Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng Quân Đội (MB): Tiền gửi giảm gần 12%, nợ xấu tăng vọt, lợi nhuận giảm 9%
Hà Tâm - 25/04/2020 14:33
 
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ quý I/2020. Theo đó, đáng chú ý là nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5 của ngân hàng lần lượt tăng 93% và 47% so với cùng kỳ, khiến ngân hàng phải nâng trích lập dự phòng rủi ro lên gấp đôi. Sau trích lập, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng còn 2.196 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thu nhập vẫn tăng nhờ buôn chứng khoán, giảm chi phí hoạt động

Trong quý đầu năm, tín dụng của MB sụt giảm 1%, huy động vốn giảm tới 12%. Tín dụng suy giảm nhưng nhờ cho vay các lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời cao nên lãi thuần của MB vẫn tăng 13,6%, đạt 4.695 tỷ đồng trong quý I/2020.

Ngoại trừ mảng dịch vụ giảm nhẹ 1,8%, chỉ mang về 744 tỷ đồng lãi thuần, các lĩnh vực khác đều tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, lãi thuần kinh doanh ngoại hối tăng 32,5%, đạt 159 tỷ đồng. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp gần 3 lần, đạt 498 tỷ đồng. Các hoạt động khác đem về cho MB 240 tỷ đồng lãi thuần, dù giảm 7,2%.

Trong quý, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng là 6.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động giảm 0,7% nên lợi nhuận trước dự phòng tăng tới 26,5%, đạt 4.288 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt, trích lập dự phòng tăng gấp đôi ăn mòn lợi nhuận

Báo cáo tài chính của MB cho thấy, chất lượng tín dụng đang suy giảm. Nợ xấu nhóm 4 tính đến 31/3/2020 là 1.734 tỷ đồng, tăng tới 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ có nguy cơ mất vốn (nhóm 5) cũng lên tới hơn 900 tỷ đồng, tăng  47%. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý là hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 38%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng từ 1.16% đầu năm nay đã tăng lên 1.62% vào cuối quý I/2020.

Nợ xấu tăng mạnh khiến MB phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể, trong kỳ, MB đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 2.092 tỷ đồng, tăng 117% so với kỳ trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng của ngân hàng hiện là 107%.

Chính vì vậy, dù tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt, sau khi trừ đi chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của ngân hàng này chỉ còn lại là 2.195 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý I/2020, MB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2019 và bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo được thăng dư tăng vốn cổ phần lên gần 1.200 tỷ đồng, giúp ngân hàng cải thiện hệ số CAR.

Tuy nhiên, trong quý, MB chứng kiến sự sụt giảm mạnh của tiền gửi khách hàng (giảm gần 12%), chủ yếu là các khách hàng tổ chức rút tiền.  Việc tiền gửi khách hàng giảm mạnh là một trong những vấn đề đáng ngại nhất của MB hiện nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến hết 31/03/2020, tổng tài sản của Ngân hàng đạt gần 407.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái.

MBBank hoàn tất tăng vốn, thu về hơn 1.700 tỷ đồng
Cổ đông mới của ngân hàng đều là các nhà đầu tư tài chính nước ngoài, một điều đã nằm trong kế hoạch dự tính của MBBank. Tuy nhiên, số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư