biên. Đồng Ringgit của Malaysia ghi nhận mức giảm sâu nhất, mất giá 1,33% so với đồng bạc xanh, đồng Rupiah của Indonesia cũng mức giảm 1,25%. Đồng won của Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng, giảm 0,74%.

Đồng nội tệ tại nhiều quốc gia giảm giá mạnh

Không nằm ngoài ảnh hưởng chung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần qua đã phải mạnh tay hơn trong điều hành tỷ giá trung tâm khi tăng tổng cộng 60VND/USD lên 24.324 VND/USD. Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì trạng thái yết cao kịch biên độ cho phép so với tỷ giá trung tâm (+5%). Các nhà băng bán ra ở mức 25.540 VND/USD trong khi phần lớn mua vào quanh 25.240 VND/USD, tăng 63 VND/USD so với cuối tuần trước. Mức tăng 0,0247% tuần qua vẫn còn rất khiêm tốn khi nhìn vào các cặp tiền tệ khác.

Tính chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 4,6%. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia lớn, đồng tiền mất giá sâu như  đồng won Hàn Quốc (11,6%), đồng yên Nhật (10,85%).

Dư địa can thiệp bằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam không quá nhiều

Áp lực từ đồng USD mạnh gây sức ép lên tỷ giá trong nước. Hồi giữa tháng 4/2024, NHNN đưa ra thông điệp sẵn sàng bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tuần qua đã nhanh chóng vượt mốc “can thiệp” (25.450 VND/USD). Theo tính toán của ông Đinh Quang Hinh, NHNN đã phải bán ra khoảng 2 tỷ đô la dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree, cũng cho rằng có xấp xỉ 2 tỷ USD bán ra trong ba phiên từ thứ Tư đến thứ Sáu. Chênh lệch giữa lãi suất bằng VND và USD vẫn sẽ là nguyên nhân gây áp lực rất lớn đến tỷ giá. Trường hợp áp lực trên tiếp tục duy trì, các giải pháp NHNN có thể đưa ra hoặc là phải tăng lãi suất hoặc bán USD ra thị trường. Trong khi Chính phủ muốn duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, lựa chọn hiện tại là bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, với tốc độ mà bán USD tuần qua, ông Khang cho rằng dư địa để NHNN tiếp tục bảo vệ tỷ giá sẽ không còn nhiều. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, với kim ngạch nhập khẩu đến 14/12 đạt gần 361 tỷ USD, giá trị bình quân mỗi tuần nhập khẩu 7,35 tỷ USD. Trong khi, theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, quy mô dự trữ ngoại hối phải tương đương từ 12 - 14 tuần nhập khẩu.

“Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam không quá dư dả. Chưa kể, dự trữ ngoại tệ còn bao gồm nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ mua trước đây nếu bán ra ở thời điểm hiện tại có thể phải ghi nhận một khoản lỗ. Giá trị USD NHNN có thể bán ra can thiệp quanh khoảng 10-15 tỷ USD hoặc thấp hơn”, ông Khang cho hay.

Tuy vậy, chuyên gia từ Pinetree cũng nhấn mạnh lượng USD bán ra tuần qua tăng vọt ngoài do áp lực từ bên ngoài còn có thể đến nhu cầu đột biến. Rủi ro tỷ giá khá lớn và khó đoán trong cuối năm nay và năm 2025 khi có nhiều biến số từ các yếu tố bên ngoài. Trong giai đoạn trước Tết Nguyên Đán, nguồn cung kiều hối thường tương đối mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất siêu đến 14/12 đạt 23,4 tỷ USD, thấp hơn cùng kỳ. Theo ước tính của cơ quan này, xuất siêu cả năm đạt trên 23,5 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu khá tích cực với kim ngạch cả năm dự kiến sẽ xác lập kỷ lục mới. Giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đến ngày 14/12 đạt gần 745,4 tỷ USD và dự báo cả năm có thể đạt 782 tỷ USD. 

Thị trường chứng khoán khó giảm sâu hơn

 VN-Index chỉ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,4% trong tuần giao dịch vừa qua, nhưng áp lực thực tế mà giới đầu tư chứng khoán phải trải qua lớn hơn nhiều khi đã có thời điểm lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm.

Theo chuyên gia phân tích từ Pinetree, rủi ro tỷ giá là có và là nguyên nhân khiến VN-Index giảm điểm tuần qua. Từ nay đến cuối năm, VN-Index khó chinh phục được vùng 1300 điểm. Đây là ngưỡng kháng cự chưa thể vượt qua trong năm 2024 dù có tới 5-6 lần tiến sát. Tuy nhiên, thị trường khó giảm sâu hơn nữa và có thể hồi phục trở lại vùng 1262-1267 điểm trong tuần này.

Ông Hinh kỳ vọng việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá, đặc biệt là việc Fed thận trọng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 do những bất định trong chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump. Điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi. Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm.

Vàng đối diện áp lực từ USD mạnh, giữ mốc 2.600 USD/ounce nhờ PCE hạ nhiệt
Áp lực từ USD mạnh kéo giá vàng tụt sâu tuần qua nhưng số liệu PCE hạ nhiệt kéo giá vàng hồi phục cuối tuần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư