Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng quốc doanh sẽ sớm bứt tốc trở lại
Hà Tâm - 10/11/2021 09:43
 
Sở hữu tổng tài sản lớn nhất hệ thống, song nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh đang đi lùi về thứ hạng lợi nhuận.

Dù vậy, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lớn, cộng với áp lực hạ lãi vay giảm dần, nhiều ngân hàng quốc doanh sẽ sớm trở lại đường đua. 

Sau khi tăng trưởng âm trong quý III/2021, lợi nhuận của BIDV được dự báo tăng trưởng khả quan thời gian tới. Ảnh: Đ.T

Lợi nhuận 3 ngân hàng TMCP quốc doanh bật tăng từ quý IV/2021

Các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước vừa trải qua quý kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, trong quý III, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng trưởng âm so với cùng kỳ; lợi nhuận của VietinBank chỉ tăng 5%; Vietcombank có mức tăng trưởng khá hơn (tăng 15%), song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của khối ngân hàng niêm yết.

Tính đến hết tháng 9/2201,Vietcombank tuy vẫn là quán quân lợi nhuận toàn hệ thống, song vị trí đang bị đe dọa bởi mức chênh lệch tại thời điểm tháng 9/2021 với á quân (Techcombank) chỉ còn 2.000 tỷ đồng, so với trước dịch là 8.700 tỷ đồng. VietinBank cũng tụt hạng so với cuối năm 2020, khi tụt xuống vị trí thứ 3. Riêng BIDV đã kịp vượt ACB lấy lại vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng, nhưng tiếp tục đứng sau 3 ngân hàng tư nhân khác là Techcombank, MB, VPBank.

Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia phân tích, thời kỳ “tụt hạng” của khối ngân hàng TMCP quốc doanh đã chấm dứt. Các ngân hàng này sẽ bứt tốc trở lại từ quý IV/2021 nhờ nhiều yếu tố, như áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng giảm bớt, được cấp thêm room tín dụng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, áp lực dự phòng rủi ro giảm…

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) dự báo, năm nay, Vietcombank sẽ đạt 27.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 11% so với năm 2020). Bộ đệm dự phòng nợ xấu lớn và một nửa phí trả trước bảo hiểm (bancasurrance) hàng năm sẽ được ghi nhận trong quý IV/2021 là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng tốc trong quý này.

Trong khi đó, VietinBank cũng dự kiến ghi nhận lợi nhuận khủng gần 7.500 tỷ đồng trong quý IV/2021, đưa lợi nhuận cả năm đạt 21.356 tỷ đồng, cạnh tranh ngang ngửa với á quân Techcombank. Bộ đệm dự phòng lớn và phí trả trước từ hợp đồng bảo hiểm là cơ sở để VietinBank đạt mức lợi nhuận này.

Tuy vậy, mức lợi nhuận này có thể sẽ không như dự báo của MBKE, nếu VietinBank trì hoãn việc ghi nhận phí bancassurance vào năm 2022. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, khoản thu nhập từ bancassurance dự kiến được ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý I/2022.

Trong khối ngân hàng TMCP quốc doanh, BIDV dự kiến là ngân hàng về đích lợi nhuận sớm nhất năm nay, song BIDV vẫn đứng sau hàng loạt ngân hàng TMCP tư nhân về lợi nhuận, dù quy mô tổng tài sản, vốn điều lệ và thị phần tín dụng đều cao gấp nhiều lần.

Tăng vốn, tăng thu nhập ngoài lãi, ngân hàng quốc doanh sớm lấy lại vị thế

Ông Trần Minh Bình cho hay, nguyên nhân khiến lợi nhuận của VietinBank tăng trưởng chậm trong 2 quý vừa qua dù tín dụng vẫn tăng khả quan là do Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro cao hơn mức quy định. Dự kiến, đến cuối năm 2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank lên tới 169%, chi phí dự phòng rủi ro dự kiến 17.000 tỷ đồng, trong khi nợ xấu chỉ 1,4%. Năm nay, Ngân hàng dự kiến giảm 7.000 - 8.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng.

Đó cũng là lý do giải thích mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn tại Vietcombank và BIDV. Trong 9 tháng đầu năm nay, trích lập dự phòng rủi ro tại 2 ngân hàng này đều tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cả hai ngân hàng đều dự kiến giảm trên 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

Việc tăng mạnh gối đệm thanh khoản thời gian qua cũng khiến lợi nhuận khối ngân hàng quốc doanh tăng trưởng khiêm tốn, song dự kiến sẽ là lò xo tạo bước nhảy vọt trong năm 2022.

“Chúng tôi tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì VietinBank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt", ông Trần Minh Bình giải thích lý do trích lập dự phòng cao hơn quy định.

Các công ty chứng khoán cũng dự báo, năm 2022, các ngân hàng TMCP quốc doanh sẽ lấy lại phong độ tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài bộ đệm dự phòng tốt, nền kinh tế đang hồi phục hậu Covid-19 giúp các ngân hàng quốc doanh bớt chịu áp lực giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, room tăng trưởng tín dụng rộng thêm, tăng vốn thành công, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt… là những yếu tố giúp lợi nhuận khối ngân hàng này tăng tốc.

Theo dự báo của MBKE, năm 2022, lợi nhuận của Vietcombank, BIDV, VietinBank có thể tăng 30-35%, nhờ các động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận vững chắc (tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận, thu nhập từ phí) và việc giảm trích lập dự phòng.

Trong khi đó, lợi nhuận các ngân hàng TMCP tư nhân năm sau có thể giảm tốc so với năm nay. Cụ thể, năm nay, lợi nhuận của Techcombank, MB tăng 40-41%, nhưng sang năm chỉ tăng 25-30%. VPBank có thể đạt mức tăng trưởng 25% trong năm nay và tiếp tục duy trì tỷ lệ này trong năm sau.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI dự báo, năm 2022, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank là 26%, Vietcombank là 23%, tăng mạnh so với năm nay. Trong khi đó, tăng trưởng của khối ngân hàng TMCP tư nhân sẽ chậm lại, điển hình như Techcombank sẽ chỉ tăng trưởng lợi nhuận gần 20% so với mức trên 40% dự kiến cả năm nay.

Hiện tại, cả BIDV và Vietcombank đều đang chuẩn bị chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Việc tăng vốn thành công sẽ giúp hai ngân hàng này có thêm dư địa tăng trưởng.

Riêng VietinBank đã tăng vốn thành công và sẽ ghi nhận nhiều khoản thu nhập bất thường lớn trong nửa đầu năm 2021, như thu nhập từ hợp đồng bancassurance với Manulife sẽ được ghi nhận trong quý I/2022, thu nhập từ thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết dự kiến triển khai trong quý I hoặc quý II/2022.

Khẩn cấp tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh
Nâng cao năng lực tài chính để 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) làm bệ đỡ hỗ trợ nền kinh tế là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư