Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng phát hành trái phiếu cao kỷ lục, trái phiếu bất động sản “ế” gần 40%
Thùy Liên - 08/10/2019 19:05
 
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong tháng 9/2019, lượng phát hành trái phiếu của các ngân hàng tăng mạnh, chủ yếu để tăng vốn cấp 2. Trái phiếu bất động sản đã bớt nóng so với trước và khá ế ẩm, chỉ hơn 60% lượng chào bán được mua.
a
Các ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2

Ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn

Theo thống kê của SSI, trong tháng 9/2019 có 25.516 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới trong đó có tới 21.071 tỷ đồng (tương đương 82.6%) là trái phiếu do cácngân hàng thương mại phát hành. Những ngân hàng phát hành nhiều nhất trong tháng 9 là TCB, CTG, BID, ACB, OCB…

Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 155.306 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do HNX không công bố) thì ngân hàng thương mại chiếm hơn 75.936 tỷ đồng (49%), đứng sau là các doanh nghiệp bất động sản (47.372 tỷ đồng – chiếm 26.4%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp khác.

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố cũng cho thấy, trong tháng 9, BIDV phát hành 2 đợt trái phiếu, mỗi đợt 500 tỷ đồng và 2.499 tỷ đồng; Agribank phát hành 4.998 tỷ đồng; VIB phát hành 500 tỷ đồng; LienVietPostBank phát hành 200 tỷ đồng; HDBank phát hành 900 tỷ đồng và 12 tỷ đồng; OCB phát hành các đợt huy động 200 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng; SeABank huy động 266 tỷ đồng và 243 tỷ đồng; ACB phát hành trái phiếu 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng; SHB phát hành 950 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Về lãi suất, tính toàn thị trường trong 9 tháng 2019, lãi suất bình quân là 8,4%/năm, kỳ hạn bình quân là 3,68 năm trong đó lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,82%/năm và 3,82 năm; của nhóm bất động sản là 10,17%/năm và 3,42 năm.

Theo SSI, tháng 9 là tháng phát hành nhiều nhất của các ngân hàng thương mại tính từ đầu năm đến nay. Lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu ngân hàng trong tháng 8 và tháng 9 là 7,1% và 7,0% - cao hơn so với các tháng trước đó chủ yếu là do các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

Cụ thể, thay vì chỉ phát hành trái phiếu 2 - 3 năm như các tháng trước, trong tháng 8 và 9/2019, các NHTM đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm. Các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhiều nhất là Vietinbank, BIDV, Seabank.

Trái phiếu bất động sản ế hàng

Ngược lại với trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân trong tháng 9 của trái phiếu bất động sản lại giảm mạnh xuống 8.1%. Tuy nhiên, lượng phát hành trong tháng chỉ là 1.797 tỷ đồng (thuộc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Nova Tân Gia Phát, CTCP Quản lý và Phát triển Gia Khánh và CTCP Sunshine Marina Nha Trang).

Ngoại trừ lô trái phiếu 460 tỷ của Gia Khánh có lãi suất thả nổi với kỳ đầu là 10,5%/năm, các trái phiếu còn lại đều có lãi suất khá thấp, đặc biệt là 2 lô của Nova Tân Gia Phát chỉ có lãi suất 6%/năm và được các cá nhân trong nước mua toàn bộ.

Đáng lưu ý, chỉ có khoảng 62% lượng chào bán được mua, hầu hết lô phát hành đều dư khá nhiều. Đặc biệt, dư nhiều nhất là trái phiếu của Phú Mỹ Hưng khi chỉ phát hành đươc 800 tỷ đồng trên tổng cộng 1.700 tỷ đồng chào bán, bên mua 100% là các nhà đầu tư nước ngoài.

Rầm rộ công bố đạt chuẩn Basel II: Ngân hàng tăng vốn ảo diệu?
Không hề có một thương vụ bán cổ phần tăng vốn nào diễn ra từ đầu năm đến nay, song các ngân hàng Việt vẫn tấp nập công bố đạt chuẩn Basel...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư