Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêm điểm ngân hàng tuần qua:
Ngân hàng phân hóa lợi nhuận; Băn khoăn độc quyền vàng; Tăng kênh bơm vốn cho bất động sản
T.L - 28/01/2024 10:40
 
Các ngân hàng rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, tín dụng vẫn chật vật tăng trưởng, không nên độc quyền vàng, mở rộng kênh bơm vốn cho bất động sản... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Ngân hàng “gia cố bộ đệm” chi phí dự phòng rủi ro

Với việc nợ xấu của hầu hết các ngân hàng tăng trong quý IV/2023, các nhà băng mạnh tay trích dự phòng và kỳ vọng được gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Chất lượng tín dụng của BaoVietBank đi lùi khi nợ xấu lên đến 1.654 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023, tăng 49% so với đầu năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 3,34% đầu năm lên 4%. Nhà băng này trích dự phòng rủi ro đến 91%, với 1.072 tỷ đồng, nên lãi trước thuế chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu của Saigonbank tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm 2023. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 2,12% đầu năm xuống còn 2,03%.

Tại BacABank, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm. Điều này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92%, song đây được xem là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp trong hệ thống hiện nay.

Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3 lần, nợ nghi ngờ gấp 2 lần đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.

Chất lượng nợ vay của TPBank đi lùi khi tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, gấp 3 lần đầu năm. Đáng chú ý, tất cả nhóm nợ xấu đều tăng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,05%.

Tại Techcombank, đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng tăng 23,3% so với đầu năm, lên 518.642 tỷ đồng. Tổng nợ xấu của ngân hàng này là 5.999 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 105,8%, lên 1.857 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 144%, lên 2.762 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 38%, lên 1.380 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, kết thúc tháng 12/2023, tại ngân hàng này, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu, với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Trước đó, theo báo cáo tài chính quý III/2023, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank tăng từ 0,68% (cuối năm 2022) lên 1,21% (tháng 9/2023). So với các ngân hàng thương mại khác, đây là con số nhỏ, nhưng so sánh biến động qua các thời kỳ của Vietcombank, thì đây là con số lớn nhất và mục tiêu trọng tâm trong năm 2024 là kiểm soát tốt nợ xấu.

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu tại BIDV có chuyển biến tích cực, hết năm 2023 chỉ còn 1,1%. Agribank cũng duy trì nợ xấu ở mức dưới 2% và đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức thấp trong năm nay.

VietinBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý IV/2023, thậm chí xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%, trong khi cuối quý III/2023 là 1,37% và cuối năm 2022 là 1,24%.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, việc xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng do các doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. VietinBank đã tăng trích lập dự phòng và độ bao phủ nợ xấu, nên lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng năm 2023 chỉ hoàn thành chỉ tiêu, ở mức 22.500 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng III/2023, Vietcombank, VietinBank, BIDV nằm trong số 5 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Những ngân hàng này cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu dẫn đầu ngành. Trong đó, Vietcombank giữ vị trí quán quân với mức 280%, VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận ở mức 160% và 192%.

Trong bối cảnh nợ xấu nhiều ngân hàng có xu hướng tăng vào cuối quý III/2023, Techcombank đã “gia cố bộ đệm” chi phí dự phòng rủi ro trong quý IV/2023 lên 1.634 tỷ đồng, tăng 136,5% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Ngân hàng tăng lên mức 102%.

Tương tự, LPBank cho hay, nhờ quyết liệt xử lý nợ xấu trong quý IV/2023, tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (1,45%) và thấp hơn nhiều so với quý III/2023. Kết quả này đưa LPBank lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành tính đến cuối năm 2023. tra

Theo dữ liệu Wigroup, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, lên trên ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm xuống dưới 100%, thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng không còn nhiều “của để dành” để trích lập dự phòng và ưu tiên hơn cho lợi nhuận.

Trong khi đó, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học kinh tế TP.HCM) cho rằng, mức nợ xấu nói trên chỉ mới là con số công bố và các ngân hàng chưa xét tới việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2023. Lúc đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể tăng đột biến bởi các khoản nợ bắt đầu nhảy nhóm. Điều này có thể gây ra một cú sốc tâm lý với nhà đầu tư và người dân, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống ngân hàng khi nhà đầu tư lo lắng và bán tháo cổ phiếu ngân hàng. 

GS-TS Trần Thọ Đạt: Cần gia tăng quỹ dự trữ vàng nếu muốn giữ độc quyền vàng miếng SJC

Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước tiếp tục độc quyền vàng miếng SJC, GS-TS Trần Thọ Đạt cho rằng cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng can thiệp tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS-TS Trần Thọ Đạt nhận định, Công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ ra đời vào ngày 27/12/2023 rất đúng lúc, nhất là trong lúc thị trường vàng trong nước so với thị trường vàng quốc tế có sự biến động rất mạnh về giá. 

Nội dung công điện đã đặt ra yêu cầu không để tình trạng chênh lệch giá vàng miếng giữa thị trường trong nước và giá vàng quốc tế ở mức cao như trong thời gian vừa qua. Theo số liệu thống kê và quan sát của ông, trong, trước và sau Nghị định 24, ở Việt Nam có hai loại chênh lệch giá vàng.

Trước hết là chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu 24K (tức là vàng 9999) với giá vàng thế giới và chênh lệch giữa giá vàng SJC so với giá vàng 9999. Số liệu thống kê cũng cho thấy, giá vàng nguyên liệu 24K so với giá vàng thế giới thường không chênh lệch nhiều ở 12 năm qua. Vấn đề đáng nói là công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC là quá cao. Lúc giá vàng SJC lên đỉnh điểm 80 triệu thì mức chênh lệch khoảng 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đây là một điều rất bất hợp lý.

"Hai vấn đề cũng rất quan trọng trong công điện 1426 là dứt khoát không để quay lại tình trạng vàng hóa và không để giá vàng biến động, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi nghĩ rằng đây là một sự nhắc nhở đối với cơ quan điều hành chính sách quản lý tiền tệ và thị trường vàng là không được chủ quan với 2 nội dung này".

GS-TS Trần Thọ Đạt cũng khẳng định, Nghị định 24 đã có những thành công rất lớn trong việc ngăn chặn cũng như chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam 12 năm qua. Theo vị chuyên gia này, mức độ tương quan biến động của giá vàng so với tỷ giá và lạm phát là rất thấp.

“Tôi cho rằng đây là kết quả rất đáng ghi nhận của Nghị định 24 trong việc góp phần ổn định an toàn của nền tài chính quốc gia, ổn định các biến số của nền kinh tế vĩ mô. Vấn đề cần quan tâm ở đây là sự chênh lệch giữa vàng miếng SJC với giá vàng quốc tế hiện nay đang ở mức rất cao thì công điện cũng chỉ rõ nguyên tắc là phải điều hành theo cơ chế thị trường, phải khơi thông cung - cầu. Và đặc biệt, thị trường vàng trong nước phải liên thông, bảo đảm phù hợp với biến động của giá vàng thế giới”, GS-TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Định hướng về giải pháp ở đây rất rõ ràng nhưng câu hỏi khó là cách làm.

GS-TS Trần Thọ Đạt cho rằng, cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước. Một giải pháp được ông đưa ra là trong trường hợp ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng can thiệp tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá cả thế giới để bình ổn giá. Điều này tương tự như một quỹ bình ổn giá.

Để làm được vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng dự trữ vàng, sẵn sàng dùng ngoại tệ để can thiệp vào thị trường vàng, mua vàng khi giá vàng SJC biến động bất thường.

Thứ hai, theo GS-TS Trần Thọ Đạt, cần phải mở rộng các cái nhà cung cấp vàng miếng bằng cách cho phép các doanh nghiệp khác có đủ điều kiện kinh doanh được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và kinh doanh vàng miếng nhưng phải đảm bảo chất lượng tương tự như SJC.

Khi đó, theo chuyên gia, giá vàng miếng SJC sẽ không thể cao hơn một cách bất thường so với giá giá vàng thế giới được, vì đây là theo quy luật cung cầu của thị trường, khi có cầu thì phải có nguồn cung cấp lớn. Giá cả khi đó sẽ bám sát với giá vàng thế giới và thị trường trong nước.

BVBank: Mạnh tay trích dự phòng khiến lợi nhuận 2023 bị ảnh hưởng

ngân hàng Bản Việt - BVBank công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023, ghi nhận một số kết quả tích cực sau nhiều nỗ lực trong hoạt động bán lẻ, trước bối cảnh nền kinh tế nhiều thách thức. Huy động vốn và dư nợ cho vay tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản BVBank đạt gần 88.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm cuối năm 2022, vượt kế hoạch 86.600 tỷ đồng. Tổng huy động tăng gần 10%, đạt 79.700 tỷ đồng, trong đó, quy mô huy động vốn từ Khách hàng cá nhân và các tổ chức kinh tế đạt gần 67.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng tại thời điểm ngày 31/12/2023 đạt gần 58.000 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ.

Năm 2023, BVBank bước đầu chuyển dịch thành công sang phân khúc cho vay khách hàng cá nhân. Nếu trong giai đoạn 2019-2022, tỷ trọng cho vay cá nhân trung bình chỉ chiếm 54% trong tổng dư nợ, sang đến năm 2023, con số này đã lên đến 70%. Thành công từ mô hình ngân hàng bán lẻ cùng khả năng hồi phục nhanh chóng giúp thu nhập quý IV khởi sắc trở lại.

BVBank thể hiện khả năng phục hồi nhanh chóng trong quý cuối năm, trong đó, tổng thu nhập quý IV/2023 tăng tốc trở lại so với 3 quý đầu năm. Tính riêng quý IV/2023, tổng thu nhập của BVBank đạt 513 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và tăng 12% so với quý III/2023.

Kết thúc năm, ngân hàng ghi nhận tổng thu nhập đạt 1.755 tỷ đồng, giảm nhẹ 8% so với năm 2022. Tổng thu nhập giảm nhẹ chủ yếu đến từ tình hình chung. Trước tình hình kinh doanh của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vẫn hiện hữu nhiều khó khăn, cùng với việc BVBank thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua đẩy mạnh ưu đãi về lãi suất và thực hiện các biện pháp giảm lãi đã dẫn đến thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng.

Theo đó, năm 2023, thu nhập lãi thuần đạt gần 1.500 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước. Tuy vậy, việc tiên phong đưa ra các gói vay ưu đãi đã giúp BVBank sớm thành công tăng trưởng quy mô khách hàng, khi tổng số lượng khách hàng đã tăng gấp đôi so với 2021. Kết quả, quý IV/2023, thu nhập lãi thuần tăng tốc trở lại, đạt 428 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ và tăng 8% so với quý 3, trở thành cơ sở giúp ngân hàng vững tin về kết quả kinh doanh phục hồi trong năm 2024.

Về thu nhập ngoài lãi, kết thúc năm, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 54 tỷ đồng, giảm 48% so với 2022 do ảnh hưởng từ nguồn thu từ bảo hiểm liên kết. Nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối đạt 22 tỷ đồng, giảm 48% chủ yếu do bối cảnh thị trường. Năm 2023, ngân hàng lãi 122 tỷ đồng nhờ doanh số mua bán trái phiếu (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) tăng gần gấp đôi. Bên cạnh đó, nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh khác cũng khởi sắc, đạt 78 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2022.  

Chi phí hoạt động trong năm 2023 tăng 14% lên mức 1.407 tỷ đồng, riêng trong quý IV, chi phí hoạt động tăng 28%. Mức tăng này chủ yếu do chi phí đầu tư vào mở rộng mạng lưới với số lượng đơn vị kinh doanh tăng gần 50% so với 5 năm trước đó nhằm tăng hiện diện tại các địa bàn để thúc đẩy kinh doanh bán lẻ.

Bên cạnh đó, năm 2023, BVBank đánh dấu bước chuyển mình với việc thay đổi nhận diện thương hiệu trên 31 tỉnh, thành phố và song song với đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số, gia tăng trải nghiệm khách hàng qua ngân hàng số Digimi, ra mắt ngân hàng số cho doanh nghiệp Digibiz với hàng loạt các tính năng mới khiến chi phí tăng cao. 

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng, BVBank đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý cuối năm, với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 135 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần 280 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt gần 72 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2022.

Sở dĩ chi phí dự phòng của BVBank tăng cao trong năm qua, do chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 ghi nhận 1.915 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,79% lên 3,31% tính đến cuối năm 2023. 

ACB hoàn tất chỉ tiêu kinh doanh năm 2023, nợ xấu kiểm soát mức 1,21%

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20 nghìn tỷ, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu của ACB kiểm soát ở mức 1,21% đến cuối năm 2023.

ACB cho biết, năm 2023, vượt qua những khó khăn của thị trường, ngân hàng hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20 nghìn tỷ, tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất ngành. Kết quả này chứng minh năng lực thích ứng và sự linh hoạt với những chuyển biến liên tục của thị trường cũng như tuân thủ nghiêm túc các định hướng điều hành của NHNN và Chính phủ.

Kết quả, năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm.

Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488 nghìn tỷ, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn.

ACB cũng triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của NHNN thông qua Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1,9 nghìn tỷ; hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2,2 nghìn tỷ đồng.

Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và về đích với mức 22%, đứng TOP 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của ACB tăng lên mức 1,21% trong năm 2023. Tuy nhiên, ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường.

Đồng thời, ACB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III. Ngân hàng đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.

ACB tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%). Không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiệu quả và an toàn, ACB cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu chi phí. Năm 2023 ghi nhận chi phí hoạt động của ACB giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.

Năm 2023, ACB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động chuyển đổi số. Khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo đúng định hướng xã hội không tiền mặt của Chính phủ. Có thể kể đến ứng dụng ngân hàng số ACB ONE, hệ thống ngân hàng tự động ACB Lite, các giải pháp thanh toán cho doanh nghiệp như ACB One Connect, website được nâng cấp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, và là một trong số ít các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán liên kết với Apple Pay tại Việt Nam,….

Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022, trong đó 63% khách hàng mới đến từ kênh online. ACB cũng được Visa trao tặng 9 giải thưởng ghi nhận những nỗ lực vượt bậc và thành tích kinh doanh Thẻ xuất sắc của ACB trong năm 2023.

Những thành công trong năm 2023 là kết quả do ACB thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, sáng tạo và trẻ hóa hình ảnh thương hiệu cũng như dẫn đầu nhiều xu hướng dịch vụ tài chính trên thị trường trong khi vẫn liên tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro hoạt động. Năm 2024, ACB sẽ tiếp tục chuyển đổi toàn diện hướng đến mục tiêu là một trong những ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hàng đầu Việt Nam.

Những thành công trong năm 2023 là kết quả do ACB thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, sáng tạo và trẻ hóa hình ảnh thương hiệu cũng như dẫn đầu nhiều xu hướng dịch vụ tài chính trên thị trường trong khi vẫn liên tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro hoạt động. Năm 2024, ACB sẽ tiếp tục chuyển đổi toàn diện hướng đến mục tiêu là một trong những ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hàng đầu Việt Nam.

Trong năm 2023, cả hai tổ chức Fitch và Moody’s đều xếp hạng triển vọng ổn định (outlook stable) đối với ACB dựa trên đánh giá về hoạt động kinh doanh, chất lượng tài sản vững chắc, khả năng sinh lời tốt và năng lực quản trị rủi ro cao. Tháng 12/2023, Fitch Ratings đã nâng Xếp hạng hỗ trợ Chính phủ (GRS) của ACB từ mức “b+” lên “bb-”. Hành động này phản ánh quan điểm của Fitch Ratings về khả năng cải thiện của nhà nước trong việc hỗ trợ ngân hàng trong những thời điểm cần thiết.

Đầu tháng 01/2024, ACB chính thức triển khai gói tín dụng xanh/xã hội 2.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội. Năm 2023, ACB là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo phát triển bền vững riêng tại Việt Nam. Đồng thời, ngân hàng này đã chiến thắng hạng mục giải Ngân hàng có định hướng ESG tốt nhất Việt Nam 2023 (Best ESG Banking Strategies - Vietnam 2023). 

MSB: Tín dụng tăng 22,45%, tổng thu nhập hoạt động tăng 15%

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE:MSB) ghi nhận lợi nhuận năm 2023 tăng nhẹ so với năm 2022, chất lượng tài sản ổn định. Trong bối cảnh thị trường biến động, MSB hướng tới đa dạng hóa nguồn thu và tập trung phát triển các dự án số.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của MSB đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tăng trưởng tín dụng đạt 22,43% thuộc nhóm cao nhất ngành, với danh mục tín dụng được phân bổ đa dạng, tập trung những ngành cốt lõi của nên kinh tế, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả sử dụng vốn. ngân hàng cũng giảm dần tỷ lệ cho vay bất động sản trong danh mục cho vay khách hàng doanh nghiệp khi tỷ trọng này giảm từ mức 13,5% năm 2022 xuống 12,2% năm 2023.

Bên cạnh đó, mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận tăng trưởng 20%, từ mốc 31,6 nghìn tỷ đồng cuối năm 2022 lên 37,9 nghìn tỷ đồng kết thúc năm 2023 với 96% tổng danh mục là Trái phiếu Chính phủ và Trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành. Sau khi hiện thực hóa lợi nhuận một phần lớn danh mục Trái phiếu chính phủ trong năm 2022, MSB thiết lập lại danh mục đầu tư mới và tiếp tục gia tăng nguồn thu cho năm 2023.

Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2023 là trên 132 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ; tiền gửi từ khách hàng cá nhân luôn ở mức cao, đạt xấp xỉ 76 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 57% tổng danh mục, tăng 26% so với cùng kỳ; số dư CASA chiếm 26,54% tổng huy động vốn. Dù biến động lãi suất quý cuối năm 2022 và trong năm 2023 dẫn tới xu hướng giảm của CASA trên toàn thị trường, MSB giữ vị trí top 4 ngân hàng có chỉ số này cao nhất ngành. Vị thế này cũng khẳng định sự bắt nhịp nhanh chóng và phù hợp của sản phẩm MSB với thị hiếu người dùng cũng như khả năng thu hút tốt khách hàng sử dụng dịch vụ.

Về kết quả hoạt động, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của MSB năm 2023 đạt xấp xỉ 12,3 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 15% so với năm 2022 với thu nhập lãi thuần và thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đều tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,6 nghìn tỷ. Lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối cũng tăng nhẹ 7% so với năm trước, đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.

Kết thúc 2023, tổng thu thuần của MSB tăng trưởng 15%, cao hơn mức 9% của chi phí hoạt động, đưa chỉ số chi phí/doanh thu (CIR) của Ngân hàng xuống mức 39,16%, thấp hơn 2,23 điểm % so với cuối năm 2022. Đây cũng là kết quả từ các Dự án số hóa mà MSB đầu tư trong các năm gần đây.

Từ những kết quả trên, cùng với việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động trong tình hình biến động của thị trường chung, MSB đạt mức lợi nhuận trước thuế cho năm 2023 là 5.830 tỷ đồng.

Về các chỉ số an toàn hoạt động, thanh khoản MSB duy trì ổn định và ghi nhận số liệu tích cực với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) đạt 67,55%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (MTLT) chỉ 24,87%. Tỉ lệ nợ xấu NPL riêng lẻ giữ mức 1,77% trước CIC và 1,94% sau CIC, nợ cơ cấu Covid-19 chỉ còn 86 tỷ đồng, thể hiện sự nỗ lực của ngân hàng trong việc kiểm soát nợ xấu để củng cố sức mạnh bảng cân đối trước tác động của thị trường. Chỉ số an toàn vốn hợp nhất (CAR) của MSB tăng lên mức 12,76% từ mức 12,33% cuối năm 2022.

Lãi suất giảm, tín dụng không dễ tăng

Lãi suất cho vay đã giảm, song trong bối cảnh sức mua còn yếu, đầu ra sản phẩm thu hẹp, doanh nghiệp chưa mấy mặn mà vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Tuy được cấp hết hạn mức tín dụng 15% ngay đầu năm, song các ngân hàng cho hay, trong hơn 3 tuần của tháng 1, tín dụng khó tăng cao, bởi những doanh nghiệp có nhu cầu nhập hoặc dự trữ hàng phục vụ Tết đã vay trong tháng cuối năm 2023. Các doanh nghiệp khác chưa mặn mà với việc sử dụng vốn vay khi sức mua khó tăng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định, tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn phức tạp. Trong bối cảnh kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, dù lãi suất giảm, doanh nghiệp cũng chưa biết vay để làm gì, nếu không có thêm giải pháp để kích cầu thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Ngay cả với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa ở lĩnh vực thiết yếu như Thành Thành Công, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn nhìn nhận, sức mua thị trường nội địa còn yếu, kể cả trong thời điểm cận Tết Nguyên đán. Do đó, để nền kinh tế hấp thu được 2 triệu tỷ đồng tín dụng năm nay, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thì doanh nghiệp mới vượt qua được giai đoạn khó khăn, gia tăng cầu vốn tín dụng.

“Sức tiêu thụ giảm kéo dài, hàng tồn kho tăng lên, sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong năm 2024, thì doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh, tăng quy mô hoạt động, nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thành nói và cho rằng, giải pháp kích cầu trong nước là giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng không nên giảm tiền thuế phải nộp, mà giảm qua voucher (phiếu mua hàng, phiếu quà tặng), để kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cũng cho rằng, bức tranh kinh tế thế giới năm 2024 chưa hết khó khăn khi tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông còn phức tạp, đẩy chi phí logistics của doanh nghiệp xuất khẩu lên cao. Thêm vào đó, sức mua thị trường chưa cải thiện sẽ là rào cản đối với việc đẩy mạnh tăng trưởng cho vay. 

Thực tế, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 3 quý đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 6,9%, nhưng cả năm đạt 13,71%. Như vậy, chỉ trong quý cuối năm, tín dụng tăng đến 6,81%, gần bằng 3 quý đầu năm. Riêng trong tháng cuối năm, tín dụng đã tăng thêm 4,56%, nhảy vọt từ mức 9,15% vào cuối tháng 11/2023 lên 13,71%.

So với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn về dưới 2%/năm. Có thể nói, chưa bao giờ ngân hàng chạy đua giảm lãi suất cho vay như hiện nay. Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đang áp dụng lãi suất cho vay mua nhà trong năm đầu từ 6,5 đến  8,5%/năm (BIDV áp dụng lãi vay từ 6,5%/năm, Vietcombank từ 6,7%/năm, Agribank từ 7%/năm và VietinBank từ 6,4%/năm).

Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay còn cạnh tranh hơn. BVBank điều chỉnh lãi vay giảm 0,5 - 1%/năm, xuống còn 5%/năm và 6,5%/năm. VPBank cho vay với lãi suất 5,9%/năm, thời gian cho vay 25 năm. ACB áp dụng lãi vay mua nhà khoảng 7 - 8%/năm hoặc cố định 9%/năm trong 2 năm đầu tiên…

Thậm chí, Sacombank tăng nguồn vốn gói tín dụng tăng tốc sản xuất - kinh doanh dành cho doanh nghiệp lên đến 30.000 tỷ đồng, với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 -12 tháng, triển khai đến hết ngày 31/1/2024. Với cá nhân, ngân hàng này có gói tín dụng 45.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, mua xe ô tô, sắm sửa, đổi mới đồ dùng gia đình dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Thế nhưng, ông Hà Văn Trung, Phó tổng giám đốc Sacombank nhận định, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá thấp. Theo thông lệ, trong tháng Tết, sức hấp thụ vốn tốt, nhưng hiện vẫn khá chậm. Thực trạng này phù hợp với kết quả khảo sát tình hình kinh doanh quý I/2024 gần đây của Cục Thống kê TP.HCM, với chỉ 21,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 43,5% dự báo giữ ổn định và 34,6% cho là khó khăn hơn.

Đối với các ngân hàng nước ngoài, xuất hiện cuộc đua giảm lãi suất cho vay. UOB cho vay mua nhà với lãi suất 6%/năm; Shinhan Bank áp dụng lãi suất ưu đãi 6,6%/năm cố định 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tối đa là 70% cho kỳ hạn vay 30 năm; còn lãi suất cố định 1 năm có mức 6,8%/năm, cố định 2 năm là 7,4%/năm, 3 năm là 8%/năm...

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cho hay, tuy các cơ quan quản lý và ngành ngân hàng đã hết sức nỗ lực triển khai, áp dụng nhiều công cụ và giải pháp, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, kể cả với lãi suất cho vay cá nhân, nhưng tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu vay và năng lực vay vốn của khách hàng suy giảm so với trước, một số không đáp ứng được điều kiện vay, số khác có tâm lý trì hoãn hoặc không muốn vay vì e ngại rủi ro, kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm thêm.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay năm 2023 đã giảm khoảng 2% so với năm 2022, về mức thấp hơn trước năm 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Một trong những nhiệm vụ được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành đầu năm 2024 là yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, đơn giản thủ tục, hạ lãi suất cho vay.

Đẩy các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản

Hàng chục ngân hàng tham gia làn sóng hạ lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được khơi thông, thị trường chứng khoán khởi sắc… Các kênh bơm vốn cho thị trường bất động sản đang được kỳ vọng ấm trở lại.

Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động. Đây được coi là một trong những nỗ lực của ngành ngân hàng để đẩy vốn ra nền kinh tế. Theo các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm để hỗ trợ phục hồi kinh tế. 

Thanh khoản dồi dào, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân được dự báo duy trì ở vùng thấp 4,5-5%/năm trong năm 2024. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân cũng được dự đoán sẽ giảm thêm 0,5-1%.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay mua nhà tại nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã giảm 1-1,5% so với cuối năm ngoái.  

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tín dụng 15% ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch tăng trưởng, các ngân hàng đang trong cuộc đua cạnh tranh tìm khách hàng vay vốn. bất động sản là một trong các trọng tâm được ngành ngân hàng nhắm tới, vì đây là lĩnh vực có cầu vốn cao, sức hấp thụ vốn tốt.

Ngoài diễn biến tích cực của lãi suất, thị trường trái phiếu cũng có sự khởi sắc. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong nửa đầu tháng 1/2024, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được công bố. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra khá nhộn nhịp.

Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành được ghi nhận gần 334.000 tỷ đồng, với 29 đợt phát hành ra công chúng và 316 đợt phát hành riêng lẻ. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 22,5%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện bất động sản có 6 kênh hút vốn chính là: ngân sách nhà nước, khách hàng, nguồn vốn tín dụng bảo lãnh, cho thuê tài chính, vốn tự có và vốn góp, huy động từ thị trường vốn và nguồn vốn từ nước ngoài. Trong đó, kênh tín dụng nhà ở và bất động sản khu công nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng.

“Bất động sản đã qua thời kỳ khó khăn nhất. Vốn cho lĩnh vực này vẫn chảy đều. Việc ngân sách nhà nước giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% từ đầu năm và giảm trọng số rủi ro với bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội (Thông tư 22 /2023/TT-NHNN ngày 29/12/2023) sẽ hỗ trợ lớn cho tín dụng bất động sản năm nay”, TS. Cấn Văn Lực nhận định. 

Từ cuối năm ngoái đến nay, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Những điểm mới của các bộ luật này sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho thị trường bất động sản, từ đó đẩy mạnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực này.

Cũng nhận định như vậy, nhưng ông Lê Viết Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho rằng, trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng. Năm 2023, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn nợ đã giúp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Ông Hải kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục kéo dài chính sách này.

Gia hạn nợ, giãn nợ cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp bất động sản. Cầu vay vốn của doanh nghiệp bất động sản rất lớn, song với khó khăn pháp lý hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được vốn. Chính vì vậy, giãn nợ, kéo dài thời gian gia hạn nợ - với nhiều doanh nghiệp - còn quan trọng hơn cả tiếp cận tín dụng mới.

Việc gia hạn Thông tư 02/2013/TT-NHNN cũng là đề xuất của các ngân hàng. Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho rằng, nếu Thông tư 02/2013/TT-NHNN không được gia hạn, nợ xấu sẽ tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, BIDV đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 12/2024. 

Techcombank: Kết quả kinh doanh quý IV/2023 bứt phá, dự kiến chia cổ tức tiền mặt thấp nhất 20%

Cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Techcombank ước đạt 22,9 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.

Trong năm 2023, tổng tài sản của Techcombank tăng 21,5% lên mức 849,5 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tính riêng ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 19,2% so với đầu năm lên ngưỡng 530,1 nghìn tỷ, phù hợp với hạn mức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước.

Tiền gửi của khách hàng đạt 454,7 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với đầu năm và 11,2% so với quý III/2023. Số dư CASA tăng trong 3 quý liên tiếp, đạt 181,5 nghìn tỷ, tăng 37,0% so với cùng kỳ và 31,9% so với quý III/2023, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%. Mức tăng trưởng cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch hàng đầu của Techcombank, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ lên 2,2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng dẫn đầu toàn cầu - hơn 50 lượt/khách hàng active. Mặt khác, tiền gửi có kỳ hạn (TD) đạt 273,2 nghìn tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm và tương đối ổn định theo quý, do lợi suất bắt đầu ít hấp dẫn hơn, khi so sánh với với tỷ suất đầu tư và tiềm năng của thị trường bất động sản, trái phiếu và thị trường chứng khoán.    

Vị thế vốn của Tecchombank vẫn được duy trì mạnh mẽ, với tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) theo quy định là 77,4% vào ngày 31/12/2023. Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 26,4%, thấp hơn nhiều so với mức trần quy định mới 30%, có hiệu lực từ ngày 1/10/2023.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Ngân hàng đạt 14,4%, tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu trong ngành ngân hàng và cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0%. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2023 chỉ còn 1,19%, từ mức 1,40% vào cuối quý III. Tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục dư nợ cho vay và trái phiếu là 1,12%. Chi phí dự phòng của Techcombank tăng 102,5% so với cùng kỳ, phản ánh sự chủ động của Ngân hàng trong trích lập dự phòng, phù hợp diễn biến số dư nợ xấu theo dự kiến. Điều này góp phần đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 102% vào cuối năm. Chi phí tín dụng của Techcombank vẫn được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,8%.  

Techcombank khép lại quý IV/2023 với hơn 13,4 triệu khách hàng, ghi nhận 2,6 triệu khách hàng mới trong cả năm 2023, nhiều hơn gấp đôi con số của năm 2022. Trong số đó, 46,8% gia nhập qua các kênh kỹ thuật số và 36,2% thông qua hệ sinh thái của các đối tác.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cả năm 2023 tăng 9,5% đạt 10,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng quý IV thu nhập từ dịch vụ tăng 14,2%, đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, là quý có nguồn thu từ dịch vụ tốt nhất trong lịch sử hoạt động của nhà băng này. Động lực giúp hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nguồn thu dịch vụ thẻ tăng 33,7% đạt 2.148 tỷ đồng trong năm qua; thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán tăng 81,5% so với cùng kỳ đạt 4.509 tỷ đồng; Thu từ dịch vụ ngoại hối tăng 9,2% đạt gần 996 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tác động của các yếu khách quan trong nửa đầu năm khiến nguồn thu từ dịch vụ bảo hiểm và phí dịch vụ ngân hàng đầu tư cả năm của Techcombank giảm, nhưng quý IV đã có sự khởi sắc ấn tượng, là tiền đề để kỳ vọng hai mảng này sẽ hồi phục mạnh hơn trong năm 2024.

Cụ thể, thu từ dịch vụ bảo hiểm quý IV tăng trưởng 25,2% so với cùng kỳ, đồng thời giữ vững ngôi vị số 1 toàn ngành về phí bảo hiểm hàng năm (APE) trong 4 tháng cuối năm 2023. Còn thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư quý IV tăng trưởng tới gần 136% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý III, chủ yếu nhờ mô hình môi giới khác biệt. Thị phần của TCBS tiếp tục tăng tốc ấn tượng lên 7,6% vào cuối năm, vươn lên vị trí top 3 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trên sàn HoSE.

Ngoài ra, Techcombank còn ghi nhận 1,4 nghìn tỷ đồng thu nhập từ các hoạt động khác trong năm qua, so với gần 373 tỷ đồng chi phí thuần năm 2022, chủ yếu nhờ thu nhập từ kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư và khoản lãi thu được từ việc thanh lý trụ sở cũ tại Hà Nội vào quý I/2023.

Không chỉ vậy, thu nhập lãi thuần quý IV tăng 11,4% sau đà giảm ở 3 quý trước, giúp lãi thuần cả năm đạt 27,7 nghìn tỷ đồng, thu hẹp tỷ lệ giảm xuống 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi hiệu quả kinh doanh nâng cao thì Techcombank vẫn duy trì tốt việc tiết giảm chi phí hoạt động, với tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) cả năm ở mức 33,1%, trong đó riêng chi phí hoạt động quý IV giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Kết quả chung, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 5,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 22,9 nghìn tỷ đồng, vượt so với kế hoạch đề ra ở mức 22 nghìn tỷ đã được Đại hội Đồng cổ đông thông qua hồi tháng 4/2023. Kết quả kinh doanh 2023 của Techcombank đã thể hiện khả năng nắm bắt tình hình và dự báo sát diễn biến thị trường, cùng năng lực triển khai đúng kế hoạch đề ra của nhà băng này.

Vàng miếng SJC đảo chiều tăng, tỷ giá USD gặp áp lực
Trái với diễn biến giá vàng miếng, vàng nhẫn ngược chiều điều chỉnh. Vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long BTMC xuống dưới ngưỡng 65...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư