Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng “ôm” nợ xấu hét giá cao
Thùy Liên - 01/12/2017 08:40
 
Nhiều ngân hàng đòi bán nợ xấu với giá nợ gốc, thậm chí còn thêm một phần lãi, giấu giếm hồ sơ về khoản nợ, khiến nhà đầu tư “chạy không ngoảnh lại”. Đây là một trong những lý do khiến thị trường nợ Việt Nam chưa thể hình thành.
TIN LIÊN QUAN

Ém hồ sơ, đòi giá cao

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia kinh tế cho hay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhờ ông “mai mối” mua lại một số dự án bất động sản vướng vào nợ xấu tại Việt Nam. Thế nhưng, sau khi được giới thiệu sang làm việc với ngân hàng, các nhà đầu tư đều bỏ chạy bởi hầu hết ngân hàng đòi bán nợ xấu với giá gốc.

Nợ xấu ngân hàng vẫn đang là bài toán khó, khi thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành. Ảnh: Đức Thanh
Nợ xấu ngân hàng vẫn đang là bài toán khó, khi thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành. Ảnh: Đức Thanh

Không chỉ đòi giá cao, nhiều ngân hàng vẫn chưa có thói quen chuẩn bị hồ sơ bán nợ chu đáo để chào hàng cho đối tác. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nêu ví dụ, ông đã giới thiệu một nhà đầu tư Singapore cho giám đốc chi nhánh một ngân hàng để bán lại khoản nợ là một dự án có tổng giá trị 700 tỷ đồng. Ông yêu cầu ngân hàng chuẩn bị kỹ hồ sơ vài trăm trang cho nhà đầu tư nghiên cứu. Thế nhưng, sau đó, ông chỉ nhận được hồ sơ về khoản nợ dài… nửa trang A4.

Ông Vi Tuấn Hiệp, Chánh văn phòng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thừa nhận một thực tế khá buồn cười hiện nay: “Nói là bán nợ theo giá thị trường, nhưng gần như 100% tổ chức tín dụng đòi hỏi giá bán không thấp hơn nợ gốc, thậm chí phải có cả lãi. Đây là đòi hỏi rất khó, vì nợ xấu thường rất khó thu hồi được đủ gốc, chưa nói đến lãi”.

Cũng theo ông Hiệp, nhiều tổ chức tín dụng muốn giấu thông tin về khoản nợ xấu. Nguyên nhân là, rất nhiều tài sản đảm bảo nợ xấu thiếu hồ sơ pháp lý hoặc chỉ “đẹp” trên giấy tờ, trong khi thực tế, tài sản đó đã bị lấn chiếm, đang tranh chấp…

Chính vậy, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới thị trường nợ chưa thể hình thành hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía người bán. Bên bán muốn giá cao, bên mua muốn giá thấp, khiến hai bên không thể gặp nhau.

Để giải quyết khúc mắc này, theo các chuyên gia kinh tế, cần phải có các công ty định giá độc lập chuyên nghiệp. Mức giá mà các công ty đưa ra với từng khoản nợ phải sát với thị trường, thì tỷ lệ giao dịch thành công mới cao.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, việc định giá sát giá trị khoản nợ khiến nợ xấu được xử lý rất nhanh, tỷ lệ thu hồi nợ xấu đạt tới 50%. Trong khi đó, Trung Quốc định giá nợ xấu quá cao, khiến tỷ lệ thu hồi chỉ đạt 30%.

Xây chuẩn cho nợ xấu để bán lên sàn

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo VAMC cho biết, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hiện vẫn quan tâm mua nợ xấu Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin còn rời rạc, thiếu minh bạch, khiến nhà đầu tư e ngại.

“Việt Nam chưa xây dựng được khung pháp lý đủ mạnh, có tính răn đe trong việc yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch trong cung cấp thông tin và cũng chưa có khung pháp lý bảo vệ nhà đầu tư. Đây là điểm yếu lớn nhất trong việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam”, PGS-TS Đào Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, hiện nay, không chỉ tổ chức tín dụng giấu thông tin, mà cơ quan quản lý cũng không minh bạch về vấn đề này. Một khi thông tin chưa minh bạch, nhà đầu tư không thể dám xuống tiền.

Chính vì vậy, trước đề nghị chứng khoán hóa nợ xấu, lập sàn giao dịch nợ xấu của một số chuyên gia, bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng, muốn đưa lên sàn, trước tiên, hàng hóa (ở đây là nợ xấu) phải được quy chuẩn và minh bạch.

“Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2020 xử lý nợ xấu triệt để, song nếu không có hoạt động mua - bán nợ xấu đúng nghĩa thì xử lý nợ xấu vẫn chỉ là định hướng. Xây dựng sàn bán nợ là một giải pháp hay, song nếu nợ xấu không được chuẩn hóa, thì dù có mang lên sàn cũng chẳng ai dám mua. Chứng khoán hóa nợ xấu là công cụ vừa rủi ro, vừa phức tạp, nên cần phải nghiên cứu kỹ”, PGS-TS Mùi khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư